Phần 2 chương 9.
Chút được nghỉ năm ngày thì đã mất bốn. Chỉ còn một ngày hôm nay, mai Chút đã phải đi sớm để kịp có mặt ở trại vào hồi tám giờ tối. Bà lý và nhất là Gái thấy ngày đi chóng quá, tưởng như Chút mới về hôm qua... Bà lý săn sóc, suốt ngày lẩn quẩn bên cạnh con, thành ra Gái không được lúc nào ngồi nói chuyện một mình với Chút như ngày nọ. Gái biếng cả dệt, chốc chốc lại sang góp chuyện để được ngắm nghía Chút cho thỏa thích.
Chiều hôm ấy, bà lý thân ra Cõi Ba mua hẳn đồng bạc cá thu về làm gỏi thết con. Bà mời cả hai vợ chồng Vót và anh Hương, anh Quán. Mấy ông chú cũng tự tiện đến nhắm rượu. Ba gian nhà trên đông đúc như một ngày kỵ. Không đủ giường phản ngồi, bà phải giải chiếu xuống thềm đất. Năm mâm đầy đặn như năm mâm cỗ, để xếp hàng. Ba mâm trên, mỗi mâm một chai rượu Văn Điển. Ông nọ nhường ông kia ngồi trên, rối rít. Chút mặc quần đùi, vì Chút không đem quần ta về, ngồi mâm thứ ba với Quy và anh Hương, anh Quán. Ông lý cùng mấy ông chú và xã Khoan ngồi hai mâm trên. Bà lý ngồi mâm thứ tư với Vót và hai bà thím. Bà ngồi liền cạnh Chút như để được gần Chút hơn mọi người. Bà quên hẳn chồng lẫn Quy tuy bà đã gầy dựng cho nó lên đến chức phó lý. Mâm thứ năm như thể mâm thừa thãi thì để cho lũ trẻ con ăn với vợ phó lý Quy.
Các ông rượu vào, say khướt cười nói, thét bô bô. Các ông tỏ ý tiếc không được trẻ lại để ra lính cho mát mặt. Chẳng gì bằng rượu. Rượu vào, các ông đều trở nên can đảm cả. Nhưng các ông lại trở nên bướng bỉnh, gàn bát sách và ngang phè phè nữa. Chút định nói câu gì là các ông lại xúm nhau vào bẻ.
Chút ghét mặt, không thèm nói chuyện với các ông nữa, quay ra trả lời những câu ngớ ngẩn, thực thà của các bà nhút nhát vậy.
Chút cũng cố nhấp vài chén nên trong lòng thấy vui vui. Giá lúc ấy có Gái em ngồi đấy, Chút sẽ đủ can đảm nói những câu cợt nhã quá thành thực và sỗ sàng của nhà binh. Gái sẽ tha hồ mà đỏ mặt, quả tim Gái sẽ tha hồ đập mạnh như trống ngũ liên.
Cuộc rượu của các ông bắt đầu từ chiều, mãi tối mịt mới tàn. Ông lý đứng dậy rủ mấy ông chú đi tìm xóc đĩa. Xã Khoan càng say càng lỳ lỳ trở về nằm võng ngủ tít. Lũ cháu về từ nãy. Quy ngồi nói chuyện một lát rồi cũng lảng xuống nhà ngang tính toán công việc làm ăn với vợ. Nhà trên chỉ còn bà lý, Vót với Chút. Mùi rượu nồng, hơi cá tanh còn phảng phất trong không khí.
Gái thấy thầy về, đoán biết là cuộc rượu đã tàn, bèn rời khung cửi, vờ sang mượn cái thoi để lấy cớ ngồi nghe chuyện và nhìn Chút cho đỡ nhớ.
Bà lý coi Vót và Gái thân như người nhà. Bà không cần giấu diếm đem hết tâm sự của bà ra kể. Bà có ý muốn cho con thương bà mà đừng làm cho bà phiền muộn. Chiếc đèn hai dây chụp phẩn, ngọn vặn nhỏ, treo từ xà rũ xuống, chiếu ánh vàng lờ mờ.
Bà lý khuyên:
- Con ạ, con chịu khó chăm chỉ mà làm việc quan, chớ có theo đòi, đua anh đua em mà chơi bời.
Vót nói chêm:
- Này, tôi thấy họ nói trên tỉnh có nhiều nhà cô đầu và nhà thổ...
Bà lý cướp lời:.
- Ừ bu cũng nghe thấy nói trên tỉnh có lắm cô đầu và nhà thổ, con chớ đua vào nhỡ mắc bệnh thì khốn.
Chút nhìn Gái, nhếch mép cười. Gái xấu hổ, cúi xuống, hai tay vân vê chiếc thoi.
Bà lý nói tiếp:
- Chớ có vào các sòng đánh bạc, nhỡ hư thân mất nết đi, rồi...
Chút cười, nói to:
- Bu đừng lo. Luật nhà binh nghiêm lắm. Quan tóm được, cứ “sít sết dua bi-đông” là ít. Cai đội có khi lột lon nữa. - Tiếng Chút vang khắp nhà như những tiếng hô lính.
Đêm đã khuya, Vót thỉnh thoảng lại giục con về dệt vải. Gái vâng, nhưng vẫn ngồi lỳ cho đến khi mẹ đứng dậy về mới theo về, cặp mắt đen láy còn nhìn theo Chút một cách ngập ngừng như có vẻ mến tiếc.
Chút đứng dậy tiễn hai người ra cổng rồi trở vào chuyện vãn với mẹ một lúc mới đi ngủ. Bà lý xem chừng còn muốn kéo dài cho đến sáng nhưng lại sợ con đi đường mệt. Bà đặt lưng lên giường. Chợt nhớ đến Sồi, bà thương hại và tự trách đã quên bẵng không nhắc tới Sồi trong những lúc chuyện trò cùng Chút. Bà cất tiếng:
- Con ạ.
- Bu bảo gì cơ? - Chút nằm giường bên kia, chống tay ngóc đầu lên hỏi.
- Con có qua tỉnh Đông thì rẽ vào thăm cái Sồi một tí kẻo tội nghiệp. Nó lấy chồng ba bốn năm trời nay, chưa con cái gì cả, mà chồng nó làm ăn nghe chừng cũng chẳng ăn thua gì.
Chút đặt mình xuống, nhìn xà nhà nói:
- Từ đây lên tận tỉnh Lạng xa lắm, phải đi một mạch mới kịp. Thôi để lần sau con sẽ rẽ vào thăm anh chị ấy. - Tính Chút không hợp với tính Sồi, nên Chút không ân cần lắm... Giá phải Hĩm nhưng Hĩm lại ở tận Cẩm Phả. Có đi, ít ra cũng mất một ngày. Nó tự hứa: lần sau thế nào nó cũng đến thăm chị Hĩm đã rồi mới về nhà.
- À này, con ạ. Mới rồi bu đi lễ miếu Nhị, có xin cho con quẻ thẻ. Thánh dạy: con phải giữ gìn cái tháng Tư, tháng Sáu, chớ đi sông đi ngòi, trèo đèo trèo núi mà mắc nạn đấy.
Chút không tin, nói giãn ra:
- À sào! Bu cứ hay tin nhảm... Với lại con làm lính, phải đi “Man-nớp” luôn, qua sông qua ngòi, trèo đèo trèo núi, kiêng thế nào được!
- Ấy chết! Có kiêng có lành, con ạ. Con nghe bu, nếu gặp phải những tháng ấy, con cứ nói thực với quan trên, xin phép nghỉ ở trại làm việc khác.
Chút chau mày:
- Việc nhà binh, bu làm như việc nhà không bằng... Vâng, thì đến những tháng ấy con sẽ xin phép quan trên ở lỳ trong trại. - Nói rồi Chít choàng tay ra sau gáy cười thầm.
Bà lý chốc chốc lại nói. Mà câu chuyện của bà có gì? Quanh quẩn lại những lời khuyên mà bà đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và nói xong bà lại tự trách thầm: “Mình phải để cho nó ngủ chớ, mai nó còn ngược sớm kia mà”. Xong bà vẫn lải nhải khuyên con cho đến khi nghe tiếng con ngáy bà mới chịu nằm yên ngủ.
Sáng sớm tinh sương bà đã trỗi dậy, xuống bếp thổi nấu làm cơm cho con ăn. Bà không dành cho đầy tớ công việc ấy, cũng như khi xưa, bà không muốn ai săn sóc đến con nít của bà.
Chút vừa thức dậy, đã thấy mâm cơm bày giữa phản. Hai chiếc tỏi gà nùng nục những thịt dưới làn da mỏng, vàng như lụa đặt trên cái đĩa Tàu cổ.
- Con đi súc miệng, rửa mặt rồi ăn cơm, kẻo chốc nữa họ đến đông. Nhà còn vài cút rượu, có nhắm với tỏi gà thì nhắm.
- Vâng, uống một tí cho nóng bụng. - Vừa nói Chút vừa cam thau ra rửa mặt.
Bà lý xem xét mâm cơm:
- Tẹo ơi! (Tẹo là tên con đầy tớ). Thiếu đĩa muối đây này! Ra vại lấy dăm quả cà nén nữa để anh ấy ăn với nước suýt gà. - Bà chợt nhớ tới Quy - À chào! Kệ xác nó. - Nghĩ không nỡ, bà lại gọi Quy lên ăn với em.
Hai anh em đương ăn thì Vót sang. Một lát Gái cũng sang, nhưng thẹn không dám vào, đứng ngoài sân nói chuyện với vợ Quy.
Chút xỉa răng uống nước vừa xong thì mấy chú thím cùng vài người họ đến tiễn chân. Ông lý cũng vừa về. Ông nói dăm ba câu chuyện phiếm với Chút. Ông đổi với con cái bao giờ cũng lãnh đạm, thờ ơ, trái ngược hẳn bà lý. Ông chỉ thiết tổ tôm với xóc đĩa.
Từ lúc ăn uống xong cho tới lúc đi, Gái và Chút chẳng nói với nhau được câu nào. Có lẽ vì đông người, anh chị ngượng ngập xấu hổ.
Bà lý nhắc lại lời khuyên:
- Con chớ có đua đòi anh em chơi bời, chớ có đi cô đầu, nhà thổ nhỡ mắc bệnh vào thì khốn đấy.
Bà nhắc nhiều lần quá đến nỗi bà chưa nói hết câu, Chút đã biết hết rồi. Chút chỉ cười như nhắc mẹ: “Con biết rồi, bu nói đi nói lại mãi”. Bà thêm một ý mới: “Con nhớ gửi ‘tờ’ về cho bu luôn nhé. Đừng để bu nóng ruột”.
Chút cất mũ chào mọi người một cách niềm nở. Đi được vài bước, Chút quay lại chào Gái:
- Chị Gái ở nhà nhé. Lần sau về, tôi sẽ làm quà chị phong bánh khảo nhân chè lam. - Chút biết Gái thích thứ bánh ấy lắm.
Gái đỏ mặt, nói nhu nhú trong mồm:
- Em cám ơn anh. - Tiếng em, Gái nói sẽ quá, chỉ đủ cho Gái nghe thôi. Gái cảm động, thổn thức. Cặp mắt Gái trong, ướt, chỉ chực tuôn những giọt lệ nhớ nhung, thương mến xuống hai gò má hồng hồng.
0 comments: