Sunday, July 23, 2017

Tiểu thuyết Chồng con-Trần Tiêu: Phần 2 chương 8.

Phần 2 chương 8.

Gái em hớn hở chạy sang:
- Bẩm bác, anh vệ Chút đã về.
Mấy hôm trước, hôm nào cũng có một vài người lính nghỉ phép về làng. Bà lý bắt đầu mong con. Bà nóng ruột đứng ngồi không yên. Bà nhớ con quá. Gái em cũng vậy, tuy không bao giờ dám nói ra miệng. Gái mến Chút ngay từ ngày còn nhỏ. Cũng như tính Chút, Gái thích chạy nhảy, chơi ba ba, thuồng luồng. Mỗi khi Chút phải làm thuồng luồng, Gái định tâm chạy chậm lại để Chút chộp được. Chẳng hiểu Chút có biết ngực Gái hồi hộp thở mạnh mỗi khi Chút ôm được không? Gái thích những thú chơi mạnh mẽ của con trai, nhưng thực thì những trò chơi nào mà Chút thích. Có lần Gái dám nhập vào bọn con trai chơi kéo co nữa. Cố nhiên là Gái về đằng Chút và đứng sát cạnh Chút. Nhiều người thấy thế đến mách Vót, nhưng Vót để mặc chẳng đe dọa gì cả. Khi xưa, còn bé, Vót cũng nghịch ngợm như vậy.
Lúc Gái chạy sang thì bà lý đương phơi những tấm lụa mốc ra ngoài nắng. Bá bỏ đấy, chạy vội ra cổng.
Chút ăn vận hoàn toàn như một người lính Pháp. Mũ “cát” vàng, quần áo “ka ki” mặc ních vào người. Chiếc dây da có khóa đồng bóng sáng như vàng, thắt ngang lưng, làm cho bộ ngực nở sẵn của Chút càng nở thêm. Đôi giầy “săng đá” da dầu, gót đanh, nện xuống đường gạch cồm cộp. Đôi xà-cạp nỉ màu lá úa quấn chặt lấy bắp chân, làm tăng vẻ lanh lẹn, cứng cáp của Chút. Cái “túi-dết” vải vàng đeo từ vai bên nọ xuống háng bên kia, Chút đi theo kiểu nhã binh, bước những bước dài bằng rưỡi bước thường.
Chút giơ tay lên trời, xòe bàn tay ra, kêu “Ha ha! Bu!” Chút đã có giọng nói ở đâu mang về. Đến trước mặt mẹ, Chút đứng thẳng người ưỡn ngực, khuỳnh tay chào lối nhà binh: “Bông sua bà đầm!” Bà lý ngây người nhìn con, cười. Tâm trí bà rối loạn vì cảm động quá.
Lũ trẻ hàng xóm chạy lại đứng xúm quanh. Một thằng thích chí cười nói:
- Bác ấy làm hay nhỉ, chúng mày nhỉ!
Một thằng khác ra mặt thạo, vênh lên nói:
- Người ta chào lối Tây đấy!
Chút quay lại, cười:
- Lối phăng xe đấy!... Kìa! Chị Gái - Chút đã nhìn thấy Gái, Gái đỏ mặt. Hàng răng trên đều đặn và đen nhánh cắn sẽ lấy môi dưới. Gái xấu hổ, nhưng lòng Gái hồi hộp sung sướng.
- Vào trong này, con. - Bà lý muốn một mình ngồi ngắm con cho thỏa thích, bà vừa nói vừa đi vào. Chút bước theo. Nó phải bước chậm lại để khỏi lấn bước mẹ. Lũ trẻ lẽo đẽo theo sau. Gái đứng ngẩn ngơ một lát rồi cũng vào nốt. Vợ chồng Vót, rồi anh Hương, anh Quản, rồi hàng xóm, rồi họ hàng chung quanh đến đông chật nhà. Bà lý đành phải để con bà tiếp khách vậy. Rồi chốc nữa thế nào chả có lúc bà được ở lại riêng một mình với nó.
Họ tranh nhau hỏi chuyện Chút và chuyện của Chút toàn là chuyện lạ tai. Thoạt đầu Chút kể các cách sinh hoạt của lính. Nào những đồ ăn toàn thịt bò, thịt lợn, món nấu, không mấy khi có rau muống, nào quần áo bốn năm bộ, giặt toàn ở thợ là. Đêm đến mỗi người nằm một giường. Ăn uống thật đúng giờ. Đến giờ ngủ mà không ngủ, phải phạt. Sáng nào cũng tập thể thao rồi mới đi làm các việc. Nhiều anh nghe Chút kể mà thòm thèm. Những anh trai trẻ tiếc không ra lính để được ăn thịt bò, thịt lợn thả cửa.
Chút kể đến những giờ nghỉ, đi chơi. Ông quan hai đứng xem xét y phục từng ly từng tí. Đôi giày, dây lưng không được bóng, ông bắt đánh kem lại. Quần áo không được trắng, được sạch phải phạt. Cúc áo không bao giờ được thiếu một cái. Ông thường chỉ bảo cặn kẽ: Ra đường không được ghẹo gái, hay đuổi nhau hét bô bô. Không được la cà vào các hàng nước. Không được lê la nghe những chuyện nhảm. Có khát chỉ được vào hàng “cà phê” và cấm không được uống rượu.
Một người trong họ ngắt lời:
- Chắc là rượu ta đấy chứ. Vì tôi vẫn nghe thấy nói lính Tây say rượu.
- Phải, rượu ta, nhưng rượu Tây cũng chỉ được uống một cốc là cùng. Say mà bí béng ngoài phố, quan trên bắt gặp thì “đơ-dua đờ-boát” là ít, có khi “toa, cách, sết dua” nếu tội nặng hơn, như ghẹo gái hay hỗn xược với người trên chẳng hạn.
Vót cười sằng sặc, nói với bà lý:
- Anh ấy nói tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì là toa, cái gì là cách, là sết.
Một anh ra điều thạo chữ Tây, giảng nghĩa cho mọi người:
- Đơ là hai, toa là ba, cách là bốn, sết là bảy, dua là ngày, vị chi là hai, ba, bốn, bảy ngày.
Một anh biết anh kia hay chữ lỏng, hỏi xỏ:
- Thế boát là gì, bác?
Hỏi xong, anh ta mỉm cười, biết trước là anh kia sẽ câm tịt.
Anh kia đỏ mặt, nói gượng:
- Boát là... Boát là gì nhỉ, anh Chút?
- Boát là... Đơ dua đờ-boát là hai ngày tù, ngồi ró một mình trong buồng vừa kín vừa hẹp. Có khi chỉ được dùng “ri xếc” hay “banh xếc”. - Rồi Chút kể tiếp. Lúc nó kể đến những cuộc bắn bia, tập trận, mọi người thấy hay hay, chăm chú nghe... Chút dùng những tiếng Tây “man-nớp, ba-chui, săng-ti-men, mi-tay-ơ, tăng-xê..” Chẳng ai hiểu gì. Có tiếng người ta hỏi: Chút cũng không biết nghĩa nốt. - Hay nhất là cuộc tập trận, có khi bắt được cả bọn hàng hai ba chục anh. Chúng tôi bắn hay trúng. Số bị thương hoặc chết bên quan quân nhiều quá.
Bà lý hoảng hốt, kêu:
- Bắn chết à, con?
Chút cười:
- Chết giả đấy chứ!
Một vài người tò mò, hỏi:
- Vậy làm thế nào mà biết được bị thương hay chết?
- Đã có lệnh từ trước chứ. Thí dụ như ai bị vết đạn trúng giữa mũ hoặc vào mặt, vào cổ, vào ngực thì phải nằm giả chết, còn vào tay, vào đùi, hay vào những chỗ không phạm thì bị thương, phải nằm đợi người đến vác đi, hoặc đem “băng-ca” đến mang đi.
- Ô hay! Thế đạn giả cũng có vết à?
- Có chứ. Vào mặt, vào tay xám đen, rát như phải bỏng.
Vài anh trai trẻ thì thầm với nhau:
- Thú nhỉ!
Chút nghe thấy, bĩu môi:
- Phải, thú. Các anh thử xem đây rồi sẽ thấy có thú không?
Nói đoạn, Chút nằm sấp xuống, duỗi thẳng như khúc gỗ, mũi giày thúc xuống, đi bằng hai khuỷu tay chống trên đất.
Mọi người vội kêu:
- Thôi, thôi, bác vệ! Rách áo mất!
Chút đứng dậy phủi quần áo, nhìn mấy anh kia:
- Các anh trông đấy! Đã thú chưa?
Mấy anh bảo nhau:
- Khó nhỉ!
- Khó thế mà phải bò từng quãng dài bảy tám thước tây. Ai không theo lệnh, ngồi lên đi phải phạt lập tức. - Đoạn, Chút lại kể - Quan Năm ngài khen lính ta giỏi. Nhưng trận ấy quan quân được. Chúng tôi lại giả làm những ông lý, ông khán, các ông kỳ mục, mặc áo thụng xanh ra vái, chào mừng các quan Tây thắng trận. Bao nhiêu dân quê, đàn ông, đàn bà bồng bế con cái, lại gánh nồi niêu bát đĩa, gà chó về làm ăn như thường. Những người ấy toàn là bọn chúng tôi đóng trò cả. Chỉ trừ trẻ con chúng tôi lấy ở ngoài vào. Các bà đầm tưởng thật. Đến lúc họ biết là bọn chúng tôi giả dạng, họ thích chí, cười rũ rượi.
Gái và mấy chị em bạn Gái cũng thích chí ngả nghiêng cười rũ rượi.
Một anh trai trẻ biết Chút và Gái có tình ý với nhau, nói đùa:
- Chị Gái có thích thì lấy quách anh ấy để anh ấy đưa đi xem tập trận.
Gái đỏ bừng mặt, lườm anh kia, nói gắt:
- Anh phải gió! Tôi không đùa đâu. - Tuy vậy Gái vẫn ngồi chăm chú nghe.
Chút hơi đỏ mặt nhìn Gái cười, rồi kể tiếp:
- Những hôm tập trận có khổ nhọc nhưng mà vui và khí tập xong, anh em được ăn uống thả cửa. Có ngày đi “ba-chui” hay đi “camping” mỗi khi được cái bánh tây to bằng này. - Vừa nói Chút vừa giơ hai tay cách nhau độ ba gang. Chút không khỏi nói khoác một tí. - Chúng tôi ăn không hết, thường cho những trẻ con hay ăn mày ở dọc đường.
Một anh nghe thèm, cười chua chát:
- Thẽ mà nhà quê, lắm người ăn một ngày một bữa cũng thiếu.
Chút không để ý, kể tiếp:
- Khổ nhất là “tua” gác, nhất là gác đêm. Luật nhà binh nghiêm khắc lắm. Ăn mặc hơi trễ nải một tí, phải phạt, cái súng lau không được kỹ phải phạt, đứng gác lơ đễnh để ý đi đâu, phải phạt, mắt ngủ gà ngủ vịt, phải phạt, ai qua lại hay lại gần, không đúng “a la đề-phăng-si” và hô “ách chà là chi viu”, phải phạt. - Chút vừa nói vừa đứng làm hiệu nên mọi người cũng hơi hiểu.
Gái thích chí cười khanh khách, nhại lại:
- “Ách chà là chi viu” - Rồi cười nói - Nghĩa là gì, anh Chút?
Chút cũng cười, giảng nghĩa:
- Là ai đấy! Đứng lại. Người kia phải đứng lại xưng “tôi”! Hô ba lần, không đứng lại không lên tiếng bắn liền.
Mọi người nhìn nhau lè lưỡi:
- Ghê nhỉ!
Một người hỏi:
- Thế ngộ chúng tôi không hiểu ách, ách...
Gái còn nhớ nhắc hộ:
- Ách chà là chi viu.
- Ừ, ách chà là chi viu là gì thì chết à?
Mọi người cùng cười nhưng trong bụng vẫn sờ sợ.
Chút cũng cười:
- Nói thế nhưng chúng tôi còn hỏi sang tiếng ta ba lần nữa mà vẫn không thưa, bất đắc dĩ mới phải bắn chứ.
Mọi người nhìn nhau:
- Cũng ghê!
Chút kể tiếp:
- Tôi không phải phạt bao giờ. Hôm nào đến “tua” gác đêm, tôi đã trữ sẵn quả chanh để ăn và rấp lên mí mắt. Ngày hôm trước, trong khi họ rủ nhau đi chơi, tôi ở lại “ca-déc” ngủ cho chán mắt. Thành thử lần nào tôi đứng gác cũng tỉnh như sáo... Một đêm trời tối mịt. Bỗng có tia sáng đèn “pin” lòe ra mấy lần. Tôi giương mắt, chú ý hết, đoán chắc là quan ba đi “rỏm”. Tôi dõng dạc hô to: “Ách chà là... cu-sê”. Chẳng hiểu sao, mình lại bật ra hô cu-sê mới chết chứ. Cái bóng đen nằm rạp xuống. Tôi quên lú tiếng hô đứng dậy. Cái bóng đen cứ chịu nằm rạp. Sau tôi nghĩ ra cách truyền tin đi các bót gác để họ bắn tin về trại. Một lát, năm người lính “ba-chui” với một người cai chạy đến chỗ cái bóng đen nằm, bật đèn lên soi, thì quả thực tôi không lầm: đích thị quan ba đi “rỏm”. Tôi sợ quá, nghĩ bụng: “Cái này không khéo ông ấy bợp tai cho vài cái nên thân và phạt cho ‘sết dua bi-đông’ thì bỏ sừ”. Nhưng mà, lạ quá, tôi không ngờ, ông ta chạy lại, nắm chặt lấy tay tôi, giật mấy cái thật mạnh rồi vui vẻ nói: “Dơn săng-đa bố-cu bồng”. Thật hú vía!
Mọi người thì thầm:
- Luật nhà binh của người ta nghiêm thế.
Chút kể mãi không hết chuyện, vì mọi người nghe mãi, không chán tai. Bà lý nhìn ra sân thấy đã gần trưa, liền nói:
- Xin các ông các bà hãy cho cháu đi ăn cơm đã. Dễ từ sáng cháu chưa hột cơm vào bụng.
Chút cười:
- Vâng, chưa hột cơm nào vào bụng thật, nhưng con đã có bánh tây ăn ở dọc đường.
Mọi người cùng nghĩ đến bữa trưa của mình, đứng dậy, tản mát ra về. Họ vừa đi vừa bình phẩm, bàn tán những câu chuyện của Chút như những khách vừa ở rạp hát hay rạp chiếu bóng ra.
Con ở bưng mầm lên, đặt xuống giữa phản. Mâm cơm có đủ thức, chẳng kém gì mâm cỗ.
Bà lý nói nhún như khi bà ngồi tiếp khách:
- Cơm nước chẳng có gì, con bằng lòng vậy... Để chiều nay bu ra quán Cõi Ba mua vài “thoi” cá thu về làm gỏi. Chắc lâu nay con chưa ăn gỏi?
- Vâng, lâu nay con chỉ toàn ăn thịt bò, thịt gà, không mấy khi ăn cá. Có thì cũng chỉ ăn xào, ăn nấu thôi.
Hai mẹ con ngồi đối diện. Mẹ mở vung nồi cơm. Khói thơm ngậy tỏa ra nghi ngút. Con ngồi nhìn khắp mấy gian nhà tịch mịch...
- Chị Hĩm lâu nay có về thăm nhà không bu?
Bà lý man mác buồn, trả lời thong thả:
- Cứ giỗ bà tháng Tư, nó có về với đứa con gái trông cũng xinh xinh. Bu giận bu cũng chẳng hỏi han gì đến việc làm ăn của vợ chồng nó. Con tính nó bêu xấu bêu nhục bu như thế thì bu còn thương sao được.
Chút nét mặt suy nghĩ và cũng man mác buồn như mẹ, thong thả buông từng tiếng một như tự trong tâm nảy ra:
- Kể chị ấy cũng vất vả, khổ sở về đường chồng con, bu nên thương chị ấy kẻo tội nghiệp... Con thương chị ấy quá. - Nói xong, Chút đăm đăm nhìn ra không, cặp mắt mơ mộng như đương nhớ lại quãng thời xưa...
- Ăn đi đã, con. Đồ ăn nguội cả rồi.
Chút vâng lời mẹ, yên lặng gắp đồ ăn lên bát, nhai nhỏ nhẻ. Chút còn mải nghĩ. Bà lý nhắc: “Ăn đi chứ con. Cá này là cá dé, lắm xương nhưng mà thịt nó thơm và bùi lắm. Con ở nó không biết, đem kho đi mất rồi, chứ đem mà nướng lại chấm muối hạt tiêu thì ngon tuyệt. Hoài của, bu mải nghe chuyện cũng quên lú đi mất”. Vừa nói vừa gắp bỏ vào bát con. Bà nói luôn mồm, như để phá tan cái vẻ suy nghĩ lộ trên nét mặt Chút.
Chút vừa ăn vừa hỏi chuyện:
- À, thầy con đâu, bu? Từ sáng, con không thấy thầy con đâu cả. Mà anh Quy và chị ấy cũng đâu? Chết chửa! Họ hỏi han rối lên làm con nhãng trí không nhớ đến nữa.
- Thằng Quy lên huyện có việc quan. Ông lý chánh cáo ốm, nó đi thay. Có về thì cũng chiều tối hay sáng mai. Ối chào! Cái thằng ấy cắt tiết gà không nổi thì còn làm nên trò trống gì... Ô hay! Con ăn đi chứ. - Bà cầm thìa, húp - Ừ, món cá nấu này, nó tra vừa vặn, mặn mà, ngon lành đấy. Con chan mà ăn. - Đoạn bà nói tiếp - Vợ chồng nó tệ quá. Chỉ được cái bu động thò ra tí gì là chúng nó vơ vét. Bây giờ chúng nó xin ra ở riêng chỉ dễ để xà xẻo bu thôi... Con ăn vã cua đi. Hôm nay ba con cua nước, con nào con nấy chắc lắm, rặt những gạch là gạch. Ăn đi chứ! Đồ ăn còn đầy ra đấy nhé.
- Bu cũng ăn đi chứ! Bu cứ ngồi tiếp con mãi. Con có phải là khách đâu.
Bà lý mải săn sóc con, chẳng nghĩ gì đến ăn. Bát cơm đã gần nguội mà vẫn chưa hết.
- Được, con cứ ăn đi. Bu thấy con về, bu mừng quá, quên cả đói. - Bà quên đói thực. Và mấy miếng lấy lệ rồi bà lại nói - Con vợ nó đi chợ Hộ mua cá khô về bán. Buôn với bán gì nó. Chỉ ăn quà vặt cũng đủ hết cả vốn... Thầy con thì la cà suốt ngày. Bây giờ có lẽ đương đánh tổ tôm ở đằng ông khán Để hay ông xã Vị gì đó. Bao giờ túi nhẵn cấc rồi mới chịu mò về... Mà có về thì lại tốn thêm của bu vài cút rượu với ít đồ nhắm nữa chứ quý báu nỗi gì... Con thôi rồi à. Sao ăn ít thế?
- Một mình con ăn hết mâm cơm lại còn ít. Có bu ấy. Từ nãy giờ chẳng ăn gì cả.
Bà lý và hết bát cơm còn lại rồi thu đũa xếp bát, gọi con ở lên bưng xuống.
Ăn uống xong, bà lý xuống bếp bảo ban mọi việc. Chút nằm trên võng thiu thiu ngủ. Từ ngày đi lính Chút đã quen, mỗi trưa nằm ngủ độ một giờ.
Chiều, Chút thay bộ nhà binh, mặc “sơ-mi-dét” quần cộc, đi thăm vài nhà họ đương. Chút thích mặc “soóc” vì thấy chúng bạn khen mình mặc “soóc” đẹp. Thoạt tiên Chút đến thăm Vót vợ bác xã Khoan. Hai con chó thấy Chút ăn mặc lạ, sồ ra cắn, Gái vội chạy ra đe. Hai con chó ngửi hơi quen, ve vẩy đuôi mừng.
Ông xã Khoan đi thăm đồng chưa về. Anh Hương, anh Quán đi ăn cỗ cưới nhà chú. Vót đi chợ Hộ vắng. Lũ trẻ mải chơi cả ngoài sân đình. Chỉ còn mình Gái ngồi dệt vải, coi nhà. Chút bước lên thềm nhìn ngơ ngác. Hai người cùng bẽn lẽn. Gái chẳng biết hỏi câu gì và cũng chẳng biết làm gì, ngượng, ngồi vào khung cửi dệt. Tâm trí Gái rối như tơ vò. Gái dệt đứt luôn, phải ngưng lại nối, mặt đầy vẻ ngượng ngập.
Hình như Chút cũng thấy thế, đi lại khung cửi nói:
- Chị Gái để tôi đệt thử xem còn nhớ hay quên rồi.
Trước kia, Chút hay táy máy dệt luôn nên cũng biết dệt đôi chút, Gái chưa kịp đứng dậy hẳn, thì Chút đã thò chân vào khung cửi. Hai vai cọ vào nhau. Người Gái nóng ran, Gái hồi hộp, thở mạnh. Bộ ngực nở của Gái phập phồng.
Nhờ có tiếng khung cửi thong thả nhát một đưa lên đập xuống, hai người đã thấy bớt ngượng. Tuy vậy, câu chuyện còn rời rạc như cơm nguội. Nhất là vì Gái không dám xưng em và Chút cũng không dám xưng anh, câu chuyện lại càng có vẻ lãnh đạm, nhạt nhẽo. May sao, cũng là ngẫu nhiên, Chút nhắc lại thời còn nhỏ. Rồi những bắt đầu bằng: chị còn nhớ không, anh còn nhớ không, luôn luôn chuyền từ mồm người này sang mồm người nọ. Câu chuyện trở nên đậm đà, thân mật. Chỉ còn thiếu tiếng “anh”, tiếng “em” thay vào tiếng tôi nữa là hai anh chị sẽ nghiễm nhiên thành một cặp tình nhân khắng khít. Bao giờ có hai tiếng ấy bật ra đầu lưỡi anh chị? Vì cả hai anh chị xem chừng cùng thấy ngượng với hai tiếng yêu đương ấy đã có sẵn trong hai tấm lòng từ lâu và hai trái tim anh chị đã đập cùng một điệu.

SHARE THIS

Author:

Tôi là một bloger, đây không phải là nghề của tôi mà nó xuất phát từ niềm đam mê mong muốn mang lại cho các bạn những thông tin chính xác nhất, một nơi tuyệt vời để t ạo ra cho riêng mình một thế giới mới...

0 comments: