Thursday, July 6, 2017

Mặt trăng nhân tạo của Nga

Mặt trăng nhân tạo của Nga

Có lẽ không bao lâu nữa bầu trời đêm sẽ được thắp sáng bởi một ngôi sao nhân tạo. Theo những người phát triển dự án, ngôi sao này có thể sẽ sáng như Mặt Trăng.

Một nhóm các nhà khoa học Nga đang lên kế hoạch phóng một vệ tinh mang vật liệu phản chiếu ánh sáng cực đại lên quỹ đạo. Theo dự kiến, nó sẽ được phóng vào tháng 7 năm nay bằng tên lửa Soyuz-2, với sự hỗ trợ của Roscosmos (Cơ Quan Vũ Trụ Liên Bang Nga).
Alexander Shaenko, người đứng đầu chương trình khám phá vũ trụ tại Đại Học Cơ Khí Moscow và cũng là chỉ huy dự án, đã chia sẻ trên tờ Sputnik: “Chúng tôi sẽ sớm phóng một vệ tinh lên quỹ đạo. Nó sẽ là ngôi sao sáng nhất bầu trời khi màn đêm buông xuống và có thể nhìn thấy từ mọi nơi trên Trái Đất”.
Vệ tinh có tên Mayak (Ngọn Hải Đăng), được thiết kế bởi một kỹ sư trẻ đến từ trường Đại Học Cơ Khí Moscow. Thông qua chương trình hỗ trợ vốn ‘Boom-starter’, anh này đã huy động được số tiền lên đến 1,7 triệu rúp (tương đương 22.000 USD).
mặt trăng nhân tạo
ảnh minh họa

Sứ mệnh của vệ tinh “Ngọn Hải Đăng”

Một số hãng thông tấn cho biết vệ tinh này sẽ không được sử dụng để tham gia bất kỳ nhiệm vụ quan sát hay công trình khoa học nào.
Mục đích thực sự đằng sau dự án này là để khuyến khích và truyền cảm hứng về khoa học không gian tới lứa tuổi thanh thiếu niên. Một ứng dụng cũng đang được phát triển song song để giúp những người quan tâm và các fan hâm mộ định vị ngôi sao này (với một ngôi sao sáng như vậy, bạn sẽ không cần dùng đến ứng dụng này trừ khi muốn biết tọa độ chính xác của nó).
Anh Shaenko chia sẻ về mục tiêu của nhóm phát triển dự án: “Chúng tôi muốn cho lớp trẻ thấy khám phá không gian vũ trụ là một đề tài thú vị. Và quan trọng hơn cả là với những gì chúng ta đang có ngày nay, nó có thể được tiếp cận bởi bất kỳ ai hứng thú”.
mat trang nhan tao
Các nhà khoa học đang kiểm định cơ chế bung mở của ngôi sao nhân tạo. (Ảnh: IFL sciences)
Hệ thống chiếu sáng này bao gồm một tàu vũ trụ siêu nhỏ, kích cỡ chỉ tương đương một ổ bánh mì, và một tấm phản chiếu ánh sáng cực đại hình kim tự tháp. Nếu được phóng lên quỹ đạo thành công, nó sẽ quay quanh Trái Đất tại độ cao 600 km.
Tại độ cao này, “Ngọn Hải Đăng” sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lực cản trong không khí. Nhờ vậy nó có thể hoạt động ổn định trong quãng thời gian lâu dài. Bộ phận phản chiếu ánh sáng được làm bằng chất liệu polymer có độ mỏng hơn tóc 20 lần và sẽ vươn dài tới 16 mét vuông trên không trung.
Vệ tinh này không được thiết kế để quay mãi mãi quanh quỹ đạo Trái Đất. Các kỹ sư người Nga đang phát triển một hệ thống phanh khí động học để giúp nó có thể giảm tốc và hạ cánh chậm rãi xuống bầu khí quyển.
Nếu thành công với dự án này, Nga có thể mở rộng hệ thống vệ tinh với nhiều chức năng hơn – đặc biệt là để giải quyết vấn nạn liên quan đến rác thải vũ trụ đang bao trùm Trái Đất.

Hệ lụy của sự kiện này

Tuy nhiên, “Ngọn Hải Đăng” đã nhận được khá nhiều chỉ trích từ các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ môi trường – những người lo ngại về tình trạng ô nhiễm ánh sáng mà nó mang đến.
Đứng trước thực tế là vệ tinh nhân tạo này có thể trở thành ngôi sao sáng nhất màn đêm, nó sẽ cản trở việc quan sát thiên văn. Không chỉ vậy, lượng ánh sáng mà nó phản chiếu cũng có thể mang đến những tác động khó lường cho hệ sinh thái.
Ông Nick Howes, cựu Phó Giám đốc Đài Thiên văn tại Northumberland, chia sẻ cảm nghĩ của mình với IFLScience: “Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để có bầu trời tối ở trong và ngoài Trái Đất. Thật đau lòng khi nhìn thấy những nỗ lực này có thể bị hủy hoại bởi một nhóm người được tài trợ bởi đám đông thiếu hiểu biết”.
Kênh thời sự truyền hình Russia Today khẳng định ngôi sao nhân tạo có thể sáng tương đương Mặt Trăng. Tuy nhiên những số liệu được công bố không hoàn toàn khớp với thông tin này. Nhiều khả năng nó sẽ đứng ở vị trí thứ 3, độ sáng chỉ sau Mặt Trăng và sao Kim.

Thursday, August 25, 2016

Phát hiện trái đất thứ 2

Phát hiện trái đất thứ 2

ESO chính thức xác nhận có một "Trái đất thứ 2" cực kỳ gần với Trái đất chúng ta.

Theo thông báo của ESO, các chuyên gia đã tìm thấy những bằng chứng cực kỳ rõ ràng về một hành tinh xoay xung quanh Proxima Centauri (Cận tinh). Hành tinh được đặt tên: Proxima b.
Phát hiện Proxima b, hành tinh giống Trái Đất quay quanh ngôi sao gần Mặt Trời nhất, có thể là một cột mốc quan trọng trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ của các nhà thiên văn.
Proxima b xoay xung quanh ngôi sao của nó theo chu kỳ 11 ngày, và với khoảng cách "chuẩn" để có một nhiệt độ rất cân đối, đủ để duy trì nước dạng lỏng trên bề mặt.
Hành tinh này có khối lượng chỉ lớn hơn Trái đất một chút, và là một exoplanet (hành tinh ngoài hệ Mặt trời) gần với chúng ta nhất. Đây thậm chí có khả năng là hành tinh duy nhất đủ khả năng duy trì sự sống mà có khoảng cách gần với Trái đất đến như vậy.
Theo ESO, Cận tinh Proxima Centauri là ngôi sao gần nhất với hệ Mặt trời, chỉ cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng. Cận tinh nằm trong chòm sao Nhân mã, và do là một ngôi sao lùn nên nó phát ra ánh sáng khá yếu.
Hơn nữa Proxima Centauri nằm gần một ngôi sao lớn hơn là Alpha Centauri AB, vì thế gần như không thể quan sát bằng mắt thường.
Trong nửa đầu năm 2016, các chuyên gia tại ESO đã tích cực nghiên cứu Proxima Centauri dựa trên kính viễn vọng đặt ở La Silla (Chile). Ngôi sao này nằm trong chiến dịch Pale Red Dot, khởi xướng bởi nhà thiên văn học Guillem Anglada-Escudé thuộc ĐH Queen Mary (Anh).
Mục tiêu của chiến dịch là nhằm để xác định chuyển động kỳ lạ của ánh sáng xung quanh Cận tinh - thứ được gây ra bởi trọng lực từ một hành tinh xoay quanh nó.
sao lùn đỏ
Những ngôi sao lùn đỏ như Proxima Centauri vốn có tính chất hoạt động khá bùng nổ.
Những ngôi sao lùn đỏ như Proxima Centauri vốn có tính chất hoạt động khá bùng nổ, có thể mô phỏng lại sự hiện diện của một hành tinh, dù trên thực tế là không có. Chính vì thế để không... bị lừa, đội nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi độ sáng của ngôi sao này một cách rất cẩn thận.
Số liệu từ chiến dịch Pale Red Dot kết hợp cùng dữ liệu do các đài quan sát của ESO mang lại rốt cục đã cho ra một kết quả đáng kinh ngạc.
Họ nhận thấy, có một hành tinh với khối lượng ít nhất bằng 1,3 lần Trái đất, có quỹ đạo cách Cận tinh khoảng 7 triệu km - tức chỉ bằng 5% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời.
Hình đồ họa so sánh với quỹ đạo của các hành tinh xung quanh Proxima Centauri (Proxima b) với các vùng khác trong hệ Mặt trời.
Hình đồ họa so sánh với quỹ đạo của các hành tinh xung quanh Proxima Centauri (Proxima b) với các vùng khác trong hệ Mặt trời.
Khoảng cách từ Proxima b đến Cận tinh thậm chí còn nhỏ hơn quãng đường từ sao Thủy đến Mặt trời. Nhưng do Proxima Centauri vốn có độ sáng mờ nhạt hơn rất nhiều nên Proxima b vẫn nằm trong vùng Goldilock - khoảng cách duy trì sự sống.
Tuy nhiên, bề mặt hành tinh có thể chịu ảnh hưởng rất mạnh của tia cực tím, mạnh hơn rất nhiều so với những gì Trái đất đang phải hứng chịu hiện nay.
Các văn bản mô tả rõ hơn về hành tinh này sẽ được công bố trên tạp chí Nature trong ngày 25/8/2016.