Monday, August 22, 2016

LỘC RƠI LỘC VÃI


Tiếp theo trong tập truyện ngắn hay st, xin gửi tới bạn đọc một tác phẩm của nhà văn Mai Tiến nghị với tiêu đề: lộc rơi, lộc vãi. Mời bạn đọc cùng xem.


1. Nắng rát rạt. Nắng như hắt lửa vào mặt. Nhìn quanh thấy rặt một màu trắng, không khí đầy những sợi tơ mảnh trong suốt run rẩy. Cây cối đứng im, héo rũ như chán chường dưới nắng nóng. Không có chút gió nào, kể cả những ngọn gió mồ côi cũng trốn biệt. Đến người cũng nhũn nhão, cũng héo rũ vì nóng.

Trên con đường nhỏ giữa cánh đồng vừa gặt, một đứa bé gái đang đi như chạy. Đầu nó chúi về phía trước, chân bước gấp gáp như để cố thoát ra khỏi chính cái bóng của mình dưới chân đã co lại vì đang giấc giữa trưa. Chiếc mũ lưỡi trai nhầu nhĩ trên đầu chỉ che được một tí trán, còn khuôn mặt đang bị nắng chiếu đến đỏ lơ đỏ lựng. Mớ tóc mai trước trán bết mồ hôi như chọc thẳng vào mắt, khiến con bé thỉnh thoảng lại đưa tay lên vén tóc và gạt mồ hôi. Mắt nó nhoè nước, môi mím chặt. 
Mới được non nửa quãng đường, con bé dừng lại thở và nhìn về làng nó. Con đường rải đá cấp phối mà nó đã quen tới mức nhắm mắt cũng có thể tránh từng hòn đá mấp mô, bởi từ bé đến giờ ngày nào nó cũng phải đi qua ít nhất hai lần. Nhưng con đường hôm nay sao dài thế. Cố lên, chỉ một thôi đường nữa là về đến nhà. Về để nói với ông để ông biết. Để được chia sẻ, chỉ có ông mới có thể chia sẻ được với nó… Nó tự nhủ và bước tiếp… 
Hôm nay, sau buổi học nó được cô giáo chủ nhiệm bảo lên gặp thầy hiệu trưởng. Nó hơi hoảng vì nó biết thầy rất nghiêm khắc. Có việc gì mà lại bị gọi lên Ban giám hiệu? Nó cố nhớ lại hay là mình đã mắc khuyết điểm? Chả có gì cả. Nó vẫn chấp hành tốt mọi quy định của nhà trường, nó vẫn học tốt và luôn đứng đầu lớp. Thôi chết! Hay là thầy không miễn học phí cho nó nữa? Nhưng từ khi lên cấp hai đến giờ nó vẫn được miễn các khoản đóng góp cơ mà. Bởi vì các thầy các cô thương hoàn cảnh của nó bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tích, chỉ còn ông nội đã trên tám mươi tuổi.
Trái với những đoán non đoán già của nó, thầy hiệu trưởng bảo nó ngồi, rót nước đưa nó uống. Chắc là việc quan trọng đây. Nó đưa hai tay cầm chén nước, run run, trống ngực đập rộn ràng thấp thỏm. 
- Hôm nay thầy cho gọi em lên, cho em biết và về nói với ông nội là đợt này trên huyện có cho nhà trường một món quà là một chiếc xe đạp dành cho học sinh học giỏi, hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường mà lại không có xe. Em là người xứng đáng được nhận phần quà ấy. Nhưng còn một vài thủ tục cần thiết phải làm. Em về nói với ông nội viết một cái đơn nói rõ hoàn cảnh gia đình, đưa xóm trưởng xác nhận, Uỷ ban nhân dân xã chứng thực để thày gửi lên cấp trên. Cố gắng sáng mai đưa cho thầy nhé.
Nó tưởng mình nghe nhầm. Nhưng thầy hiệu trưởng còn cẩn thận ghi thành một cái giấy cho mang về đưa cho ông. Nó nhìn tờ giấy, biết mình không nhầm thì mừng quá. Con bé lí nhí chào thầy rồi vội vàng về nhà để báo tin mừng cho ông biết. 


2. Ông lão run run nhặt từng sợi rơm chuốt xếp cho đều cổ, thỉnh thoảng ngón tay ríu lại làm những sợi rơm vung vãi xuống đất. Lại nhặt lên xếp lại. Tấm lưng còng như gẫy gập xuống mỗi khi lão với tay nhặt những sợi rơm văng ra xa. “Đến là khổ…Đến là khổ…” lão vừa lúc lắc cái đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc vừa lẩm bẩm. Khuôn mặt khắc khổ cam chịu cùng với những nếp nhăn chỉ dãn ra được một tí khi đã bó chét rơm bằng một sợi lạt mảnh. “Hà..hà…” lão khoan khoái với tay ra đằng sau đấm bình bịch vào lưng rồi ngửa cổ tự thưởng cho mình phút giải lao.
Ngoài kia, nắng ngập sân. “Sao nóng thế không biết!” Lão chống tay vào đầu gối, lọm khọm đứng dậy lại gần cái bàn, cúi sát mặt vào cái đồng hồ: “Gần mười hai giờ rồi… Cái con bé này hôm nay lại về muộn! Đến chết nắng mất thôi! Giá mà cái xe đạp quý hoá kia nhanh nhanh được nhận…”
Hôm kia, con bé về báo tin, lão mừng đến rơi nước mắt. Cảm ơn thầy Hiệu trưởng. Cảm ơn các cấp lãnh đạo… Thế là cháu ông có xe đạp để mà đi học, để mà bù lại những thiệt thòi của nó, an ủi nỗi tủi thân của lão.
Vợ chồng lão chỉ có mỗi thằng con trai. Được cái hắn chăm chỉ, chẳng chơi bời gì. Lão lấy vợ cho nó. Rồi nó đẻ được mụn con gái. Nhưng có ai ngờ, đứa cháu được ba tuổi thì thằng con lão bị tai nạn khi đang làm thợ xây ở thành phố. Nó rơi từ trên giàn giáo tầng ba xuống đất chết ngay. Lão phát điên lên, khi người ta đưa xác con về. Lúc ấy mọi người thấy lão ngồi bệt ở góc sân, không khóc, mắt đờ đẫn, đưa tay lên đầu vặt gần trụi hết tóc rồi lại bốc đất bỏ lên đầu, miệng lẩm bẩm: “Đến là khổ…Đến là khổ…”. Người ta có mười thì tốt, lão chỉ có một mà vô duyên. Vợ lão xót con, nằm liệt giường. Vài tháng sau thì bà lão đi theo con trai. Hai cái tang ập đến, lão đau quá đến mức không thể khóc. Con dâu còn hơ hớ, lão biết sẽ có ngày nó sẽ phải bỏ cái nhà này đi lấy chồng. Nhìn mẹ con nó âu yếm nhau, lão giàn giụa nước mắt khi nghĩ đến cái cảnh chỉ còn mình lão cô độc trong căn nhà quạnh hiu. Thôi cũng đành, chỉ mong nó lấy đám nào gần gần để thỉnh thoảng lão được trông thấy đứa cháu nội. Nhưng con dâu lão vẫn ở vậy nuôi con, chăm sóc lão. Đứa cháu gái vừa vào học lớp một thì cũng là ngày mẹ nó bỏ đi. Không biết là đi đâu. Người thì bảo nó vào miền Nam. Người thì bảo nó bị người ta dụ dỗ bán sang Trung quốc. Bảy năm nay không có tin tức gì. Lão lụi cụi nuôi cháu ăn học. Lão đã yếu lắm rồi, con bé còn phải đi học, nên chỉ có hơn sào ruộng lão đành cho người ta cấy rẽ để mỗi mùa họ trả cho mấy chục cân thóc. Chả còn làm được việc gì, lão đành hàng ngày buộc chổi rơm để bán. Ngày được một hai chiếc cũng kiếm được dăm bảy nghìn. Ông cháu lần hồi từng bữa. Thấm thoát đứa cháu đã học lên lớp bảy. 
- Cháu chào ông! Cháu đã đi học về.
- Mày đã về đấy hử con.- Lão ngoảnh ra- Đến chết nắng mất thôi! Chịu khó vài hôm nữa rồi có xe đạp, cố mà học con ạ!
Con bé nhấm nhẳng: “Chắc chẳng có đâu ông ạ. Mấy lị cháu cũng chả cần. Đi bộ cũng được”. Rồi nó đi xuống bếp. Ông lão lắc đầu, lại đứa nào nói trêu chọc gì đây. Nghe tiếng bát đũa lách cách. Chắc là nó đang dọn cơm.
Con bé bưng mâm cơm. Cũng chẳng có gì ngoài bát canh rau lang nấu suông và một bát con nước mắm. Nó mở cái vung soong cơm nhỏ, hớt lượt cơm trên mặt nồi dính tro bếp cho vào góc mâm rồi xới ra hai bát. “Cháu mời ông xơi cơm”. Ông lão bưng bát cơm, vừa trệu trạo nhai vừa hỏi:
- Thầy giáo bảo bao giờ thì trên người ta cho cái xe?
- Chắc là không được đâu ông ạ!
- Sao lại không được? Ông đã nhờ người lấy giấy tờ đầy đủ rồi cơ mà. Đến là khổ… Hay là mày đánh mất giấy. Thế đã đưa cho thầy giáo Hiệu trưởng chưa?
- Cháu đã đưa rồi. Nhưng hôm nay thầy lại gọi cháu lên, bảo về nói với ông rằng trên yêu cầu phải có xác nhận của Toà án việc mẹ cháu mất tích.
- Giấy chứng nhận mất tích?
Con bé vừa nói vừa gật đầu để ông nó khỏi phải nghi ngờ cái điều nó vừa thông báo:
- Vâng, phải có giấy chứng nhận mất tích.
Lão nghẹn ứ cổ. Mặt méo xệch, thất thần. Rồi lão rướn ngực, cổ duỗi ra. Bát cơm trên tay đổ nghiêng xuống đất. Con bé hốt hoảng nhìn ông. Nó lập cập rót cốc nước kề vào miệng ông, rồi vừa đấm nhẹ vừa vuốt xuôi dọc sống lưng cho ông nội… Cố nuốt ngụm nước, cái cục chẹn ngang cổ xuôi dần, nó xuôi đến đâu nghe tức nhói đến đó. Qua rồi! Thất vọng đến bải hoải. Mắt ầng ậc nước, lão đưa tay ra sau chống xuống đất, ngửa cổ lên mái nhà. 
- Đến là khổ…, đến là khổ… - Lão lẩm bẩm- Bây giờ lấy đâu ra được cái giấy xác nhận như vậy. Ông nghe nói toà án người ta thông báo trên đài tìm người nếu sáu tháng sau không có trả lời thì mới được coi là mất tích… Mà nghe đâu còn mất mấy chục bạc lệ phí nữa cơ…
- Cháu chả muốn đưa tin mẹ cháu lên đài…
- Ừ phải đấy con ạ! Cái xe quý thật đấy. Nhưng chả thể bù được cái tiếng cho mẹ con, cho con đâu. Bố mày bạc số, mẹ mày cũng khổ lắm nên mới đoạ ra vậy chứ có phải nó hư đốn gì đâu… Thôi con ạ. Đi bộ cũng được. Ngày xưa bố mày đi bộ mãi đấy mà vẫn học được hết cấp ba. Thôi nhá!- Ông lão chùi nước mắt- Gớm giời đất sao mà nóng thế không biết. Chả có tý gió nào. Chắc đang góp gió cho bão. Khéo mà sắp có bão đấy cháu ạ!

