Saturday, August 20, 2016

Làng vài trăm nóc - TRẦN ANH THÁI

Làng vài trăm nóc - TRẦN ANH THÁI

Tôi về làng, chưa kịp bước vào cửa nhà lão, đã nghe tiếng dao thớt rộ lên phía sau bếp. Giọng lão oang oang: “Về rồi đấy hả, rửa mặt đi rồi còn ngả bàn! Mày đỏ đấy, lợn này tao kiếm hôm qua, loại lợn cấn, nuôi bằng cám, thịt ngọt, thơm, chắc... Xẻ một nửa cho mụ nhà mang bán, mình làm tí tiết canh lòng sốt nhắm rượu...”. Nói rồi lão vừa cất giọng khàn khàn gọi thằng cháu nội vào góc nhà lấy chai rượu nút lá chuối, vừa khệ nệ bê hai bát tiết canh đỏ sẫm, đặc sánh như bánh đúc từ trong bếp chui ra. Thằng cháu mang chai rượu đặt giữa bàn, rồi nhanh nhảu quay vào bếp bê đĩa lòng to bự, đang nghi ngút khói. Giọng lão chậm lại: “Rót rượu đi mày, sáng ra cứ tí tiết canh lòng sốt, vài chén nút lá chuối là khỏe cả ngày. Ở Hà Nội chúng mày lấy đâu ra loại thứ thiệt thế này, toàn đồ mông má, lợn tăng trọng, ăn kinh bỏ mẹ...”

     Lão là bạn học thời phổ thông với tôi, đi bộ đội vài năm rồi về quê lấy vợ đẻ sòn sòn vài năm bốn đứa con trai, đứa nào cũng đen như cột nhà cháy, béo ục ịch. Vợ hắn nhu mì, hiền như cục đất nhưng được cái chăm chỉ. Hắn tính tình hồn nhiên phóng khoáng, không giỏi tính toán làm ăn nhưng được cái sức vóc hơn người, chân tay liên miên từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Ở làng, ai có công việc gì là lão có mặt. không nề hà việc to, việc nhỏ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm, lo toan như người ruột thịt. Mấy năm trước nhà lão nuôi vài trăm con vịt, nghe nói thu nhập cũng khá, bán đàn vịt với hai con trâu xây được cái nhà hai tầng ở ngoài đê. Có lần tôi về, lão sai thằng cả bê rổ trứng vịt to tướng sang cho. Bảo, mang về Hà Nội luộc ăn dần. Sang nhà lão chơi, lão bảo: “Mày ở Hà Nội lên xe xuống ngựa, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, nhưng ăn ở trong cái khu tập thể bé tít hít như cái chuồng chim treo giữa trời, suốt ngày long đầu nhức óc, xe cộ ầm ầm, chỉ tổ hít xăng dầu, chắc gì đã sướng”. Lão với chiếc điếu cày rít một hơi thật đã, giọng kẻ cả: “Ở quê, mở mắt đã thấy mặt trời, không khí trong như gió thánh. Sáng ra đánh bát lùm cơm ăn với cá kho rồi xách giỏ ra đồng. Mở chuồng, trứng vịt trắng xóa sàn, làm vài quả luộc nhắm rượu. Còn lại bảo mẹ đĩ mang đi chợ, mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn. Hôm nào rỗi làm con vịt hãm tiết canh. Cơm rượu no say, quẹt chân lên gường ôm mẹ đĩ, vô lo. Đời người sống mấy nả mà bon chen, nhọc xác...”

     Ngồi chuyện nhép với lão là phải uống rượu. Rượu vào lời ra, đông tây kim cổ lão vanh vách. Cái lí sống ở đời của lão là trời cho thế nào cứ thế mà hưởng. Hưởng quá sức của mình, láu cá như rận, hơn người dăm bữa rồi đâu lại vào đấy. Ví như cái thằng con nhà Khả giữa làng. Gia đình đang khấm khá, yên ấm vợ con, đùng một cái bán ti vi, xe máy, vay tiền chạy đi lao động tận bên Hàn Quốc. Nghe nói, khi về cũng tích cóp được số vốn kha khá. Với cữ tiền ấy nếu biết tiết kiệm, an phận làm ăn cũng sướng cả đời. Đằng này tiền kiếm về chưa kịp hưởng đã mất sạch. 

     Thời ấy, người làng rỉ tai nhau, ai có tiền cứ đầu tư nuôi vạng, nuôi ngao tha hồ hốt bạc. Ở làng cũng có dăm người đầu tư nuôi vạng. Người Tàu mê vạng Tiền Hải, cứ đến vụ là đánh tàu sang tận cửa Lân, cửa Lý thu mua. Cu cậu ham giàu, bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào vạng. Được vài tháng, vạng chưa kịp thu đã gặp bão liên tiếp, tài sản mất toi gần nửa. Số còn lại cố vớt vát ít nhiều. Ai ngờ đến mùa bán ra tụt hơn chục giá. Hỏi ra mới biết mấy anh Tàu đột nhiên bỏ hẳn, tiệt không sang mua vạng như trước nữa. Vạng Tiền Hải nuôi cốt bán cho Tàu, bán ở làng ai mua? Giờ Tàu không mua nữa thì ế, bao nhiêu vốn liếng đi tong. Vợ chồng suốt ngày cãi nhau ầm cửa ầm nhà. Nghe nói, cô vợ tháng trước tức chồng bỏ ra Hải Phòng làm ô sin, không về làng nữa... 
Thời buổi nhập nhèm, vô tội vạ, cứ có lợi, thấy mùi tiền là lao vào. Ngay cái nhà lão Chạch ở góc làng. Ngày trước nhà lão thuộc diện nghèo kiết xác, cả ngày không có nổi bữa cơm. Lão bị bệnh thần kinh, nửa người nửa ngợm, chân đi tập tễnh, mồm miệng suốt ngày rãi rớt ròng ròng. Trẻ con ở làng trông thấy sợ mất vía. Vậy mà mấy năm rồi lão trở nên nổi tiếng khắp vùng. Nhà xây hai tầng hoành tráng, bên trong nội thất cầu kì, toàn đồ sang. Vợ con đề huề ăn diện như người thành phố. Mấy lần về làng, nghe người làng kể tôi bán tín bán nghi. Hôm rồi về, lững thững ra đồng chơi, nhân tiện tạt qua nhà lão thấy người ra vào tấp nập, xe to, xe nhỏ xếp hàng nườm nượp. Hỏi ra mới biết lão làm nghề bói toán. Người làng đồn thổi, cách đây dăm năm, lão sang làng bên ăn giỗ, lúc về bị xe máy tông phải vào trạm xá xã cấp cứu. Sau hôm ở trạm xá về, lão thấy một luồng không khí nóng rạo rực khắp người. Đêm mơ có tiếng nói từ trên cao bảo lão là người có căn cốt độ thế! Từ đấy lão xây điện thờ... Câu chuyện đúng sai đến đâu không ai quả quyết, nhưng  nhà lão mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tứ xứ về cúng bái, lễ tạ. Thường người ở làng ít qua lại nhà lão, nhưng cũng không ai xì xèo gì. Việc của lão lão làm, biết đâu đời ông cha lão ngày xưa thảm bại, bây giờ mới gặp cơ duyên , nói ra không khéo mạo phạm. Chỉ biết rằng nhà lão mỗi ngày giàu lên trông thấy. Âu cũng là số trời cho lão vậy... 

     Về chuyện buôn thánh bán thần, lão bạn tôi không tin. Lão bảo, toàn bọn bịp bợm lừa thiên hạ. Sống lương thiện làm ăn, giúp người người giúp. Kẻ lòng dạ tối om, làm điều thất đức thần thánh nào chịu được. Ngay cái nhà mụ Tẽo ở cuối làng ấy. Ngày xưa nhà mụ cơm không có ăn, người quắt queo như cây sậy héo, mắt mũi kèm nhèm, chữ nghĩa bẻ đôi không biết. Vậy mà bây giờ, không biết học lỏm ở đâu mấy bài bói toán nhì nhằng, dân tình cứ ùn ùn kéo đến xin thẻ, rút bài. Mà cái dân mình cũng lạ, cứ một đồn mười, mười đồn một trăm, bất kể thực hư cứ thế nghe theo. Ngôi nhà của mụ không hoành tráng như nhà lão Chạch, nhưng cũng không thua kém ai ở làng. Mụ là người kì quái. Từ bé đến lớn không giao du chơi bời, sống lủi thủi một mình. Đến tuổi dậy thì không biết ông hàng xóm chơi bời lêu lổng nào làm bụng mụ phễnh ra. Năm năm liền mụ cho ra đời ba đứa con, một trai, hai gái. Mụ sống khép kín, suốt ngày cửa đóng then cài nên hàng xóm không mấy ai để tâm đến. Nghe nói, hai đứa con gái của mụ bị lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ cho mấy thằng chồng già nghiện hút, sống tận nơi rẻo cao rừng rú gì đấy, quên mất quê quán rồi. Thằng con trai thì đi làm thuê một thời gian rồi về phụ mẹ hầu đồng bắt bóng, cũng ăn chơi nghịch ngợm ra dáng con nhà ra phết...

     Làng vài trăm nóc nhà mà đủ chuyện vui buồn. Mỗi người mỗi phận, không ai giống ai. Nhưng đáng thương nhất là ông Tý bộ đội về hưu. Ông Tý đi lính từ thời Pháp. Vào bộ đội học bổ túc văn hóa đến lớp ba. Gần bốn mươi năm nhì nhằng mãi trong quân ngũ mới lên được hàm trung úy. Về làng, ông mang theo bà vợ gàn gàn dở dở tận miền sơn cước và bốn đứa con hai trai, hai gái. Tiền bạc tích cóp bấy nhiêu năm ông bỏ ra mua khoảnh đất xây được căn nhà đổ mái bằng ba gian. Từ ngày về làng, ông suốt ngày đi làm thuê lấy tiền nuôi vợ con. Người làng ai có công việc gì là gọi đến ông; từ việc đào mả, nhào đất nung vôi, đóng gạch đến việc dọn phân chuồng, vét bùn, đào ao cuốc đất... Vợ ông không biết việc đồng áng, suốt ngày quẩn quanh góc bếp xó nhà. Nghe nói, mụ uống rượu như nước lã. Cuộc sống của vợ chồng ông cũng lạ. Cứ ông vắng nhà, mỗi người một nơi, thì không có chuyện gì. Nhưng khi ông về đến nhà là hai vợ chồng lại bỏ rượu ra uống. Uống vào là chửi nhau ầm ĩ. Có hôm nửa đêm vợ chồng còn hò hét, vác gậy đánh nhau chạy dọc khắp làng. Chuyện vợ chồng ông Tý dân làng không lạ gì. Lúc đầu còn có người đến can, sau không ai đến nữa. Người ta bảo, vợ chồng nhà ông ấy như phường chèo, cười đấy rồi khóc đấy. Nhà ông ấy một ngày không đánh nhau vài lần thì dứt khoát là có chuyện, không bình thường rồi...

     Đúng như lời đồn. Ấy là vào một buổi chiều, ông Tý uống rượu rồi cao hứng trèo lên mái nhà hóng gió đông nam. Hôm ấy ông uống nhiều, tới tận gần mười giờ đêm, vừa uống vừa ngêu ngao đoạn chèo. Mụ vợ gọi mấy ông cũng mặc. Tức mình, mụ cầm một chai cổ ngỗng trèo lên nóc. Hai người vừa uống vừa hát, chán rồi vứt chai, đập cốc lao vào đánh nhau chí chết. Không biết do sơ ý hay do uống rượu mà ông đẩy mụ vợ rơi từ mái nhà xuống sân gạch, chỉ thấy một tiếng kêu “Ối!”, rồi im bặt. Sáng ra, người làng thấy nhà ông lặng ngắt. Nhiều người tò mò hỏi, mới biết mụ vợ đã ngoẻo củ tỏi từ đêm qua. Chuyện vợ ông Tý chết cũng không gây xúc động gì ghê gớm ở làng. Nghe nói, sau khi chôn cất vợ xong, ông bị công an bắt giam ba ngày rồi thả cho về. Người ta bảo ông gần tám mươi tuổi rồi, bắt giam ông cũng chỉ tốn cơm tù. Vợ ông chết là do cái số chứ ông có chủ ý giết vợ đâu! Từ ngày vợ ông Tý chết, làng xóm cũng bình yên hơn. Còn ông Tý người làng ít nhìn thấy mặt. Dân làng xì xào, từ ngày vợ mất, ông Tý tuyệt nhiên không uống rượu nữa. Thời gian sau thì lú lẫn, thần kinh, giờ suốt ngày ngồi lẩm bẩm với bốn bức tường, tuyệt không bước chân ra đầu ngõ...

     Chuyện của lão bạn tôi cả ngày không hết. Tính lão thế, có chén rượu là không dứt ra được. Lão bảo, mày là thằng chữ nghĩa, về làng sống vài năm rồi lên Hà Nội viết cả đời lấy tiền nuôi vợ con, dại gì... Thời buổi này ở làng sinh ra đủ thứ chuyện, nhưng mệt nhất là đám choai choai, học hành bê trễ, suốt ngay chui đầu vào mấy quán karaoke. Trai gái chưa sạch máu đầu ăn nằm với nhau,  trốn cha mẹ bỏ làng biệt xứ. Người lớn cũng chẳng ra làm sao, lo dạy dỗ con cháu học hành thành người tử tế thì ít mà chỉ lo xây từ đường, nhà thờ, lăng tẩm sao cho thật cao to hoành tráng. Dòng họ này thi với dòng họ kia, kém nhau một tí là không chịu, chỉ tổ con cháu còng lưng đóng góp. Ai đời có dòng họ một năm thu đến ba bốn lần tiền, hết sửa từ đường đến xây lăng tẩm rồi lễ lạt cúng giỗ. Có hộ gia đình cả năm nhận cấy dăm sào ruộng, thu được vài triệu bạc thì tiền đóng cho dòng họ mất quá nửa. Cái ăn không đủ xây lăng tẩm mà làm gì? Vậy mà người ta vẫn cứ xây, to vậy chứ to nữa, cái đống gạch ấy giúp gì cho con cháu mở mày mở mặt?... Mà dân làng nói vậy thôi, mấy năm trước kinh tế khấm khá đôi chút, nhưng giờ kém đi rồi. Ấy là chưa kể có vài sào ruộng, mỗi vụ kiếm vài tạ thóc vừa đóng góp cho dòng họ vừa nộp đủ các khoản thuế má, quỹ này quỹ nọ thì sống bằng gì? Thế nên dân bây giờ chán làm nông nghiệp, nhiều nhà bỏ ruộng. Vợ chồng con cái tứ xứ làm ăn. Làng bây giờ cũng vắng người, nhất là thanh niên, đi xa làm ăn hết rồi! Không đi làm ăn lấy tiền đâu mà sống. Thời buổi cái gì cũng tiền. Đủ cách xoay xở cuộc  sống cũng không khá lên là mấy. Người tử tế, khỏe mạnh, lao động bằng mồ hôi nước mắt chân chính thì không đủ ăn, đứa nhố nhăng lừa bịp như cái nhà lão Chạch với mụ Tẽo thì thiên hạ mang tiền đến cung phụng. Thật là thời buổi đảo điên, thật giả lộn tùng phèo. Chán thật!...

     Chia tay ông bạn già, tôi lang thang ra cánh đồng làng. Trời nhá nhem tối mà dân đi làm đồng vẫn chưa về. Phía xa, ngoài rặng phi lao chắn sóng là biển. Tiếng sóng biển quê tôi như từ ngàn đời nay vẫn thế: U trầm, nặng nhọc trĩu xuống từng mái nhà đời này qua đời khác. Cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ in trên gương mặt mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi số phận không ai giống ai. Nhưng với tôi, dù năm tháng trôi qua, dù có bao biến đổi lạ kì, những kí ức về làng vẫn đang còn đó, như một phần máu thịt rần rật chảy dọc đời người...  
T.A.T
Truyện ngắn "mùa cua rận" của nhà văn Mai Tiến Nghị

Truyện ngắn "mùa cua rận" của nhà văn Mai Tiến Nghị

NV Mai Tiến Nghị
NV Mai Tiến Nghị

Đồng đội của tôi trở về sau chiến tranh mang theo ám ảnh khôn nguôi về bao nhiêu năm tháng chiến đấu đầy gian khổ hiểm nguy. Những ám ảnh ấy hiển hiện trong cuộc mưu sinh vất vả để chiến thắng cái đói cái nghèo. Có những sự việc rất hi hữu phải trả giá nhưng khiến tôi xúc động.


Tôi viết truyện ngắn Mùa cua rận kể lại một sự cố như vậy. Viết không phải để kêu ca phàn nàn mà muốn mọi người thấy cái giá mà người lính phải trả cho độc lập tự do và hòa bình ngày hôm nay là rất lớn.                      

                                                                                                                     Nhà văn MAI TIẾN NGHỊ



Chiều chạng vạng. Phía tây chỉ còn một chút màu vàng nhòe nhoẹt trên nền trời. Cuối thu, trời se lạnh. Gió heo may đầu mùa thổi từng hơi đứt quãng. Cứ mỗi lần gió ngừng thổi người ta lại nghe thấy tiếng ầm ì của biển vọng về như những tiếng thở dài. Biển đang phát phiền vì đã qua những ngày hè náo nhiệt. Bây giờ biển chỉ còn lại một mình với sự vắng lặng buồn bã. Mặt trời đã đi về xứ sở của nó để nghỉ ngơi. Dòng sông nhỏ cũng đang cô đơn. Mặt sông tối lại tím sẫm. Bờ đê như một vạch ngang làm ranh giới giữa trời và nước. Trên đó có một bóng người lầm lũi, vật vờ lòng khòng như một dấu hỏi nguệch ngoạc di chuyển trên cái dòng kẻ - vạch ngang ấy.

Con người đang lầm lũi bước trong không gian chạng vạng ấy là Trần Xuân Vọp. Anh vừa đi thả đó về. Vừa đi Vọp vừa nghĩ trách cho thân phận của mình. Sao mà kiếp con người lại khổ đến thế. Sao mà cái kiếp mình lại khốn nạn đến thế. Vọp đi bộ đội về, vợ anh như sa mạc gặp mưa rào, cô ta đẻ cho anh liền một chặp năm đứa con: Hà, Ngao, Gion, Sò, Vạng. Vọp đặt tên cho con như vậy vì cả năm đều là con gái và cũng hợp với cái tên của mình. Anh quần quật ngày làm ruộng, đào gion, đãi hến; đêm thả đó tra lờ… nhưng vẫn không đủ cho bảy miệng ăn. Đã thế chúng lại suốt ngày quàng quạc như một đàn vịt giời. Thì cũng đúng là vịt giời rồi còn gì. Một đàn vịt giời với một con vịt mái và năm con vịt con. Những than thở, bì bục, kêu ca và cả những đay nghiến về cái vô tích sự của người đàn ông duy nhất trong nhà không lo đủ những nhu cầu ngày một gia tăng, làm cho Vọp không chịu nổi. Có những lúc anh muốn phá bỏ tất cả. Nhưng không thể được. Chả nhẽ lại lao đầu xuống sông mà chết. Ông mà chết thì mẹ con lũ chúng mày chỉ có đứng đường.

Bất giác Vọp nhìn xuống sông. Mặt nước đang đen lại. Vọp có cảm giác nước sông đặc như thạch đen. Tự dưng anh thấy nó bí hiểm ghê rợn và chất chứa những chết chóc. Nhìn về cuối nguồn, nơi gần cửa biển, cách chỗ anh không xa có một vật đang trôi. Cái gì thế nhỉ? Anh chạy xuống bãi sông. Trong nhạt nhoà của trời nước, Vọp thấy vật đang trôi giống như một con cua biển khổng lồ. Cái mu của nó nhô cao, hai cái bơi chèo vật vờ. Con cua chết. Vọp dụi mắt… Không phải. Đó là chiếc thuyền nan nhỏ có mui. Nó đang trôi. Hình như không có người. Cứ đà này, vài chục phút nữa nước ròng sẽ đưa nó ra biển. Chắc là thuyền của nhà nào bị tuột dây buộc.

Vọp chạy xuôi theo bờ đê đến ngang con thuyền. Đúng là thuyền không có người. Hay là mình bơi ra đưa nó vào để mai người ta đến chuộc. Biết đâu chẳng kiếm được mấy đồng bạc còm… Nghĩ là làm ngay. Anh cởi quần áo cuộn lại dúi vào một bụi cây sát chân đê. Trên người chỉ còn độc một cái quần đùi, anh chạy xuống sông.

Được mấy bước, Vọp dừng lại: Trời tối thế này, có ma nào ở đây mà quần với áo, về lại phải giặt. Mà cái giống vải ngâm nước mặn cứ bở bùng bục, chả mấy hôm là rách. Hơn chả bõ hao. Anh lại chạy ngược lên, cởi luôn cái vật che thân cuối cùng nhét vào chỗ vừa giấu quần áo, rồi tồng ngồng lao xuống nước.

Vọp rùng mình khi chạm vào nước lạnh. Kệ! Làm việc gì mà chả vất vả. Kiếm thêm đồng đâu phải dễ. Anh nhoài người bơi nhanh về phía con thuyền. Vốn là dân sông nước, nên bơi đến thuyền là việc không khó đối với Vọp. Anh bám người vào đuôi thuyền ngay cạnh chỗ cái bơi chèo, nhún người định leo lên…

Vọp bỗng khựng lại, thả tay cho người rơi xuống. Hình như trên thuyền có người. Chết thật, không khéo họ lại cho mình là ăn cắp. Phải chuồn nhanh kẻo bị trông thấy… Mà hình như không phải chỉ có một người… Họ đang làm gì nhỉ? Vậy là Vọp lại bám vào mạn thuyền, hơi nhô đầu nhìn vào trong khoang.

Qua khoảng sáng nhờ nhờ cửa khoang phía mui, anh thấy hai thân người trắng lốp đang quấn vào nhau. Tai ù đặc, Vọp lắc lắc đầu cho nước trong tai chảy ra. Bây giờ thì anh đã nghe thấy tiếng thở hổn hển, tiếng rừ rừ rên rỉ, thỉnh thoảng lại rít lên như tiếng mèo hen động dục…

Trong khoang thuyền, đôi A-đam, E-va không hề biết có người thứ ba đang chứng kiến. Người đàn bà nhoài lên ngồi trên bụng anh đàn ông. Vọp nhận ra điều này vì anh thấy một cặp vú thỗn thện đong đưa như nhảy nhót cùng với mái tóc xổ tung. Anh cảm thấy người mình nóng ran, căng cứng. Vọp tì sát vào mạn thuyền và người anh cũng từng nhịp, từng nhịp hưởng ứng dư âm của cuộc tình trong khoang thuyền.

Người đàn bà như lên cơn cuồng, hai tay chống, người lao đi, lao lại như thợ mộc đang bào gỗ. Khi mặt người đàn bà quay nghiêng, Vọp bỗng nhận ra người quen: Tưởng ai, hoá là con mẹ cuối xóm. Con mẹ này mắt lúc nào cũng ướt rượt, người thì rừng rực... Đúng là cái đồ dửng mỡ… Tự dưng vợ chồng nhà nó kéo nhau ra thuyền mà đú đởn. Nhưng thằng chồng nó đen sì mà thằng này thì... Vọp nín thở. Tự dưng anh bật tiếng ho…

Trong khoang chợt lặng đi. Người đàn ông nằm dưới vùng dậy, lao về phía đuôi thuyền vồ lấy tay chèo. Không phải chồng nó, con mẹ này ngoại tình… Vọp thả tay ngửa người xuống nước choài đi. Nhưng cái mái chèo đã vung lên rồi chém gọn xuống nước. Mái chèo như một lưỡi đao lia sát bụng Vọp dọc theo thân người xuôi xuống và gặp phải chướng ngại vật duy nhất là cái của quý của anh vẫn còn đang cương cứng…

Người Vọp tung lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống, anh choáng váng và thấy phía dưới bụng lạnh tê, buốt nhói. Cố hết sức bơi về phía bờ, khi chân chạm lớp bùn thì anh thấy đầu mình như rỗng ra. Ngoái lại dòng sông, con thuyền đang lao nhanh, hai mái chèo thoăn thoắt. Con thuyền lại biến thành con cua khổng lồ biến mất trong đặc quánh của dòng sông. Cơn đau chỗ bụng dưới nhói lên, Vọp đưa tay xuống háng. Chết rồi. Trời đất, sông nước quay cuồng nhòa làm một, đặc quánh và đen kịt. Cơn đau lan toả như một mũi xiên từ dưới xuyên qua ruột, xuyên qua tim, qua phổi xiên lên đỉnh đầu. Cái đặc quánh và đen kịt đổ ập vào anh, đổ cứng lên đầu, đổ cứng lên khắp người, chẹn ngang cổ họng... Vọp ngất đi…
*
     *     *
Đã sang tháng tám âm lịch. Mùa cua rận bắt đầu. Sau cơn bão số bảy khủng khiếp, có lẽ ông trời muốn đền bù cho những người dân khốn khó ở vùng biển này những sự tai ách do ông gây ra, nên cua rận dạt vào nhiều vô kể. Những con cua biển trưởng thành ở cửa sông trong mùa sinh sản đi theo triều nước ròng ra biển.

Trong bao la mênh mông của đại dương, những cuộc tình chớp nhoáng giữa những chàng cua biển lực lưỡng và những nàng cua cái đa tình đã diễn ra mặn nồng. Và kết quả là hàng triệu, hàng triệu những chú cua nhỏ như những con rận ra đời. Cua mẹ sinh ra những đứa con, nhiệm vụ vinh quang nhằm duy trì nòi giống đã hoàn thành, chúng không còn trách nhiệm gì với những sinh linh bé nhỏ ấy nữa mà phó mặc cho đại dương.

Đại dương là nơi những con cua rận được sinh ra cũng là nơi thử thách nghiệt ngã. Ở đó bọn chúng phải vật vờ trôi dạt và chịu sự vùi lấp của hàng ngàn, hàng ngàn lớp sóng hung dữ. Tạo hoá là một sự thử thách nghiệt ngã giữa cái nhỏ nhoi với cái vô tận. Sự sống còn ấy không chỉ là sự đấu tranh tự sinh tồn mà là sự may mắn. Mỗi khi triều lên, những con cua rận lại bị hàng ngàn con sóng vật vào bãi cát.

Những xác cua nhỏ li ti sau khi bị quăng quật đến bầm dập trở thành những hạt nhỏ đen đen táp đầy ngay mép nước. Và bãi biển có những vệt đen trải dài như những vệt máu khô trên mép của một con mãnh thú sau những hả hê ngốn ngấu của bữa tiệc thịt sống. Chỉ một số rất nhỏ, rất nhỏ sống sót là nhờ không bị quăng quật vào cát mà chỉ bị đẩy vào chỗ cũng toàn là nước. Sự may mắn ấy xảy ra ở cửa sông.

Những con cua rận may mắn ấy quý lắm. Đắt lắm. Người ta bắt nó bán cho những trại nuôi cua biển hàng hoá. Ở đấy chúng được nuôi dưỡng một cách cẩn thận để một ngày nào đó nằm chềnh ềnh trên cái đĩa của những bàn tiệc sang trọng. Chúng làm cho bàn tiệc sang trọng hơn bởi màu đỏ rực sau khi bị chọc mù hai mắt và bị luộc chín. Những cặp càng mập mạp chắc khoẻ của chúng kích thích thực khách. Màu đỏ của cua luộc làm cho những bộ mặt người đã đỏ vì rượu bia càng đỏ tía lên hăng hái.

Để bắt những con cua nhỏ tí xíu, người ta phải đi từ chạng vạng tối vào những ngày nước lên, với công cụ mà người ta gọi là cái rỉu. Đó là một tấm lưới nhẹ và mau như màn tuyn, được căng bởi hai cây tre cỡ bằng cổ tay và dài đến hai sải. Gốc hai cây tre buộc vào với nhau, ngọn xoè ra như cái quạt. Độ mở của rỉu cố định bởi một thanh giằng ngang khoảng một mét ở phía gốc. Để tấm lưới có thể chùng xuống, ở vạt trên là những viên chì nặng được đính vào. Phần cuối của tấm lưới bị khâu lại ở phía gốc tre thành một cái túi dài gần ba mét mà người ta gọi là đáy rỉu.

Khi nước lên, người ta dầm mình ngập đến cổ, dùng hết sức để ghìm cái rỉu và đẩy nó đi xiên xiên với dòng biển đổ vào sông trong khi cái đáy rỉu lại vật vờ trong nước như đuôi của một con trăn khổng lồ kéo ngửa người đun rỉu về phía sau. Những con cua bị tấm lưới đón lấy. Nước lên cùng với sự chuyển động về phía trước của người đun rỉu làm những chú cua bị đẩy vào trong đáy. Cứ vài giờ người ta lại lên bờ, đổ đáy ra, soi đèn pin buộc trên trán để nhặt từng con cua lẫn trong đám bợn rác. Những con cua nhỏ như con rận, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Vì vậy không thể bắt bằng tay. Người ta dùng lông gà tỉ mẩn, khẽ khàng gạt từng con vào cái chai đựng sẵn nước biển.

Cả đêm, cứ xuống biển, lên bờ như vậy, nếu hôm nào gặp may có thể bắt được hàng trăm con. Nhiều đêm thì về không. Do cua rận cũng chỉ mới xuất hiện nên không ai nắm được quy luật của giời đất. Những ngày rỉu được nhiều thì cả làng đều hỉ hả nhưng bọn thương lái tinh quái lại hạ giá mua nên thu nhập của người rỉu cua cũng chẳng được nhiều. Ngược lại, nhiều ngày chả được mấy, bù lại những hôm ấy sẽ bán được giá cao.

Mỗi đêm cần mẫn chịu lạnh, chịu đói người ta cũng kiếm được khoảng dăm chục ngàn. Trong quy trình bắt cua rận thì khâu nhặt cua là lâu nhất. Lại còn phải phân biệt giữa cua rận với cua ghẹ. Cua rận thì bụng màu xám còn cua ghẹ bụng màu trắng.Vì chúng chỉ là những chấm nhỏ tý xíu, cái đen cái trắng cũng khó rạch ròi nên cánh đàn ông tuổi trung niên mắt kém chịu chết không đi rỉu được.
 *
       *    *
Tôi không muốn các con tôi phải sống kiếp cua rận. Bọn chúng đều là gái. Phận gái mười hai bến nước. Mà lại những năm đứa, sáu mươi cái bến vô định. Biết đi đâu, về đâu. Tôi phải cố mà sống. Cố mà chịu đựng. Nhưng cái đêm định mệnh ấy đã đưa cuộc đời tôi, cuộc đời các con tôi sang một ngả rẽ. Đó là một ngả rẽ dường như không có đường đi. Tôi cứ bước mặc cho những chông gai và cả những lời cay nghiệt dành cho mình.

Khi tôi mở mắt thì bầu trời đêm vẫn đen đặc. Vạch ngang mờ mờ của con đê đã giúp tôi xác định được hướng phải tới. Nhưng không thể nào đứng lên được. Sự buốt nhói và bỏng rát như đang bị một cái móc vô hình móc vào hạ bộ kéo ghìm tôi xuống mặt đất. Cố gắng lắm cũng chỉ có thể ngồi lên và bằng chút hơi sức còn lại tôi lết đi như trong bài tập “lăn lê bò toài” ngày còn trong quân ngũ.
Cứ mỗi lần chân đẩy lên thì một lần đầu như muốn vỡ tung bởi cái đau buốt từ dưới xiên lên tận màng tai. Lết được mươi mét đã mệt đến rũ người, tôi gục xuống. Bên tai ong ong. Trong cái ong ong đó hình như có tiếng gọi mơ hồ: Vọp ơi! Cố lên! Chả nhẽ lại chết ở đây sao? Đời mày đã qua bao nhiêu lần cận kề cái chết mà vẫn sống được. Phải sống! Hình ảnh năm đứa con nhập nhòe trong đầu. Tôi phải sống!...Không biết phải đến bao lâu tôi mới lê được đến chân đê. Còn cái vạch ngang mặt đê đang hằn lên trời đêm lại cao đến khủng khiếp. Trên ấy là sự sống. Trên ấy là năm khuôn mặt nhem nhuốc đang ngáo nghến chờ đợi, năm đôi cánh tay gầy guộc của lũ con đang vẫy. Lên được trên ấy biết đâu sẽ có người đi qua trông thấy. Phải lên được cái vạch ngang ấy. Tôi túm từng bụi cây nhỏ để kéo người lên. Những cây cà gai đâm vào tay nhức buốt. Bờ cỏ ướt đẫm sương đêm trơn tuột. Lên được vài mét lại trượt xuống hàng mét. Mệt lắm rồi. Tai đã ù đặc. Thôi nào, cố lên Vọp ơi…


Lên được đến mặt đê thì người nóng ran, rồi lại thấy rét run, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Người ướt đẫm. Sương đêm hay mồ hôi? Cơn đau hình như đã hơi dịu đi. Nhưng sao lạnh quá thể. Trên người không có lấy mảnh vải. Cái lạnh ngấm vào tận gan ruột, nó làm cho cái buốt nhói phía dưới trở lại lan toả toàn thân. Không thể chịu được nữa. Đêm vẫn đặc quánh. Cái lạnh như sợi dây siết dần, siết dần… bó chặt chân tay. Nó siết lên thái dương, bóp chặt lấy hai mắt. Nó giật đổ tôi vật xuống…

Trong không gian lặng ngắt ấy, văng vẳng có tiếng chuông nhà thờ. Và rồi hình như có người đến bên tôi. Nhiều người. Họ đi lễ sớm. Ơn Chúa lòng lành… tôi đã gặp được họ.
Trong chập chờn nửa mê nửa tỉnh, thấp thoáng có bóng blu trắng, có tiếng chân bước vội… những tiếng thì thào như bị bịt miệng: “Nát hết rồi. Phải cắt…”, tiếng dao kéo lạch cạch… Và buốt nhói. Giữa mông lung, cảm giác buốt nhói ấy như là định mệnh…

Lúc đối mặt với cái chết thì tôi cố gắng để sống. Nhưng khi đã được cứu sống thì lại muốn chết bởi những tiếng xì xào đàm tiếu, những cái cười nửa miệng của mọi người và sự lạnh nhạt của vợ con. Cái vết thương dẫn đến sự triệt phá bản năng thằng đàn ông trong một tấm thân trần như nhộng giữa một đêm lạnh là nguyên nhân của sự khinh khiến ghẻ lạnh đó.

Trong bệnh viện, giữa những kiếp người không hoàn thiện vì bệnh tật, mình như là một quái nhân lạc loài. Cũng là bệnh nhân, người ta rên rỉ, yêu sách với người thân, với bác sĩ, còn tôi phải cố thu mình như một con vật lạ vừa bị bắt trong một cuộc đi săn còn xung quanh là một bọn người hiếu kì đứng xem và bàn tán, chỉ trỏ. Ngày vài lần đứa con gái mang cơm đến với vẻ mặt lạnh lùng và một câu cộc lốc: Bố ăn cơm đi! Vợ tôi chẳng thèm đến viện thăm tôi được lấy một lần.

Tôi căm ghét sự lạnh lùng ấy. Tôi không có tội. Nhưng có ai bảo mình có tội đâu. Họ chỉ cười. Tôi muốn thanh minh. Nhưng thanh minh với ai. Tôi muốn gào to lên: hãy cho tôi được nói. Chẳng ai cần tôi nói. Câu chuyện về tôi được thêu dệt một cách khủng khiếp. Còn khủng khiếp hơn cả chuyện một anh chàng léng phéng với vợ người ta, bị cắt cụt hai tai. Trong mắt họ, anh chàng đó bị cắt tai là đáng đời. Nhưng bị thủ tiêu mất cái công cụ của giống đực như tôi mới là sự trừng phạt đích đáng. Chắc họ đang nghĩ như vậy.

Không thể chịu nổi nữa. Tôi sẽ phải nói ra. Đúng! Chả nhẽ lại để mang tiếng với đời, mang tiếng xấu cho con. Mà chúng nó lại toàn là con gái. Sau này người ta sẽ nghĩ về gia đình mình như thế nào.
Nhưng biết nói thế nào đây. Tôi còn nhớ một bài học đau đời. Đó là những ngày chiến tranh khốc liệt. Tiểu đoàn chúng tôi bị địch bao vây suốt cả tháng trời. Hết gạo, hết muối. Chỉ còn… ớt bột. Chúng tôi sống và chiến đấu bằng năng lượng của củ chuối rừng. Nhưng ăn củ chuối luộc không muối thì thấy nó vừa chát vừa nhạt nhẽo khủng khiếp.

Sang đến bữa thứ hai, thứ ba thì không thể nào chịu được nữa. Đưa miếng củ chuối luộc lên miệng là nôn thốc nôn tháo. Vậy là đói. Đói cơm, đói muối đến nỗi người rũ rượi như người nghiện. Anh nào anh ấy trông đều béo ra do phù thũng. Anh nuôi có sáng kiến lấy ớt thay muối. Cái cay thay cái mặn. Vậy mà lại được. Chúng tôi đã có thể tọng được món củ chuối vào bụng để thay cơm. Ai ngờ chỉ vài hôm sau cả đơn vị đều sinh ra táo bón. Ra rừng ngồi hàng tiếng đồng hồ, rặn đỏ cả mặt, hậu môn rát như phải bỏng. Đâm ra có mót quá cũng cố nhịn vì sợ. Sợ mất thời gian và sợ đau…

Một hôm tôi ra rừng chọn chỗ kín ngồi rặn. Có lẽ cũng phải đến gần tiếng đồng hồ mà vẫn không đạt được cái mục đích đại tiện. Hai chân đã tê cứng bỗng nghe có tiếng chân bước, tiếng vạch lá. Khéo gặp phải biệt kích. Hoảng quá, tôi nấp vào một bụi rậm. Không phải biệt kích mà là đồng đội, cấp trên của mình. Đó là Đại đội trưởng. Đến gần chỗ tôi nấp thì anh dừng lại.

Chết thật, hay là thủ trưởng tưởng rằng tôi làm điều gì phi pháp? Hay là thủ trưởng để ý theo dõi tôi, nghi ngờ tôi liên lạc với gián điệp. Tôi nín thở. Thủ trưởng ngó quanh ngó quất rồi lấy từ trong túi áo ngực ra một gói giấy nhỏ bọc ni lông. Quan sát một lần nữa, chắc chắn là không có người, anh ta mở cái gói.

Tôi nghển cổ nhìn: đó là một gói muối. Những hạt muối to gần bằng hạt ngô. Tôi nuốt nước bọt, nước bọt nhạt phèo và tanh tanh. Đại đội trưởng lấy ra một hạt đặt vào đầu lưỡi của mình, mím miệng và nhắm mắt lại chắc là để tận hưởng vị mặn mòi đang lan dần trong cơ thể. Tôi cũng nhắm mắt để tưởng tượng đến cái mặn. Nhưng không được. Cổ họng tôi khô khốc và chợt thấy miệng bỏng rát.

Lại nhớ đến thằng bạn cùng tiểu đội vừa mới “đi” hôm kia, nó bị thương nặng quá, mất máu nhiều. Trước khi chết nó còn thều thào xin muối. Lúc đó tôi thấy mọi người đều khóc vì thương nó. Đại đội trưởng cũng khóc… Chao ôi! Thế mà bây giờ…

Tôi kể điều mình chứng kiến với trung đội trưởng. Và ngay tối hôm đó tôi được gọi lên ban chỉ huy đại đội. Trước mọi người tôi tường thuật lại sự việc một cách đầy đủ. Tất cả nghe và im lặng. Cuối cùng sự im lặng cũng bị phá vỡ bởi một câu hỏi rất đột ngột của Đại đội trưởng: “Đồng chí nói tôi như vậy, nhưng đồng chí lấy gì làm bằng chứng?”…
Tôi bị ghép cho cái tội vu khống nói xấu làm giảm uy tín của lãnh đạo, tuyên truyền làm giảm sút ý chí chiến đấu của đơn vị. Từ đấy cho đến khi ra quân, mặc dù ra sức phấn đấu, chiến đấu dũng cảm, đã nhiều lần là Dũng sĩ, có huân chương tôi vẫn không được kết nạp Đảng…

Giá như tôi có cái mác Đảng viên thì biết đâu khi phục viên về quê chẳng được cất nhắc làm cán bộ. Và nếu như vậy thì việc gì phải đi đêm về hôm để đến nông nỗi này. Đúng là biết đã khó, nói cái điều mình biết càng khó hơn, còn bây giờ biết nói thế nào đây? Nếu nói sự việc như nó đã từng xảy ra thì liệu có ai tin… Nếu nói ra thì phải nói tên người đàn bà - con người đồi bại trong đêm định mệnh ấy. Chồng nó vẫn sờ sờ, vẫn khoẻ mạnh. Bề ngoài vợ chồng nhà nó vẫn hạnh phúc. Thì ra người ta sẵn sàng lừa dối nhau, phản bội nhau để có được những thoả mãn xác thịt thoáng chốc cho riêng mình. Nếu mình nói ra chắc chắn gia đình đó sẽ tan vỡ. Những đứa con nhà nó sẽ bơ vơ. Thôi hãy khoan.

Nhưng không thể không nói. Và để giữ tiếng cho mình, tôi đã nói. Nhưng không nói cái tên người đàn bà ấy ra. Chẳng ai tin! Thậm chí có người cho rằng trong khi đang nằm viện tôi đã khéo léo bịa ra cái câu chuyện tưởng tượng. Họ cười vào mũi tôi. Họ càng tỏ ra khinh bỉ tôi hơn.

Vẻ lạnh nhạt của vợ con, những người mà tôi hằng yêu quý làm cho tôi nổi điên lên. Từ ngày tôi xuất viện về nhà, vợ tôi thường lảng tránh. Không trò chuyện, không ngủ chung và thậm chí không bao giờ ngồi ăn cơm chung. Cứ đến bữa, mọi người trong nhà đều phải ngồi đợi vợ tôi vào ăn cơm. Mâm cơm nguội ngơ nguội ngắt.

Tôi bảo các con mời mẹ thì nàng ráo hoảnh nói trống không: “Cứ hốc đi. Kệ tao!”. Tôi bưng bát cơm mà trào nước mắt. Lũ con vừa ăn vừa nhìn bố rồi lấm lét nhìn mẹ… Cũng chỉ chịu đựng được mươi ngày như vậy. Và cuối cùng tôi phải nói với vợ tên cái người mà tôi đã chứng kiến cảnh hành lạc của họ khi bọn trẻ đi học hết.

Phẩm tiết đoan chính của người đàn bà mà tôi nói tên được khẳng định ngay sau khi tôi thổ lộ với vợ được khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Anh chồng cô ta tay cầm một sợi dây thừng hùng hổ sang nhà tôi. Không thèm nói gì, anh ta tròng ngay cái dây thừng vào cổ tôi giật tôi ngã chúi. Thay cho lời chào, hắn giáng vào mặt tôi một cú đấm đến đổ máu mũi. Thì ra bà vợ yêu quý của tôi nghe tôi nói xong liền chạy ngay sang nhà đối tượng để kiểm tra tính chính xác của câu chuyện.

Anh chồng ngồi nghe thì tím tái mặt mày, cô vợ nước mắt ròng ròng bù lu bù loa bảo là cái đồ khốn nạn, đồ đểu, nó dám vu khống cho em. Tối hôm đó anh say rượu, em ở nhà với anh, nằm bên cạnh anh chứ có đi đâu đâu. Anh không nhớ à? Vu khống! Thằng khốn nạn nó vu khống. Bằng chứng đâu? Nó muốn đổ tiếng xấu cho người khác. Và để chứng minh sự trong sạch của mình, cô ta lịch bịch chạy xuống bếp lấy dây thừng để chuẩn bị tự tử… Anh chồng cảm thấy vợ mình oan ức quá liền giật lấy hùng hổ sang trừng phạt kẻ đã dám vu khống phẩm tiết của vợ mình.

Đến bây giờ thì bài học ngày ở chiến trường lại được lặp lại một cách đầy đủ và có phần dữ dội hơn nhiều. Vụ việc ở chiến trường dù có nặng nề về mặt quyền lợi chính trị nhưng tôi vẫn còn là một người lính. Còn bây giờ cái án hủ hoá bị mất giống đã được khẳng định trước mặt vợ tôi. Sự trừng phạt của nàng dành cho tôi còn khủng khiếp hơn nhiều. Nàng khinh bỉ, ghẻ lạnh và coi tôi như một con vật. Tôi cô đơn giữa những người thân của mình. Các con tôi cũng không muốn gần tôi vì cái tiếng bố của chúng hủ hoá nên bị biến thành “công công”.

Nhưng có lẽ còn nhục nhã hơn, tôi - người đàn ông - một anh lính quèn, đã không thể chiến đấu với một khẩu súng đã cụt nòng. Đàn ông hủ hoá thì có nhiều, nhưng bị mang tiếng hủ hoá tới mức cắt cụt mất cái công cụ giống má thì có lẽ chỉ có mình tôi mà thôi. Đã có đủ điều kiện để vợ tôi có thể tung tẩy hẹn hò và vui vẻ với những người đàn ông khác bởi vì nàng mới chỉ hơn ba mươi tuổi. Nàng vẫn còn rừng rực như hầu hết những người đàn bà vùng này mang trong người mình cái ào ạt bản năng đến vô tận của biển cả.

Đầu tiên nàng còn ngại tôi, ý tứ hơn đối với các cuộc hò hẹn. Nhưng nàng cho rằng xét cho cùng thì tôi đã phản bội. Điều này nàng có quyền trả thù. Còn nữa, nàng lại không thể tha thứ bởi vì sự tha thứ chỉ dành cho cái khả năng có thể hàn gắn hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không chỉ ngồi mà ngắm nhau rồi nói em yêu anh, anh yêu em, chúng ta yêu nhau… mà phải thể hiện bằng quan hệ xác thịt. Dù có lí tưởng hoá tình yêu đến mức nào thì cái điều ấy vẫn là muôn thuở không thể thiếu.

Cái khả năng này mất hẳn ở tôi do tai nạn nọ nhưng nó lại tăng lên gấp nhiều lần ở nàng. Đó là lí do thứ hai mà nàng khẳng định sự tự do tuyệt đối của mình. Các cuộc hò hẹn của nàng công khai và thường xuyên, trước còn ở chỗ kín đáo, sau đưa về tận nhà, ngay trước mũi tôi. Tôi không thể chịu nổi nhưng hoàn toàn bất lực. Nhục nhã quá. Nhiều lúc muốn tự tử.

Nhưng tôi vẫn phải sống. Sống vì những đứa con. Chả lẽ để chúng đói khát, thất học. Vậy là tôi phải cố mà tồn tại. Hơn một năm nay, tôi ra đê, chỗ gần cửa sông, tá túc trong một túp lều chăn vịt. Làm được đồng nào gửi cho con đồng ấy. Còn tôi, tôi chỉ cần sống và đủ sức làm việc. Để khỏi chướng tai gai mắt, để khỏi phải nghe những lời đàm tiếu, để khỏi phải tiếp xúc với mọi người, để không phải nghe thấy tiếng dè bỉu “Vọp công công”.
*
      *    *
Đứa con gái nhỏ nhất của Vọp ngày nào cũng ra chỗ bến đò. Những người đi rỉu ngâm nước cả đêm, sáng ra họ đến đó để bán những con cua bắt được hồi đêm cho mấy tay thương lái từ Hải Phòng, Quảng Ninh về. Vọp dẫu đã có tuổi nhưng vẫn ngày ngày đi rỉu cua rận. Mắt kém thì dùng kính lão để soi.

Con bé Vạng vì không phải đi học buổi sáng nên trên giường lăn xuống đất là lại chạy ngay ra bến đò, ở đấy nó được gặp bố và cầm tiền về cho mẹ. Trong lúc chờ đợi đến lượt mình đếm cua để bán, Vọp ôm chầm lấy con, hít hà cái mái tóc ẩm sương sớm của nó. Anh rơm rớm nước mắt khi con bé hỏi sao bố không về nhà mà ở. Bố phải ở ngoài này để bắt cua rận lấy tiền cho chị em các con ăn học chứ. Sao người ta vẫn ở nhà, vẫn đi bắt được cua. À, họ khác. Anh thường đánh trống lảng bằng cách hỏi thăm về chị em nó.

Ngày nào cũng vậy, bán cua được đồng nào anh gom lại cùng với số tiền đào gion, bắt hến làm được ban ngày, chỉ giữ lại vài ngàn đong gạo, còn lại đưa cả cho con mang về cho mẹ nó. Nhờ giời, vụ cua này cũng khá. Vọp tin tưởng con mình sẽ đủ điều kiện để học hành. Tự dưng anh thấy đời đáng sống và mong muốn được nhìn đàn con trưởng thành. Tất cả những tai ách, khốn nạn anh đã phải trải qua chẳng có nghĩa lí gì.

Sáng nay, như mọi ngày, con bé Vạng ra bến đò từ rất sớm. Buổi tối qua, nó thấy có một người đàn bà ngồi nói chuyện rất lâu với mẹ. Chả biết họ nói gì với nhau. Nó chỉ biết sau khi người ấy đi rồi thì mẹ ôm nó vào lòng rủ rỉ: Mai con ra bảo bố về. Con có thương bố không. Con thương lắm. Thế mẹ có thương bố không. Mẹ nó không trả lời nhưng nó thấy ngấn nước đầy trong mắt mẹ. Vậy là mẹ không còn giận bố nữa. Mừng quá, bé Vạng chỉ mong cho chóng sáng để ra đón bố, bảo bố về nhà với mẹ con nó.

Nhưng nó đã đợi bố cả tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy. Khi mọi người đã ra về hết, con bé đứng thui thủi một mình. Hay là bố ốm. Vậy là nó chạy đến cái lều ngoài cửa sông. Căn lều lạnh lẽo chẳng có gì ngoài cái chõng tre với cái chăn bộ đội gấp gọn ghẽ. Vậy bố đi đâu nhỉ. Nó nhìn xuống sông. Và nó chợt thấy dưới sông cách đó không xa, hai cái càng rỉu vật vờ. Một mái tóc ngắn xập xoà trong cơn nước ròng buổi sớm. Có người chết đuối. Con bé vừa chạy vừa hét… Cả làng đổ xô ra cửa sông.

Vọp chết. Vì qua nhiều ngày đi rỉu anh đã tìm ra quy luật, ở cửa sông lui vào trong một tý, cua rận nhiều hơn. Nhưng anh không ngờ lúc nước lên mạnh thì dòng chảy ở đây cũng mạnh hơn, nó đẩy anh vào một hủm cát non do xoáy nước ở đáy sông. Khi chân bước hụt không chạm đất, anh chới với. Cái đáy rỉu như là đuôi con trăn khổng lồ gặp nước xoáy cuốn quanh người anh, bó chặt chân tay. Anh chìm xuống trong tư thế bị trói đứng…

Người ta vớt Vọp lên, gỡ ba bốn vòng lưới của cái rỉu đang cuốn quanh người rồi đưa vào đặt trong căn lều nhỏ. Vì chết đuối nên người ta làm đám ma ngay tại chỗ. Mãi đến gần một giờ trưa mới mua được quan tài. Cái quan tài đóng vội còn ướt véc ni màu vàng. Lúc chuẩn bị nhập liệm, người ta cắt tấm lưới của cái rỉu lót vào trong quan tài để sau này khi bốc mộ khỏi sót xương.

Cái tấm lưới rỉu rộng trùm cả ra bên ngoài thành áo quan. Tấm lưới còn ướt, véc ni quan tài cũng ướt, khi mọi người vơ tấm lưới cho vào trong quan thì những vết lưới đã in vào hai bên thành, nhìn cái quan tài như được phủ một tấm lưới đen. Mấy ông ngao ngán nhìn tác phẩm không mong đợi, kết quả của sự vô tình.

Một ông bảo: Chả sao, thế nào tí nữa Hội Cựu chiến binh cũng phủ vải đỏ che đi, lo gì. Nhưng một người khác thở dài: Khổ, anh ấy có được sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh đâu mà được phủ vải đỏ. Ơ hay! Ngày xưa anh ấy cũng là bộ đội chiến trường cơ mà. Biết rồi! Nhưng mà sau cái vụ tội nợ kia, anh ấy cũng chẳng được mời đi sinh hoạt nữa rồi.

Trong hoàng hôn vàng úa, trên vạch ngang bờ đê, một dòng người cúi mặt lặng lẽ đi vào từ phía cửa sông, chiếc quan tài như bập bềnh trôi trên dòng sông người ấy. Giữa âm thanh não nề của kèn trống còn có cả tiếng gầm gào của biển ngoài xa vọng lại. Nước bắt đầu lên. Trời lạnh quá. Mùa cua rận năm nay chắc hết sớm
 M.T.N

Friday, August 19, 2016