3- Ông Phó Chủ tịch huyện ngả người trên xích đu trong cái lầu bát giác giữa vườn nhà. Mới sáng ra mà đã nóng quá. Quạt điện quay vù vù cũng không làm ông khỏi bức bối để tận hưởng không khí trong lành của vùng sinh thái nhà mình. Non bộ, cây cảnh, hồ bán nguyệt được xếp đặt như tiên cảnh. Ông đã phải bảo tay Kiến trúc sư thiết kế làm sao cho thật giống cảnh như trong phim Tàu. Khu vườn của ông nổi tiếng bởi những cây cảnh đắt giá người ta đem đến kỷ niệm để anh thư giãn sau một ngày lao động mệt nhọc. Quả là mệt thật. Ngày ba bốn cuộc họp. Cứ như ca sĩ chạy sô…Vậy mà việc công, việc tư của ông đều mãn nguyện. Hai công chúa nhà ông hiện đang học đại học dân lập dẫu nhan sắc khiêm tốn và i-xê hơi ẩm, đã được ông mua cho hai căn nhà ở Thủ đô mà mỗi cái ngót tỷ bạc để làm vật kề các. Vậy là yên tâm! Còn bà vợ thì chỉ ở nhà chăm lo bảo dưỡng dung nhan hiện đang xuống cấp một cách nghiêm trọng và chịu khó lễ lạy các đền chùa miếu phủ, phù hộ cho hoạn lộ của ông ngày càng hanh thông thênh thang như đường cao tốc. Chỉ hiềm một nỗi không có con trai nối dõi. Năm nay ông mới gần năm mươi, sung sức lắm.
Hắt hơi đến ba bốn cái liền, quái, ai mong nhỉ. Hôm nay là ngày nghỉ cơ mà. Ông chợt nhớ hôm qua đã hẹn lái xe đến đón đi công tác. Công tác ở đâu, chỉ có ông mới biết. Trong đầu lại mơn man hình ảnh những cánh tay trần... Nhưng chưa đến giờ hẹn. Lại hắt hơi. Kệ, hắt hơi càng nhiều càng tốt, nó tống khí độc ra ngoài…
Con chó ngoài ngõ xồ ra, sủa váng. Ai thế nhỉ? Lại nhờ vả gì đây. Đến là khổ. Cứ được ngày nghỉ là lại có người đến nhờ. “Mình đâu rồi! Ra mở cổng, xem ai đến”. Không có tiếng trả lời. Ông đành phải khệnh khạng ra cổng. Ở làng phải theo lệ. Mình quan cách quá người ta chửi cho mất mặt.
Cổng mở. Trước mặt ông là hai con người, một già, một trẻ. Người già lưng đã còng, mặt mũi dúm dó. Còn người trẻ là một đứa bé gái độ mười một, mười hai tuổi quần áo tầm tầm cũ kĩ.
- Chào ông ạ!- Ông lão cất tiếng chào.
- Cháu chào bác ạ! Con bé rụt rè chào theo ông nó.
Chủ nhà hơi ngỡ ngàng. Ăn mày mà dám đường đột gọi cửa như vậy sao? Thôi cho vài đồng rồi để họ đi, khỏi rắc rối. Ông thò tay móc ví. Sực nhớ mình đang mặc pijama. “Đợi một tý, tôi vào nhà lấy…”. “Ấy không! Chả là... Ông cháu tôi đến để cảm ơn! Thưa ông, ông cho phép tôi thưa chuyện…” 
Miễn cưỡng, chủ đành phải mời khách vào. Hai ông cháu lúc cúc đi theo ông chủ. Cả hai choáng ngợp trước phòng khách sang trọng và đồ đạc bài trí trong nhà. Con bé ngây người nhìn, không dám thở mạnh, nó bước theo ông lão và dừng lại trước cửa. Cả hai đều nhìn xuống và đều cảm thấy băn khoăn vì nền nhà bóng loáng mà những bàn chân của mình thì đen đúa, thô kệch.
- Vào đi! Để dép bên ngoài! 
Họ giật mình khi nghe giọng ông chủ sang sảng. Cả hai rón rén bước vào phòng khách sau khi đã lau chân thật cẩn thận vào tấm thảm trước cửa. Vậy mà vừa đi con bé vừa ngoái lại xem chân mình khỏi để lại vết trên nền nhà hay không, rồi nem nép ngồi cạnh ông nội trong cái xalông Tàu có khung dựa to bằng bắp chân.
- Thưa ông- Ông lão lên tiếng trước- Hôm nay ông cháu tôi đến để cảm ơn ông về cái xe đạp. Gớm, thật là phúc đức quá. Nhà tôi ở mãi đầu xã cách đây đến bốn năm cây số. Hoàn cảnh thì nghèo, có hai ông cháu dựa vào nhau mà sống. Vừa rồi trên cũng ưu tiên giúp đỡ, định cho cháu cái xe đạp. Nhưng không đủ thủ tục. Vậy là không được. Cháu nó buồn mất mấy ngày. May sao cậu nhà ta bên ông lại được tiêu chuẩn ấy. Gia đình bên cậu ấy cho cháu cái xe cũ cậu ấy đang đi. Phúc đức quá ông ạ! Cháu tôi có xe đi cũng là nhờ phúc đức của ông, của nhà ta. Tôi xin được cảm tạ ông. Cháu cảm ơn ông đi!
Con bé lí nhí:
- Cháu cảm ơn bác ạ!
Đến bây giờ thì ông lờ mờ hiểu ra:
- Sao lại cảm ơn tôi? Cụ cảm ơn người cho cái xe cũ ấy chứ.
- Là thầy Hiệu trưởng bảo là phải đến cảm ơn ông. Nhờ có ông, cháu tôi mới có cái xe cũ mà đi. Cũ cũng tốt chán. Đấy là cái lộc của ông. Ông cho cậu bên nhà. Cậu bên nhà lại cho cháu… Lộc vương lộc vãi đến được ông cháu tôi cũng là quý lắm đấy ạ!
Mắt ông lão rơm rớm. Ông phó Chủ tịch tím mặt. “Không có gì, không có gì…Cụ không phải cảm ơn”. Ông ậm ừ cho qua chuyện rồi cố gắng giữ phép lịch sự tiễn khách. Khách vừa ra khỏi cổng, ông hằm hằm sang thẳng bên nhà ông em ruột. 
Nhà ông này ở gần nhà ông. Ông anh làm lãnh đạo huyện nên ông em dù ít học nhưng cũng được bố trí làm ở xã. Dẫu chức vụ chẳng to tát gì nhưng cũng được cái sự nhàn, ngày hai buổi cắp cặp ra Uỷ ban ngồi hóng hớt, tháng lĩnh lương đều. Cái chính là hắn có con trai. Còn ông thì lại chỉ có hai mụn gái, thành thử ông luôn phải nghĩ đến thằng cháu trưởng giả vì sau này nó là người hương khói. Thực ra cũng chưa cho nó được cái gì cho ra tấm ra miếng…
Hai bố con chú em đang lúi húi ngoài vườn, thấy ông anh sang với vẻ mặt không mấy thiện chí thì cuống lên. Ông anh hất hàm: “Bố con chú vào nhà, tôi có việc cần hỏi!”. Cả hai răm rắp tuân lệnh, bỏ công việc đang làm dở vội chạy vào đứng sắp hàng ngang, băn khoăn và nghiêm trang chờ thánh chỉ.
- Thằng này- Ông chỉ vào thằng cháu trưởng giả- mày bêu riếu tao đấy à? Sao cái xe cũ lại đem cho đi?
Thằng cháu hoảng hốt, líu lưỡi. Bố nó vội lên tiếng:
- Không phải tại cháu đâu. Chả là câu chuyện thế này: Em đem cái giấy của bác viết là cái xe này bác cho cháu nhà ta, nhưng để cho hợp thức hoá yêu cầu thầy hiệu trưởng kí xác nhận cho cháu. Ông Hiệu trưởng bảo căn cứ vào công văn thì cháu kia mới đủ điều kiện, Hội đồng đã xét. Còn con nhà mình thì hoàn cảnh không khó khăn, nhà gần trường lại có xe rồi nên không được…
- Thế chú có biết chỉ có sáu cái cho cả huyện, tôi đã gửi qua xã này một cái để hợp thức dành cho thằng cu nhà mình. Đấy là lộc của tôi... Tôi đã bảo cánh xét duỵệt là phải đòi nhà kia thêm thủ tục giấy của toà án chứng nhận mẹ nó mất tích để… để mình khỏi điều tiếng. Tôi giấu đầu chú lại hở đuôi… đem cho cái xe cũ!
- Nhưng chả nhẽ em lại nói ra. Em phải nói là nếu không cho cháu nhà ta thì xã mình phải nhường cho xã khác vì con bé kia không đủ thủ tục, trên không duyệt. Nói mãi ông Hiệu trưởng mới phải chịu nhưng với điều kiện lấy xe mới phải cho con bé kia cái xe cũ. Em nghĩ cái xe cũ giá có bán cho đồng nát cũng chả được mấy. Tiếc gì! Vậy là em đồng ý luôn.
Ông anh ngồi lặng đi, nghiến răng, quai hàm bạnh ra, hai bàn tay nắm chặt như chuẩn bị đánh ai. Ông nhổm người lên, rồi lại ngồi xuống. 
- Đồ ngu! Đồ xỏ lá! Rồi sẽ biết tay ông!- Ông gằn giọng thay cho câu chào và hùng hục ra về, mắt long lên căm phẫn đến cực điểm. Bỏ mặc ông em và thằng cháu đứng ngây ra không biết cái câu chửi kia là chửi ai. Ai ngu, ai xỏ lá?

4- Nắng vẫn rát rạt. Trên con đường cũ, con bé đi học về bằng xe đạp. Cái xe đạp cũ đã được thầy hiệu trưởng đem sửa chữa chắc chắn và trao cho nó. Nó cố đạp nhanh về nhà để còn tranh thủ đỡ đần ông nội nhặt rơm buộc chổi. Cái xe cũ nhưng còn tốt chán, nó nghĩ thế bởi vì dù sao từ nay cũng không phải cuốc bộ phơi mặt ra thi gan với nắng. “Cái nhà ông ấy ăn ở nhân đức thế cho nên giời cho phú quý là phải. Sao mà có người tốt đến thế!”. Ông nội nó gặp ai cũng giàn giụa nước mắt nói như vậy sau khi kể về việc cháu lão có được chiếc xe đạp cũ. 
Cũng trên con đường ấy, trưa nay còn có một thằng bé ưỡn ngực, nhổm đít trên một cái xe đạp mới tinh đang đuổi theo con bé. Nó vượt qua con bé rồi dừng lại quay ngang xe chắn đường. Con bé vội xuống xe, mặt mũi tái nhợt, chân tay run rẩy như muốn khuỵu xuống. Nó sợ quá. Thằng kia gạt chân chống, cẩn thận dựng cái xe đạp mới ngang đường. Nó tiến lại gần con bé:
- Trả xe cho tớ!
Con bé oà khóc. Thằng kia giằng lấy chiếc xe đạp cũ từ tay con bé. Con bé mím môi, cong người cố giằng lại. Đối thủ hất hàm về phía cái xe mới tinh đang dựng ở giữa đường:
- Cái xe kia mới là của đằng ấy!
Con bé buông tay, ngơ ngác… Thằng kia giằng được cái xe cũ, quay đầu, nhảy lên yên và phóng thẳng.
*
* *
Tôi viết câu chuyện này sau khi được nghe một anh bạn giáo viên kể lại. Vậy ra sự tự trọng của con người còn lớn hơn cả tiền bạc. Đối với bọn trẻ thì điều ấy càng đúng hơn. Chỉ có một điều cũng cần phải nói thêm: khi tôi hỏi anh bạn về ông Hiệu trưởng- nhân vật thấp thoáng đứng đằng sau câu chuyện- thì được trả lời là ông ấy đã chuyển đi trường khác cách chỗ cũ đến hơn chục cây số với lý do thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ…


SHARE THIS

Author:

Tôi là một bloger, đây không phải là nghề của tôi mà nó xuất phát từ niềm đam mê mong muốn mang lại cho các bạn những thông tin chính xác nhất, một nơi tuyệt vời để t ạo ra cho riêng mình một thế giới mới...

0 comments: