Friday, August 4, 2017

Cánh Đồng Lưu Lạc- Hoàng Đình Quang phần 5

Cánh Đồng Lưu Lạc- Hoàng Đình Quang phần 5

Sau những biến cố trên xảy ra, có thể coi như những cơn giông bão ập đến đổ lên hai vai chị Nga làm chị hoàn toàn thay đổi. Trước hết chị như người mộng du trong một cõi hư không của riêng chị. Lúc nào chị cũng cảm thấy muốn cười, cái cười nhạt, không chứa đựng một ý nghĩa nào, dù là chua chát đắng cay. Chị cười với con lợn, tiếng cười khanh khách như hồi còn trẻ, lúc chị mới vào trường trung cấp sư phạm. Từ trong nhà ngang, bà Tuân cố bò lại gần cái cửa sổ mắt cáo nhìn sang, bà thở dài rạch trở lại chỗ nằm, không thể biết bà nghĩ gì về cô con dâu. Có lúc chị cười với cái bóng mình dưới đáy giếng. Và kỳ lạ ở chỗ, trong mâm cơm, chị cứ nhìn ông Tuân mà cười! Điều thứ hai làm mọi người xung quanh để ý là chị bắt đầu hay chải tóc, ngắm nghía mình thật lâu bên thành giếng nước. Có vài lần chị lấy cái áo để đã lâu không mặc từ trong đáy hòm ra hong nắng, và buổi tối, chị mặc nó vào đi ngủ.
Về phần ông Tuân, cái cổ của ông đã tan vệt bầm của sợi chạc trâu, ông có thể ung dung ra đường mà không cần phải quấn khăn. Nhưng trông ông già sọm đi nhiều, gặp người quen đôi mắt thường đưa ngang ra phía cánh đồng. Ai hỏi gì, có lúc ông trả lời như một cái máy, chỉ một mực "dạ, vâng".
Thiên hạ không ai đàm tiếu, họ chỉ tỏ ra xót xa cho một gia đình bất hạnh. Nhưng dần dà những lời cảm thương cũng vơi đi, bởi họ còn phải lo, phải nghĩ cho chính họ. Còn một sự kiện nữa mà chỉ có mình ông Tuân biết, là sau chuyện bất thành đó, chị Nga không còn xưng hô một cách cung kính với ông như trước nữa. Trước đây chị một hai thưa thày, mà bây giờ, trừ khi có người thứ ba, còn thì chị chỉ nói trống không. Ông Tuân bảo:
-Vợ Kỳ hôm nay ở nhà để thày đi cày chỗ đất củ Đồng Quán cho.
Chị Nga đáp lại:
-Không. Cứ ở nhà đấy.
Lần khác chị bảo:
-Đưa tiền mua đường cho u!
Ông Tuân cảm thấy bị xúc phạm, nhưng vẫn không nói gì, lặng lẽ làm theo. Nỗi ê chề đã làm cho ông không biết phải xử ra sao. Một lần, khi chỉ có hai người trong nhà, ông Tuân chần chừ mãi rồi quyết định hỏi con dâu:
-Sao chị Kỳ lại không để cho tôi chết đi cho rảnh mắt?
Chị Nga ngừng tay sàng gạo, nhặt một hạt thóc trên sàng cho vào miệng cắn:
-Không cứu? Không cứu để chết ra đấy thì tội vạ ai chịu? Chỉ toàn là đem tai ương gieo vào đầu người khác. Đấy nhá, chỉ mới nằm đấy nửa tháng mà bao lời trách móc đã đầy tai...
Ông Tuân, vừa cảm thấy bực bội, nhưng lại có cảm giác thinh thích, dịu dàng, không thấy có cái vẻ xa cách bố chồng nàng dâu như trước. Chứ còn gì nữa? Họ đối đáp với nhau nhấm nhẳng, như là một cặp nhân ngãi. Ông bố chồng cũng bắt đầu giở giọng phiêu lưu:
-Cứ để cho tôi chết quách đi cho xong, sống làm gì, sống mà không con cái, không kẻ nối dõi. Cô là đàn bà làm sao biết được cái khổ tâm của kẻ tuyệt tự.
Chị Nga tiếp tục quay sàng, miệng vẫn đều đều:
-Thiên hạ cũng đầy ra đấy chứ nào riêng ai. Đằng này con người ta xông pha ngoài mặt trận mà bỏ mạng chứ ăn cướp ăn trộm gì mà xấu hổ?
Bỗng ông Tuân đổi giọng:
-Nga ơi, hay là con tìm người nào mà chắp nối lại đi, chứ sống mà như thế này, lúc khỏe trẻ không sao, về già như thày u, khổ lắm, nhục lắm!
Chị Nga vẫn giấm giẳng:
-Chả thiết!
-Còn cái tuổi xuân, con gái đàn bà có thì, có lứa, không ai trách con đâu. Hỏi con câu này, con với thằng Kỳ ăn ở thế nào mà già nửa năm trời vẫn không có gì?
-Ăn ở thế nào? Cũng như người ta chứ còn biết ăn ở thế nào?
-Hay là... tại con?
Bỗng chị Nga lắc mạnh tay, làm cho cái sàng vung ra khỏi nia, gạo thóc tung tóe ra nền nhà. Rồi chị buông tay sàng oằn người lên, tay chống ra sau, còn tay kia ôm bụng quằn quại, miệng ú ớ:
-Đau... đau quá!
Ông Tuân giật mình luống cuống chạy lại ngồi xuống sát chị Nga, nhưng không dám động tay vào người chị:
-Sao thế con?
-Đau quá! Chị vừa rên vừa bấu tay vào vai ông Tuân. Dìu... tôi vào buồng!
Ông Tuân vội vàng xốc nách chị Nga, còn chị, vừa dặt dẹo lê chân trên nền nhà, vừa dựa hẳn người vào ông Tuân. Ông bố chồng đỡ con dâu nằm lên giường xong, hỏi nhỏ:
-Đau bụng à? Để lấy nắm tóc rối cho đánh gió nhá?
Chị Nga vẫn nhắm nghiền mắt, vùa lắc đầu. Lát sau, chị nằm im, thở dốc, hé mắt bảo ông Tuân:
-Ra khép hộ cánh cửa vào cái!
Ông Tuân lật đật làm theo, rồi quay vào, ghé ngồi lên mép giường. Thình lình chị Nga nắm lấy bàn tay ông Tuân, kéo sát, ghì chặt vào ngực, giọng lạnh băng:
-Đây! Làm gì thì làm đi!
Những ngày mưa lụt, mua dầm dề suốt ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ khác, nước mưa hình như cũng được pha một chất keo buồn bã làm lá sắn úp dính vào nhau theo một chiều thê lương và lành lạnh. Một ngày như thế, chị Nga đạp xe ra chợ Ba Hàng. Chiếc xe đạp Thống Nhất khung nữ sơn màu xanh thẫm đẹp như một tiểu thư đài các của chị lăn bánh trên những ổ gà lồm cồm. Mưa xiên xiên tạt chéo vào khuôn mặt xinh xinh ngày nào, giờ đây hai gò má nhô cao và rám nắng làm cho nó bợt bạt đi. Gần tới cầu Châu, một hòn đá nung vôi bất thần nằm chặn giữa đường để cho chiếc xe của chị chồm vào, hất chị xuống rãnh nước. Mặt mày tối xầm lại, chị chìm ngay vào cõi đen ngòm. Chị chết, chết thật sự. Chị Nga của tôi đã đi vào cõi vĩnh hằng một cách thanh thản, bất thần, không chuẩn bị trước và cô đơn.
Nhưng... đúng lúc đó, từ trong một túp lều dựng tạm của một người bán nước chè xanh, mà vì một lý do gì đó, có thể do mưa bão sụt sùi, không có khác lữ hành nào dại dột đi trên con đường lởm khởm này, túp lều đã bị bỏ hoang, ngườ anh hùng Tnh Tinh xuất hiện! Anh hùng của làng Sơn Cốt vẫn đen nhẻm, vẫn cười nhe bộ răng trắng ghê hồn được mọc ra từ hai miếng lợi đỏ chói như hai miếng tiết quân hàm của anh binh nhì mới nhập ngũ. Nhưng mưa gió lạnh lùng đã khoác lên người anh hùng Tinh Tinh một tấm áo đại cán rách bươm vốn của người cháu là một cán bộ công an. Cái áo của anh công an này vốn có màu vàng lòng tôm đặc chủng, gửi về cho bố, là anh ruột của anh Tinh Tinh, nhưng ông bố không thể cứ để như thế mà mặc, thứ nhất cái màu sáng cả ban đêm lẫn ban ngày ấy đẽ bị chửi vì rất dễ làm mồi cho máy bay, mỗi khi thấp thoáng trong ngõ xóm, thứ hai là nó sẽ nhanh chóng trở thành màu xỉn cháo lòng, rồi đen thâm trông rất "rợ", vì anh con trai công an không có đủ xà phòng gửi về cho bố. Thế là nó được nhuộm bằng nước vỏ cây núc nác, ngả sang màu xanh lá mạ, lúc đầu đẹp tuyệt trần, và lại rất hợp với tình hình phòng không lúc đó. Những năm sau, tấm áo đặc chủng cũ dần và màu của nó gần giống với màu áo sĩ quan quân đội, còn kiểu cách thì may y hệt như nhau, cùng một "mô-đen", như bây giờ ta đang gọi. Khi chiếc áo đã không còn tốt, còn đẹp nữa, nó rách tan nát, vá víu lằng nhằng, sơ tướp thì được chuyển giao cho người em trai, người hùng Tinh Tinh, tứ thời ở trần.
Những bước chân chậm chạp nặng nề và dò dẫm của con Tinh Tinh làng Sơn Cốt rất cảnh giác khi tiến lại gần chị Nga. Mưa tạt vào mặt, khiến Tinh Tinh nhíu mắt lại, càng tiến đến gần, bước chân của anh ta càng ngập ngừng, như bước chân của một người bình thường, thậm chí còn có vẻ tinh ma, ranh mãnh, có khi một bàn chân nhấc lên trên không trung rồi để đó, chưa biết đặt xuống chỗ nào?
Chị Nga nằm đó như một đống giẻ cũ nát, cuộn tròn, hai tay ôm lấy bụng, thò ra đôi chân trắng xanh, bám đầy bùn lầy. Chiếc xe đạp nằm văng sang một bên, hai bánh vẫn còn quay, tiếng líp xe át cả tiếng mưa tạt, phát ra những tiếng kêu lách tách, vui tai, khiến người hùng để ý. Anh ta nhếch mép, không, nhếch cả hai mép ra và nụ cười hoang dã không hề tắt trên đôi môi thâm đen, không phải vì lạnh mà là vì vốn nó đã thâm đen như thế. Cúi xuống, lấy tay khẽ chạm vào bánh xe, làm nó quay nhanh thêm một chút và tiếng tách tách càng có vẻ vui tai, người Tinh Tinh thấy lo lắng, không dám đụng tới chiếc xe đạp màu cánh trả, anh ta quay sang nhìn vào khuôn mặt tái ngát và có một vết tím bầm ngay trên mí mắt trái. Có một cái gì đó làm anh ta chững lại. Nụ cười ngây dại bỗng vụt tắt. Một chút trí tuệ, dù chỉ bằng hạt tấm bỗng loé lên trong bộ óc vốn đã bị hư hỏng từ thuở bé. Một khuôn mặt khiến cho người hùng Tinh Tinh làng Sơn Cốt thấy kính nể, hoặc yêu mến, hoặc một thứ tình cảm gì na ná như thế trỗi dậy trong tâm trí đen thẳm của anh ta. Đúng là anh ta đã từng thấy, từng nhìn ngắm và với một vẻ kính nể không thông thường toát ra từ khuông mạt chị Nga. Tinh Tinh cúi xuống, nó cũng biết luồn đôi tay khòng khoèo xuống dưới đống giẻ ướt sũng nước rồi nhấc bỗng thân thể chị Nga lên, cố hết sức bằng đôi chân lòng khòng tấp tểnh lết đi trên đường, hướng về một ngôi nhà gần đó, miệng không ngớt gào lên những tiếng la thê thảm:
-Chu chố...! Chu... chố...!
Về phần chị Nga của tôi, chị coi như đã tan vào một khối mây đùng đục, hai mắt chị mở to, nhưng lại bị mờ đi trong một thứ ánh sáng nhợt nhạt. Cảm giác thanh thoát và dịu dàng như tấm chăn bông mềm mại âm ấm hơi người trùm kín lên khuôn mặt và dần dần bao lấy chị như cái kèn trắng của một loài tằm ăn lá sằn, mịn màng, êm ái. Liền ngay đó ý thức chị choàng tỉnh và điều đầu tiên chị nhận ra rằng chị đã chết. Cụ thể và chính xác hơn là chị đang chết, chết một cách từ từ, chậm chạp, rất rõ nhận ra bằng một sự rơi, rơi nhẹ nhàng như một cái bông gạo trong gió nhẹ. Thì ra, chết là thế! Chết là từ từ hồn lìa khỏi xác, nhưng ý thức thì lại không dễ gì tan biến ngay đi, mà nó cứ lửng lơ, như thể còn một điều gì chưa nói ra mà đã phải quay mặt đi, lặng lẽ trước cái mũi nhọn của đầu sùng, hay lưỡi lê gì đó của một kẻ rất mạnh, rất đáng sợ nhưng cũng rất vũ phu, đáng ghét.
Bây giờ thì chị nhận rõ mình hơn, nhận ra từng hạt mưa gõ bung bung vào chiếc nón lá để bên cạnh, cái thai trong bụng ngột ngạt, cựa quậy một cách yếu ớt và tuyệt vọng. Chị mang nó đi vào cõi chết nhưng nó không chịu im lặng để tạn hưởng cái hạnh phúc thoát cõi thế trần gian. Nó là thế, chị biết, chị làm mẹ nó, chị từng nếm trải những đắng cay, những thất vọng ê chề của cuộc dồn nén, săn đuổi, nhưng nó chưa từng được ra đời, chưa từng được thấy cái vẻ đẹp hùng vĩ và ngọt ngào của ánh nắng mặt trời lúc hừng đông, chiếu thẳng tắp vào khuôn mặt từng con người, bất động. Nó chưa từng nghe tiếng sấm chớp, những giận giữ của bão giông, uy hiếp vạn kiếp sinh linh nhưng vẫn lộ ra vẻ bất lực của trời thẳm, không thể nào với tới được những ngõ ngách sâu kín, huyền bí và cả gian ngoan, dối trá trong mỗi con người. Nó cũng chưa từng cảm thấy những cuộc sát phạt, đấu đá, hành hạ bằng những tâm trạng khoái trá rửa hận, hay những ánh mắt lo sợ hãi hùng mà trên dương gian này, con người vẫn thường đem ra để thi thố. Con ơi! Con chưa được thành người, chưa được có niềm hạnh phúc mang cái danh hiệu con người thì mẹ đã mang con đi! Không biết là may mắn hay rủi ro cho con, cho kiếp người đang chờ con ở ngoài kia!
Như nghe được những lời than vãn của chị Nga, cái thai đạp mạnh hơn nữa, và chị Nga nhận thấy mình đang bay, bằng một đường bay gập ghềnh, nâng lên, đặt xuống, có lúc như hụt hẫng, nhưng vẫn là đang bay. Rồi, bất thần, đường bay chững lại, va mạnh chị vào một bờ đất kiên cố, nặng chịch, vỡ oà ra. Máu trong người chị chảy như suối, chị tan ra thàn muôn ngàn mảnh li ti, bay lập lờ trong sương nhạt. Thế là hết, là chết! Chết là thế đấy!
Cho đến khi tỉnh lại, trước mặt chị là khuôn mặt vô cảm của bà Phán Lan:
-Rõ khổ cái thân! Nhà chị đi đâu trong lúc mưa gió thế này? Nón tơi đâu mà phong phanh? May quá, thế nào mà cái thằng người Tinh Tinh, chuyên cởi truồng cởi trần nhảy Đầu Cầu nó lại thấy chị, lại còn biết mang chị vào cho tôi!
Chị Nga ngơ ngác nhìn lên đám mạng nhện đu đưa qua hai cái kèo tre:
-Cháu đi cắt thuốc cho bà cụ...
-Sao không đưa bà cụ ra viện Than? Thuốc gì hay vẫn thuốc cụ Lang Khuê?
Chị Nga vẫn vô cảm:
-Dạ phải! Mấy giờ rồi hả bà?
-Năm giờ từ khi nãy, nghe tiếng kẻng của trại tù binh.
Chị Nga gượng ngồi dậy, bà Phán đỡ một bên cánh tay:
-Chị nằm nghỉ, tôi bảo cháu nó đi gọi ông giáo rồi.
Chị Nga giật mình như người đang từ cõi âm u tịch trở lại cõi dương gian:
-Chết! Bà cho gọi bố cháu làm gì! Cháu bị nhẹ thôi mà. Với lại cháu còn phải ra phố...
-Thôi, đừng đi đâu nữa, tối rồi, mai hẵng đi. Chị cứ nằm đây mà nghỉ...
-Không... Chị Nga khẽ rên một tiếng, gượng đứng dậy, nhưng nắm hụt cái thành giường, chao người, chống một bên đầu gối xuống đất. Bà phán chạy lại:
-Bảo mà! Đây kia, ông giáo đang ra kia...
Thầy Hoan đội một cái áo bạt cũ rách lỗ chỗ, dừng lại ngoài hiên rũ phành phạch rồi vắt lên cánh rại, bước vào nhà. Trông thấy chị Nga đang ôm bụng quằn quại, thầy nắm lấy cổ tay con gái:
-Con bị làm sao thế?
-Con chết mất! Bố ơi!...
Cơn đau bụng quằn thắt thình lình kéo đến cùng với sự có mặt của thày Hoan. Hai con mắt trắng dại của chị Nga ngó trâng trâng vào mặt cha. Bà Phán Lan thấy thế thì đâm lo:
-Nói dại, hả ông giáo? Có phải chị Nga...?
Phải rồi! Chị Nga đang vật vã trong tay tay cha, một tay chống vào bên sườn oằn bụng gồng lên như gò, như đống. Tay kia chị nắm một nắm tóc cho vào miệng cắn, tiếng rên của chị qua những sợi tóc ré lên một âm sắc ghê rợn:
-Bố ơi... Bố cho con về nhà bố đi. Để con chết!
Thầy Hoan bối rối nhìn vào mắt con gái:
-Sao? Con thấy sao?
Bà Phán vội vàng chạy về phía bàn thờ lật bật đốt ba nén hương rồi phủ phục xuống đất lầm rầm khấn vái. Đoạn bà quay lại, ghé vào tai thầy Hoan:
-Ông Giáo ạ... Hình như là... có dễ... chị Nga, chị ấy trở dạ!
-Hả? Bà Phán, bà nói cái gì?
-Không có gì đâu. Cô ấy sắp đẻ...
Thầy Hoan đờ người, buông con gái ra nhìn bà Phán:
-Ai bảo bà thế?
Không nói không rằng, bà Phán Lan giật phăng hàng cúc áo bên dưới bụng chị Nga trật ra một hàng, mấy lớp vải cắt chéo quấn chặt lấy bụng. Bà Phán tiếp tục lần giở những cái tã trẻ con hình tam giác được quấn mấy vòng. Sau cùng, bụng chị Nga như bất ngờ trương lên, lồi những cục, những cục... Chị Nga hét lên một tiếng:
-Đừng! Rồi chị nhìn thầy Hoan bằng cái nhìn tuyệt vọng: Bố ơi. Cho con về...
-Không sao! Chị nằm đây, để tôi đi gọi người. Bà Phán vừa thở vừa nói.
-Đừng! Cháu lạy bà, cháu chết mất!
Thầy Hoan bất thần đứng vụt dậy nhìn chị Nga như ngây dại. Trong một giây đắn đo, thầy ghé lưng vào:
-Ôm lấy cổ bố. Ta về nhà đi con...
Khi thầy Hoan xốc con gái lên lưng thì trên khuôn mặt màu vàng nghệ giờ đã chuyển sang trắng bệch của bà Phán Lan lộ vẻ vô cùng kinh ngạc:
-Sao? Ông định giết chị ấy à? Trời đang mưa sầm sập thế này!
-Bà ơi! Bố con tôi đội ơn bà! Bà đừng để chuyện này lộ ra với ai... Cháu nó dại, tôi xin chịu. Để tôi tính.
Nói xong thầy Hoan cõng chị Nga lao ra sân trong một màn mưa mờ mịt. Bà Phán tần ngần đứng nhìn cái bóng lù xù của hai cha con ông giáo lảo đảo lẫn vào trong mưa. Rồi bà quầy quả sắp những thứ mà bà vừa lấy ở bụng chị Nga ra cho vào cái tay nải, chòng cái áo tơi qua cổ chạy vụt ra trời mưa. Ra đến giữa sân, bà Phán lại chạy vào buồng tìm kim chỉ, một xấp giấy bản, và hai ba cái lọ đựng gì không biết. Bà chạy mải miết đuổi theo họ, trong màn mưa đục mịt mờ và trong gió giăng giàn giạt.
Năm ấy lụt to. Quê tôi chưa năm nào lụt to như thế. Đường ra chợ Ba Hàng, người đứng trên cầu Châu có thể chỏa chân xuống dòng nước chảy xiết. Nhiều người còn hào hứng kể lại cho con cháu nghe đến vài mươi năm về sau những câu chuyện đại loại như thuồng luồng và giải cuộn tròn lại với nhau quấn xiết lấy những thân cây cổ thụ trôi phăng phăng trên sông Công. Thật là một năm đại họa. Câu chuyện về mùa lũ ống năm ấy tuy có để lại những ấn tượng hãi hùng cho nông dân làng Sơn Cốt, nhưng nó mau chóng tan biến đi cùng với cái đói kèm sát sạt ngay sau đó, và bởi những câu chuyện khác thời sự hơn, sát sườn hơn...
Dân làng Sơn Cốt chúng tôi nói theo thuật ngữ thời bây giờ thuộc vào hàng đói thông tin. Sở dĩ nói "đói" là vì họ là những người ưa thích đưa chuyện, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn chuyện để mà truyền khẩu. Đói ăn vụng, ăn vụng còn ăn, huống hồ được một bữa liên hoan kiểu như đại hội xã viên thì còn gì bằng. Đàn ông có mâm của đàn ông, đàn bà và trẻ con có chiếu của mình, ăn xong còn lấy phần. Những miếng thịt mỡ thái con chì trắng ơn ởn, đói lâu ngày, thiếu kinh niên, tương vào chưa biết bổ béo ra sao nhưng đám giun đũa, giun kim và vô vàn loài sống ký sinh trong đại tiểu tràng cũng được một bữa liên hoan. Và rồi những cơn đau bụng té re cả làng quần nhau tìm lá ổi, vỏ sắn thuyền... Thông tin cũng thế!
Dòng tin thời sự nóng hổi và cực kỳ hấp dẫn lan truyền như một làn vi ba âm ỉ xuyên suốt từ nhà này sang nhà kia, qua những bức tường đất, qua những mái rạ đến từng người dân, đàn ông, đàn bà và cả người già, trẻ con. Tất nhiên là chị Nga không nghe thấy, nhưng có lẽ vì không nghe được những lời đồn đại ấy nên chị càng đau đớn quằn quại. Trong ngôi nhà lợp lá cọ dặm lá mía ướt sũng nước mưa, thầy Hoan âm thầm phục vụ con gái. Thầy vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc? Có lẽ cả hai, bởi cho nên thầy không nói nhiều, nhưng nhìn con gái ôm con, thầy ánh lên một nét cười trong bóng tối.
Có một người, đó là bà Phán Lan, người đã đón tiếng khóc của cậu con trai đem đặt vào tay chị Nga, không, bà đặt vào tay thầy Hoan trước đã:
-Ông bế cháu tý nào! Thằng chó mới hay làm sao!
Cứ thế bà suýt soa, đến nỗi thầy Hoan cũng cảm thấy "thằng chó" mới hay làm sao. Một ngày hai buổi, bà Phán chạy vào giặt giũ, cơm nước cho chị Nga. Thầy Hoan phải chắp hai tay vào nói với bà:
-Bà để tôi làm, tôi làm được. Ba làm tôi áy náy quá!
-Giời đất ơi! Ông giáo mới là người hay! Chuyện váy máu, đàn ông đàn ang, ai lại dúng tay vào. Ông giáo khỏi phải lo, tôi làm là làm phúc cho con cháu tôi, chứ ân với huệ gì. Nói để ông giáo yên lòng, đời tôi còn chua chát bằng vạn ấy chứ, mà nào có thằng nào con nào cắn gấu váy tôi đâu... Nào! xem thằng chó của bà thức hay ngủ nào?
Cứ thế bà Phán Lan xăng xái với những công việc khá là vất vả và phức tạp. Bà bê chậu quần áo tã lót ra ao Sen ngồi dạng hai chân lên cái cầu đá ngay sát đường đi mà vò, mà vỗ. Bà vỗ rõ to, cứ bồm bộp, bồm bôp... Đó là bà tự hào với việc làm phúc đức, nhưng lại thành ra trêu ngươi thiên hạ. Bà Th., cái bà đàn bà giàu có, có tiếng là hay thóc mách, khích bác, đi qua dĩ nhiên là phải ngứa mồm rồi:
-Ôi giời! Bà Phán đấy à, cứ tưởng ai người thiên hạ! Bà giặt giũ gì mà cứ quần quật thế? Lại có cả tã lót nữa. Con gái hay con dâu "vỡ chum" đấy?
-A à! Bà Th. đấy à? Con cháu gái tôi nó đẻ đấy bà ạ.
-Thế trai hay gái đấy?
-Trai! Trai mới quý chứ lị. Nó lớn lên nó lại vào Nam đánh nhau, chứ nó lại thèm trốn chui trốn nhủi như khối thằng sợ chết ở cái làng ta bà nhỉ...
Bà Phán Lan cười, tiếng cười cứ lanh lảnh, tự nhiên, một mình, đến nỗi chỉ nghe bà cười, người ta cũng phải cười dù chả biết bà cười gì.
Cuộc đời chị Nga của tôi lại tiếp tục rẽ vào một ngõ ngoặt nữa trên con đường đời gập ghềnh đầy những bất trắc. Những ngày đầu tiên nhìn đứa con trai đỏ hỏn, ngọ ngoạy trong đám tã lót, chị không còn biết mình có còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Cứ y như thể một cơn chiêm bao trong giấc ngủ ngày, muốn tránh đi nhưng cứ phải nhìn, muốn mở mắt ra thì lại chói loà, díu lại, muốn vùng dậy chạy đi mà chân tay cứ khòng khoeo, cuốn chặt. Nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng dần dần qua đi. Từng tí một, chị Nga nhận thức được đây là sự thật chứ không phải chiêm bao, mộng mị. Chị ngồi dậy ngắm nhìn đứa con như ngắm nhìn một con thú nhỏ, lạ lẫm. Trên vầng trán xanh xao, thoáng hiện lên những nếp nhăn nghi hoặc ngờ vực... Cái sinh linh nhỏ bé kia nó động đậy, nó mở mắt ra rồi lại nhắm mắt vào, đùn những hạt nhử nhỏ tí màu vang ởn lên bờ đôi mí mắt không lông mày, lông mi và lớp da mỏng tang màu đỏ thẫm của máu. Và, không biết được rằng một giây, một khoảnh khắc vụt đến nào đó, chị Nga nhận ra rằng đó chính là đứa con của mình, nó chính là máu thịt của chị vừa trải qua một cơn đau đớn quằn quại, đau như cắt, như xé, như dứt. Phải rồi, đó chính là cơn đau vặt ngắt một mảng thịt xương đâu đó của con người chị để tạo ra nó. Ôi! Con tôi! Đúng rồi, con của tôi! Chị Nga đờ đẫn nghĩ ra điều đó rồi chị bồng nó lên tay, đưa nhè nhẹ và nước mắt trào ra, lã chã... Khi chị vạch áo tìm vú đưa vào miệng thằng bé, nó vội vàng hau háu cái miệng làm như đói khát lắm, nhưng chỉ vài cái mút nó vội vàng nhè ra để há cái miệng nhỏ xíu toàn lợi ra mà khóc. Chị rất kinh ngạc khi con mình khóc không ra tiếng. Chị cảm thấy nhức dữ dội hai bầu vú căng sữa. Chị đặt thằng con xuống góc chiếu rồi vạch vú quay vào tường vắt mạnh. Những tia sữa màu trắng đục bắn lên vách đất tạo ra hình thù kỳ quái, ngả dần sang màu đen.
Ba ngày sau chị Nga không về nhà, ông Tuân sốt ruột chống gậy ra ngõ ngóng. Một người nào đó ghé vào cho ông biết tin con d6u ông bị ngã xe ngoài đường, được đưa vào nhà bà Phán Lan. Ngày hôm sau, lại có tin cô giáo Nga băng huyết nặng lắm nằng nặc đòi về nhà bố đẻ là ông giáo Hoan. Ông lão Tuân sốt ruột quá, lo lắng quá. Căn nhà vốn đã vắng lặng, giờ càng trở nên đìu hiu. Ở dưới nhà ngang bà Tuân vẫn rên và gọi chị Nga. Khi được ông chồng báo cho biết chịNga bị ngã xe ngoài Ba Hàng, thì bà cắm cảu:
-Dửng mãi mỡ lên, đi đâu ra ngoài ấy để cho nó ngã?
Ông Tuân điên tiết:
-Có câm cái mồm đi không? Đã liệt giường liệt chiếu lại còn hay ác khẩu. Đi đâu à? "Người ta" đi cắt thuốc cho bà đấy! "Người ta" mà có làm sao thì bà cứ liệu cái thần hồn...
-Gớm nhỉ! Ông gọi "người ta" là ai thế? Không khéo lại đội nó lên mà thờ...
-Nằm im đấy! Có đói thì bảo, chứ đừng có mà rống lên như thế. Hai con lợn kêu cũng đủ rồi...
Ông Tuân quay ngoắt lên nhà trên vê thuốc lào. Mấy con gà con bị mẹ bỏ sớm đang tranh nhau nhảy nháo nhác lên vành cối xay, hy vọng vào những hạt thóc lép còn kẹt trong nan cối. Ông vung cánh tay yếu ớt lên xua chúng một cách chiếu lệ rồi móc cái đóm cài trên cánh rại, châm vào ngọn lửa yếu ớt của ngọn đèn con để cả ngày. Thuốc lào bắt lửa, lại được kéo gió mạnh, từ hai lá phổi còn khá tốt của ông lão, rực lên rồi từ đỏ chuyên sang màu trắng của tàn thuốc. Ông lão ngưng lại lấy hơi, rồi đưa cái điếu lên cao ngang mặt, rít một hơi cực mạnh, quyết định của một mồi thuốc. Khói tràn vào ngập ngụa buồng phổi, ở đó chừng một giây rồi lại kéo nhau ra cuồn cuộn, ở cả cái miệng rộng và hai lỗ mũi khoằm. Say! Thuốc lào bao giờ cũng say. Phải say mới là thuốc lào, say đến quên xung quanh, quên cả mình, cả điếu. Rồi tỉnh lại một cách nhanh chóng, nhưng sau say là một tâm trạng tỉnh khác hẳn, mới hẳn, không thật rõ ràng với trước đó, trước khi hút. Ai đã từng hút thuốc lào, chắc hẳn phải có cảm giác như thế.
Đang lơ mơ với khói thuốc, có tiếng con chó hực lên mấy tiếng rồi nhảy cẫng lên rên ư ử. Khách nào nhỉ? Con chó nó cong đuôi lên thế kia, đích thị người quen. Ông vùa tìm chỗ dựa cái điếu vừa ngẩng lên thì đã thấy người đàn bà bước vào. À, con mẹ Diệu.
Chị Diệu mặc quần phíp, áo sơ mi kiểu Hồng Kông, từ ngực trở xuống thẳng đuỗn, tóc rẽ ngôi lệch lưỡi trai. Trông chị đúng là mẫu người cán bộ thời ấy. Chị cũng làm chức gì đấy có chân trong ban lãnh đạo xã bên cạnh. Vừa dựa cái xe đạp vào thành bể nước, giọng chị oang oang:
-Sao bảo thày ốm đau thế nào? Gớm, con cũng bấn quá, nghe tin thấy vậy mà mãi hôm nay mới sang được.
-Vâng! Ông Tuân nói mát. Cả năm nay rồi mà chị mới vác cái mặt sang, giang sơn nhà chồng có bị làm sao không?
Chị Diệu đánh phệt xuống cái chổi rơm, cầm nón ve vẩy:
-Ối dào! Ốm, ốm như u con thì có mà chết người ta. Thế vợ Kỳ nó đi đâu rồi thày?
-Thấy bảo ngã xe đã vài hôm nay nằm bên nhà ông giáo Hoan...
-Khốn khổ, khốn nạn! Đi đâu mà tí tởn thế chả biết. Dễ thường lại tính đi bước nữa chắc?
Ông Tuân ngồi im, toan hút điếu thuốc nữa, nhưng thấy người vẫn còn say say lại thôi. Thấy bố không nói gì, chị Diệu tiếp:
-Ở bên ấy, con nghe người ta đồn về thím ấy nghe rác cả tai ra.
-Đồn thế nào?
-Còn thế nào nữa. Làm đỏm lắm cơ. Mà cái này mới ác mồm, chả biết có thật không?
-Cái gì thật với không thật?
Chị con gái nhỏm dậy ghé sát tai bố:
-Nghe bảo thím ấy... cô ấy chim cả... thày, có không?
Ông Tuân giương cặp mắt khói thuốc lên đờ đẫn nhìn con gái. Mãi sau ông mới buông một câu:
-La...áo...!
Non trưa, ông lão Tuân lọc cọc đẩy cánh cổng tre rệu rạo bước vào sân nhà thầy Hoan. Lúc ấy, đang bấy lại cái bu gà đã bị bung ra một góc, nghe động thầy Hoan ngẩng lên và cảm thấy máu trong người như dồn cục lại đâu đó trên thái dương. Tay vẫn cầm con dao cùn, thầy Hoan đứng dậy chào thông gia:
-Cụ sang chơi?
-Không dám, chào ông giáo!
Nhìn ông Tuân sọm xuống dựa cây gậy sắn vào cột hiên, thầy Hoan chưa nghĩ ra được một câu nào để khả dĩ đánh loãng cái không khí u uất, nặng nề đang đè nặng lên căn nhà ốm yếu, đè lên đôi vai mòn mỏi của thầy. Đến khi ngồi vào cái ghế khập khễnh, thở mấy nhịp ông Tuân lên tiếng:
-Cô Nga làm sao hả ông giáo?
Thầy Hoan bỗng rùng mình một cái như một thầy pháp, nhổm lên nắm tay ông Tuân lôi xồng xộc dậy:
-Mời cụ vào đây...
Ông Tuân không hiểu chuyện gì, định cưỡng lại nhưng vì ông thông gia kéo mạnh quá nên ông cũng phải theo. Hai ông già, lôi kéo nhau lò mò gò lưng chui vào cái cửa buồng tối om. Từ ngoài nắng, ông Tuân đang còn hoa mắt chưa nhìn thấy gì thì thầy Hoan đã vén tấm vải mục che vuông cửa sổ để một luồng sáng vàng bửng rọi vào đống tã lót đang ngọ ngoạy.
-Cái gì thế? Ông Tuân thì thào.
-Cụ vẫn chưa nhìn thấy gì à? Cháu tôi đấy! Thầy Hoan đĩnh đạc.
Ông lão Tuân giương hai mí mắt lên nhìn mà không tin vào mắt mình. Chị Nga giật mình ngồi thu mình vào một gốc chiếu như con mèo thủ thế. Im lặng trôi đi nặng nề.
-Cháu tôi đấy, cụ ạ! Thầy Hoan dõng dạc nhắc lại một lần nữa, tưởng ông Tuân thế nào cũng gầm lên. Nhưng không, ông Tuân cúi xuống nhìn sát vào mặt đứa bé rồi nhìn thẳng vào mặt chị Nga mà hỏi một câu thảng thốt:
-Trai hay gái?
-Trai! Chị Nga buột mồm, còn thầy Hoan thì hoàn toàn bị bất ngờ bởi câu nói khá hỗn của con. Thầy đứng lùi xa một bước nhìn hai người, ông Tuân và chị Nga nhìn nhau. Chợt tim thầy nhói lên đau đớn khiến thầy phải ôm ghì lấy ngực mình. Cơn đau dai dẳng quá, khiến thầy ngã phịch vào cái bao tải đựng sắn khô. Chị Nga vùng dậy ôm lấy thầy mà khóc:
-Bố ơi! Con giết bố rồi...
Cánh đồng lưu lạc- Hoàng Đình Quang phần 4

Cánh đồng lưu lạc- Hoàng Đình Quang phần 4

Anh Kỳ kể:
-Sau khi cưới nhau được già nửa năm, chính xác là sáu tháng với mười sáu ngày, tôi nhập ngũ. Lần này do chính tôi xung phong, có người can ở lại chờ vợ có mang rồi hẵng đi cho chắc chắn có người nối dõi. Nhưng tôi không nghe, bởi thấy nó cứ thế nào ấy. Cậu thấy không? Tất cả dù lý do chính đáng thế nào đi nữa, có hợp lý đến đâu, trong hoàn cảnh ấy đều không hợp tình. Ba tháng huấn luyện ở Phú Bình, vợ tôi có sang thăm hai lần, tôi tranh thủ xin về nhà được một đêm. Sau đó là đi B...
Cậu hỏi chúng tôi có yêu nhau không ư? Về phần tôi thì không cần nói cậu cũng hiểu. Một người con gái như Nga, theo tôi nghĩ, một của hiếm. Không phải tôi tự khen đâu, mà tôi là người hiểu được Nga, yêu Nga. Còn về phần Nga, tôi cũng không biết cô ấy có yêu tôi không? Yêu vì cái gì? Chắc cậu cho rằng đã là vợ chồng rồi, cái tình, còn thêm cái nghĩa, lại còn lục vấn nhau làm gì nữa? Nhưng những lúc gian khổ ác liệt như thế này, bên cạnh nỗi nhớ da diết, tôi cứ hay tự hỏi mình, rồi lại nhủ rằng nếu may mà còn sống trở về, thể nào tôi cũng hỏi Nga câu ấy.
Học hết lớp bảy tôi vào học trường trung cấp nông nghiệp tỉnh. Trường tôi sơ tán gần trường sư phạm chỗ Nga học, chắc cậu biết? Hồi bé tôi cũng là học trò của thầy Hoan, nhưng tôi không biết thầy có cô con gái là Nga. Một lần đi lên trường, tình cờ chúng tôi lại cùng đạp xe trên quãng đường dài và cùng ngồi nghỉ tại cái quán anh Gù ở Lương Sơn, vừa bán nước vừa bán vé xổ số. Hỏi ra mới biết người làng, Nga học năm thứ nhất, còn tôi sắp sửa ra trường. Thế rồi thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau, nhưng không hề có tình ý gì.
Sau khi tốt nghiệp khóa trung cấp cơ khí nông nghiệp, tôi được điều về xã nhà. Rồi Nga cũng về dạy ở xã. Tôi tiến bộ khá nhanh, vào Đảng, vào cấp uỷ rồi phó chủ nhiệm. Mấy lần tuyển quân, tôi đều được đảng uỷ xin hoãn cho ở lại vì lý do công tác và cha mẹ già không ai trông nom. Tôi say mê công tác, trước mắt là cái ghế bí thư xã đoàn đang chờ, cho nên cũng chưa muốn dính vào chuyện vợ con, mặc dù ông bà cụ tôi mong lắm, giục tôi bao lần. Và rồi tôi gặp lại Nga khi đến làm việc với ban lãnh đạo trường cấp II. Nga cũng nhận ra tôi ngày giữa đám đông các vị quan quyền hai bên, chúng tôi cứ như là hai kẻ tri kỷ lâu ngày gặp lại. Tôi đến thăm Nga, khi thì ở trường, khi thì ở nhà. Mỗi lần tôi đến nhà, thầy Hoan tìm cớ ra vườn không rõ là thầy muốn cho chúng tôi được tự do trò chuyện hay thày không thích nói chuyện với tôi? Cứ thế, nửa năm sau tôi đặt vấn đề với Nga:
-Nếu em không chờ đợi ai, anh muốn ngỏ lời lấy em làm vợ?
Tôi nghĩ thế nào Nga cúng phản ứng, hoặc là bùng nổ chối từ, hoặc là e lệ chấp thuận. Nhưng không, Nga thản nhiên cười với tôi:
-Em không chờ ai, không hẹn ai, từ trước đến giờ, và kể cả từ giờ về sau!
Lồng ngực tôi bỗng trống trải và lạnh toát. Rồi sau đó lập tức cơn tự ái bùng lên. Trong một cái làng bé nhỏ như cái làng Sơn Cốt của chúng ta, có biết bao cô gái trông ngóng hy vọng vào tôi, vào một con người vừa khỏe mạnh, sáng sủa, lại có chút ít chúc vụ. Vậy mà một cô giáo cấp hai, đẹp nhưng không sắc nước hương trời, lại không có mẹ, không biết mẹ là ai, dám từ chối lời cầu hôn của tôi? Vậy ra tôi không xứng đáng với cô ấy ư?
Anh Kỳ ngồi dậy, châm một điếu thuốc, rồi im lặng. Tôi dè dặt:
-Em biết!
-Cậu biết gì? Anh ngạc nhiên hỏi tôi.
Tôi định nói: "Em biết chị Nga có một lời nguyền!" nhưng không hiểu sao tôi lại nói lảng:
-Em biết tính chị Nga, ngang bướng từ bé, có lẽ tại được thầy Hoan chiều!
-Không phải! Nga không được chiều chuộng, mà trái lại, cuộc sống của cô ấy khắc khổ từ tuổi thơ, bên cạnh một người cha khắc khổ. May mà cơn tự ái của tôi không bung ra thành lời nói. Tôi cố gắng nghĩ về điều mà Nga vừa nói. Không chờ đợi ai, cũng có thể hiểu rằng không có ai mà chờ! Theo cách hiểu ấy, tôi tự tin hơn:
-Thế nhưng từ hôm nay, em sẽ có người để chờ đợi!
-Anh tự tin quá đấy!
-Anh có được sự tự tin ấy chính là nhờ ở đôi mắt em khuyến khích! Tôi tranh thủ giành thế chủ động. Có thể lý trí bảo em không nên lấy anh, vì anh là người có chức trong xã, sợ mang tiếng là người hám lợi. Nhưng trái tim em, đôi mắt em lại nói điều ngược lại...
Tôi thật sự ngạc nhiên là tại sao lúc đó mình lại nói được những lời có cánh như thế? Có thể là tôi đã đọc được ở đâu đó, để rồi trong phút hoang mang, nó chợt kéo về cứu giúp mình. Quả nhiên Nga im lặng. Tôi liều lĩnh ôm choàng lấy Nga, trong góc khuất của ngọn đèn dầu phòng không, tôi hôn tới tấp vào mặt, vào môi, vào bất kỳ chỗ nào mà tôi đặt môi tới được. Nga vùng vẫy, giẫy giụa một cách tuyệt vọng. Và rồi sau đó, cuối cùng cả hai đứa cùng thở dốc mệt nhoài...
Sau lần ấy, Nga tiếp tục không giữ được mình nữa, cô nói thật với bố. Thầy Hoan im lặng, chỉ đến khi Nga thật sự tuyệt vọng ông mới nói:
-Vợ chồng là cái duyên, cái phận, không ai cản được, và cũng không thể gán ghép, ép buộc. Con đã chọn anh ta thì bố biết nói sao. Chỉ có điều từ nay, coi như bố không còn con, mà con cũng không trông cậy được vào bố. Làm dâu cái đất này là khổ nhục lắm. Vì thế bố thương con...
Cũng may cho Nga là cô ấy là người nhà nước, có gạo, có lương. Lấy nhau rồi, tôi mới biết là Nga cũng yêu tôi...
Anh Kỳ còn nói nhiều chuyện, nhưng tôi không còn nghe được gì nữa. Nỗi buồn cứ chà qua xát lại ở mãi tận đâu đâu trong ngóc ngách tim tôi. May mà anh Kỳ là người tử tế, nhưng vô tâm nên không đem lại hạnh phúc cho chị Nga cuả tôi. Sao anh không biết rằng chị Nga của tôi, nàng Nga yêu dấu của anh, không còn là cô giáo nữa, mà trở thành một nông dân, cái bóng mập mờ trên cánh đồng Lưu Lạc?
Những hạt mưa cuối cùng của mùa mua miền Đông Nam Bộ, làm cho hơi rừng dịu lại. Tôi nhắm mắt thật chặt để tìm giấc ngủ nhưng khó quá. Võng bên kia, anh Kỳ đã ngáy.
Sáng hôm sau, tôi và anh Kỳ, chúng tôi chia tay nhau, hẹn ngày gặp lại ở quê nhà. Nhưng, ngày trở lại làng quê, chỉ còn tôi, mà không có anh Kỳ. Anh đã vĩnh viễn nằm lại ở một góc khuất nào đó trong một khu rừng nguyên sơ của đất nước.
Trong cái đêm hãi hùng ấy, chị Nga đã vật vờ như một bóng ma đẫm người sương lạnh. Chị hầu như không biết mình đang ở đâu, và không nhớ những gì đã xảy ra đêm qua với mình. Mãi gần sáng, có tiếng người giục trâu đâu đó ở phía đồng bãi, chị mới dần dần tỉnh trí lại. Trong bộ quần áo trắng mong manh, đầu tóc rũ rượi, chị lần men theo rìa làng như một kẻ tà gian về nhà. Ở khúc đường ngoặt, một vài người đàn bà đi chợ sớm trông thấy chị đã vội vã nép mình vào bờ rào sợ sệt. Khi chị Nga lướt qua trước mặt họ, chị nghe thấy tiếng các bà hoảng hốt hỏi nhau:
-Ai như cô giáo Nga, con dâu cụ Tuân Kỳ ấy các bà ạ!
-Chắc là phải rồi. Nhưng mà cô ấy đi đâu về sớm thế nhỉ? Lại có vẻ vụng vụng, trộm trộm thế nào ấy!
-Dễ thường cũng mèo mả gà đồng...
-Chớ có nói thế, các bà ạ. Cô giáo Nga là người đứng đắn, nói thế mà phải tội!
-Ối dào, thời buổi loạn lạc, có chính chuyên đứng đắn mãi cũng bằng hoài công. Chứ còn gì nữa, anh con trai cụ Tuân báo tử hồi đầu năm. Rồi cô ấy cũng phải cắp nón mà về nhà mình, may ra còn kiếm được đám nào...
-Tội thân thật đấy! Đang làm cô giáo ăn lương nhà nước mà phải bỏ về cắm mặt xuống bùn, song sóc hai cái thân già nhà chồng. Bây giờ lại góa bụa...
Tiếng kẽo kẹt của đòn gánh, tiếng lộc cộc của thúng mủng cứ nhịp nhàng cùng với nhũng lời bàn tán giăng ca của các bà chợ búa lọt hết vào tai chị Nga. Chị chạy tắt qua dõng ngô vào vườn bằng một đạng rào sau nhà, hụt hơi ngã vật vào cây rơm trong vườn. Hơi ấm từ cây rơm tỏa ra làm chị nóng dần lên và bình tâm trở lại. Chị Nga cứ ngồi như thế và chợp mắt đi một chốc, cho đến khi có tiếng lợn kêu đòi ăn và đám gà trống, gà mái đuổi nhau tứ tán xung quanh cây rơm, chị bừng tỉnh. Phải làm gì bây giờ? Chị uể oải đứng dậy rón rén vào buồng. Căn nhà tối om, không biết ông lão Tuân đang ở đâu? Chị lặng lẽ thay quần áo, cuốn sơ đầu tóc rồi vội vàng xuống bếp bắc nồi cháo cho bà mẹ chồng. Thấy động, bà lão lồm ngồm ngồi dậy, chăn màn vung vãi xuống cả đất:
-Vợ Kỳ đấy à? Sao hôm nay dậy muộn thế?
-Dạ, con hơi mệt! U ăn cháo muối hay cháo đường?
-Cháo muối mãi cũng chán. Nhưng tiền đâu ra mà mua đường hả con?
-Hôm qua anh Sửu ở uỷ ban mới đưa tiền "tử sĩ". Được sáu chục đồng, thày con đang giữ. Nghe thấy hai tiếng "tử sĩ" bà lão lại mếu máo:
-Khổ tôi không hả giời! Tôi bán con tôi được sáu chục bạc thế này à?
-Thôi, u đừng làm ầm lên nữa. Chị Nga hơi gắt, và chính chị cũng ngạc nhiên là sao hôm nay mình lại gắt với mẹ chồng. Chị dịu dọng lại. Con định xin tiền thày mua cho u hai cân đường, còn thì xem may cho u bộ quần áo mới...
Bà mẹ chồng giãy nảy:
-Thôi đi chị ơi! Tôi không ăn đường cát đâu, có mua thì mua cho tôi hai miếng đường phên được rồi. Còn quần áo thì may làm gì, tôi đi đâu mà mặc. Hay là các người định may cho tôi mặc xuống lỗ đấy. Ừ, khéo thường thế thật! Tôi cũng chả muốn sống nữa. Kỳ ơi! Con ơi...
Thực lòng, bà cụ Tuân rất thương chị Nga. Thử hỏi rằng, có ai thương người đàn bà, bằng một người đàn bà. Thuở xưa, chính bà cụ Tuân, lúc còn trẻ, lấy ông lão Tuân cũng là người phải làm dâu gia đình nhà chồng. Lúc ấy, cả bố mẹ chồng bà còn sống. Có ai hiểu được nỗi lòng người con gái làm dâu hơn bà mẹ chồng. Từ tơ mơ sáng bà đã phải dậy băm bèo, đặt nồi cám lợn. Rồi còn phải luộc một nồi khoai lang để cho chồng, anh Tuân ấy, bỏ vài củ vào túi đánh trâu ra đồng. Mà phải làm thật chính xác, thât nhẹ nhàng, bởi vì chỉ cần một tiếng động nhỏ là bị chửi. Không chửi té tát thẳng vào mặt đâu, nhưng bằng những câu nói mát, xỉa xói rất dễ làm người ta bực mình. Cả hai ông bà đều không ngủ được, họ già rồi, họ ngủ chán ra rồi, chính họ cũng biết thế nhưng lại cứ kiếm cớ, đổ cho con dâu "đá thúng, đụng nia", là kẻ gây hấn. Con lợn trong chuồng, nghe động xoong nồi là gầm rít lên, cái giống súc vật là thế. Bà mẹ chồng cũng biết thế, nhưng nào bà có chịu là thế đâu. Trong lúc quờ quạng với cặp mắt nhập nhèm, bà đứng trên hè, giống giả bằng cái giọng khê khê:
-Chị nhiêu ơi, chị nạt cái con lợn toi vật ấy một tiếng cho nó câm mõm nó lại cho tôi nhờ cái nào!
Ấy thế mà một lần, chị nhiêu Tuân cầm cái cặp đùa bếp đập vào cọc chuồng lợn mắng nó:
-Toi vật! Có câm cái mõm lại không nào! Ăn gì vào lúc này mà gầm rít lên thế...
Nào ngờ lúc ấy, bà cụ đang mải miết "tồ tồ" sau gốc chuối, cạnh chuồng lợn. Nghe nàng dâu mắng con lợn, bà cụ đã "mát mẻ":
-Ấy, chị ơi! Cả cửa cả nhà nhà tôi cóp nhặt mới nuôi được nó bằng tưng ấy đấy! Toi mà vật mất nó thì biết trông vào đâu...
Sau này, khi có con, chị Thông, chị Diệu, rồi anh Kỳ lần lượt ra đời, bà Tuân đỡ khổ được đôi phần. Không, bà vẫn khổ, nhưng cái cực khổ có phần "dễ chịu" hơn. Có con, bà bấu víu vào con, không còn chịu cảnh xỉa xói, mát mẻ như trước. Nhưng một nách mấy đứa con thơ, chả bao giờ bà được ăn miếng cơm cho ra miếng. Đến bữa, hai chân cặp con, để cho nó ngồi trước mặt, bà nhắm mắt, nhắm mũi vào mà và lấy, và để, mặc kệ, sắn, khoai, cơm, củ... lộn nhộn, lạo nhạo, miễn là lưng lửng bụng. Để rồi lại quẳng con đấy, lao ra đồng... Gia đình nhà chồng, bà mẹ chồng, "vuốt mặt còn nể mũi", có hành hạ hay dè bỉu con dâu, cũng phải kiêng những đứa cháu nội...
Gia đình ông Tuân là nhà gia giáo, có của, có danh... Một thời xa xưa, chính ông Tuân cũng đã từng giang hồ lưu lạc, theo một bà cô đi buôn bán khắp mấy tỉnh thành. Sau ngày vỡ đồn Tây (tháng Tám năm 1945) ông mới trở về làng. Lúc lấy ông Tuân, người ta đã bảo bà sẽ sướng, và sướng là thế! Nhưng ở cái làng Sơn Cốt của chúng tôi, cái truyền thống đáng nguyền rủa hàng đời, hàng đời nay về sự đầy ải con dâu và sự ăn miếng, trả miếng giữa nàng dâu mẹ chồng đã ăn sâu vào trong tận xương trắng, tủy đỏ rồi, biết đến bao giờ mới gột đi được? Người ta gia giáo ở tận đẩu, tận đâu ấy chứ người đàn bà, nhất là thân phận người đàn bà làm dâu có khi nào được hưởng. Những tưởng là những người đã đau khổ chất chồng bởi cảnh làm dâu rồi thì sau này họ ngồi ghế mẹ chồng, thì "lòng vả cũng như lòng sung", họ phải thương lấy con dâu, nhưng ngờ đâu, họ lại dẫm vào cái dấu chân tai ác ấy như con trâu trên đường lầy, họ cứ nhè những bước của "tiền nhân" mà xử với những người đàn bà có chung số phận. Cứ như thể là trả thù vậy! Không phải ngẫu nhiên mà người ta còn truyền nhau cái câu: mất tiên mua mâm thì đâm cho thủng! Không muốn, họ cũng phải là "kẻ thù truyền kiếp" của nhau!
Thế hóa nên, bà lão Tuân có thương chị Nga thật đấy, nhưng cái miệng bà lúc nào cũng oai oái, làm như mọi tội lỗi bà phải mang, mọi tai ương bà phải gánh đều do chị Nga của tôi đem lại.
Chị Nga đặt nồi cháo xong, múc cám chăn lợn. Chị đứng hồi lâu ở chuồng lợn, vừa cho nó ăn vừa gãi gãi trên cái bờ gáy rậm rịt những sợi lông cứng của nó. Con lợn im lặng, thỉnh thoảng nó lại hặc mõm về một bên như đứa trẻ hờn. Trong nhà này nó cho chị là người chủ thân thiết, và rồi chị Nga cũng coi nó như người bạn. Đôi khi công việc ngập chân tay, nhưng chị vẫn dành cho nó vài phút. Những lúc ấy, chị cảm thấy chính nó mới là nguồn an ủi của chị.
Phục vụ bà mẹ chồng xong, chị Nga lên nhà trên, không thấy ông lão Tuân đâu, chị vào buồng chải đầu và cẩn thận chít vành khăn trắng lên mái tóc đã bắt đầu cứng, có rất nhiều sợi chẻ ra làm hai, làm ba... dắt xe đạp ra cổng. Chị lưỡng lự giây lát rồi dựa xe vào bờ rào, quay vào nói với mẹ chồng:
-Thầy con không có nhà, con về bên bố con một chốc, u ạ!
-Ừ. Liệu mà về sơm sớm cơm nước con nhá. Giọng bà lão ngọt ngào một cách lạ thường, khiến chị Nga lấy làm ngạc nhiên.
Ra đường, tiếng lách tách của chiếc líp xe làm chị thấy vui vui. Ừ, chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất, món kỉ vật mà người ta dành cho thầy Hoan, trước khi thầy nghỉ hưu, là quà tặng của thầy cho chị Nga, và đến khi chị lấy chồng, thì nó là của hồi môn rất đáng giá của thầy dành cho con gái. Chị vừa nghĩ ngợi lung tung, vừa phải tránh những vũng nước ổ gà và những hòn đá cuội "nhẵn như đầu ông sư" rải rác trên mạt đường. Một toán học sinh đi học về, đứng nép vào một bên, chúng thay nhau nhao nhao "Em chào cô ạ!". Chị Nga cười với chúng bằng nụ cười thật chua chát. Em chào cô ạ! Cô nào? Chị đã bao nhiêu lần nói với chúng rằng, chúng không phải chào chị nữa, và nhất là đừng "chào cô giáo" nữa, nhưng chúng không nghe! Liệu chúng có thật lòng không hay là chúng cố tình châm vào nỗi đau của chị? Và cũng rất có thể là chúng làm theo lời xui bẩy của một ai đó? Chao ơi, nếu thế thì thật là độc ác!
Chị Nga đạp xe về, không thấy bố trong nhà, chị gọi to:
-Bố ơi!
Có tiếng động phía bờ ao, thầy Hoan xắn quần quá đầu gối, tay cầm con dao đi lên:
-Nga đã về đấy hả con?
Chị Nga chỉ chờ có thế, gục đầu vào vai bố khóc nức nở. Thầy Hoan dìu con vào nhà, đặt chị xuống mép ghế rồi vỗ vỗ vào mái tóc có chít vành khăn trắng. Hai bố con chị Nga cứ ngồi như thế bên nhau có tới hàng giờ lâu. Thầy Hoan gỡ tay con gái ra khỏi vai áo mình, nói nhỏ:
-Nín đi con! Chiến tranh...
-Con khổ quá, bố ơi!
-Bố hiểu! Bố hiểu con gái. Mọi sự đã được sắp bày cả rồi, biết phải làm sao!
Chị Nga gạt những sợi tóc mai nhòe đẫm nước mắt, nhìn bố cầu khẩn:
-Bố hãy cho con một lời khuyên!
Thầy Hoan vân vê que đóm châm thuốc trong tay, ngẩn ngơ nhìn vào khoảng nắng ngoài vườn. Que đóm cháy leo đến đầu ngón tay khiến thầy giật mình, dụi nó vào bát điếu. Ngoài kia, xa xôi lắm ở tận nơi nào đó của làng quê, tiếng người gọi nhau nghe thật hối hả. Xa nữa là tiếng ầm ì của máy bay, không biết của ta hay của địch mà sao thanh bình làm vậy?
-Bố chỉ có mình con, nhưng bố đã không giữ được con bên mình. Điều này làm bố ân hận quá. Lại càng đau lòng hơn khi nhìn thấy con rơi vào hoàn cảnh éo le mà bất lực. Con hãy tha tội cho bố. Thầy Hoan khóc. Và mẹ con nữa, hãy tha tội cho ta... Lời khuyên của bố ư? Bố chỉ biết nói với con rằng: nếu con nhận thấy điều gì đúng thì con cứ làm!
Chị Nga nắm chặt những ngón tay gầy guộc của bố, ngước lên:
-Con biết bố muốn con phải làm gì rồi. Nhưng...
-Nhưng sao hả con gái?
-Thôi, bố cứ yên tâm. Bố hãy kể về mẹ cho con nghe đi!
Thầy Hoan nhìn con gái, ngạc nhiên:
-Bố đã kể rồi mà!
-Bố cứ kể lại cho con nghe, xin bố hãy kể hết, và đừng giấu con điều gì. Nhất là về cái chết của mẹ...
Thầy Hoan thở dài nhượng bộ:
-Thôi được, bố sẽ nói cho con biết. Sau khi sinh con ra được hai mươi ba ngày, mẹ con qua đời. Đúng là không phải mẹ con chết vì bệnh hậu sản như bố đã nói với con...
-Vậy thì vì cái gì hả bố?
-Chính vì lưỡi dao của ông ngoại con, cha của mẹ con!
Chị Nga rùng mình ôm chặt lấy đầu gối bố, đôi mắt nhắm nghiền, giọng thoang thoảng:
-Kinh khủng quá! Thầy Hoan tiếp tục nói như nói cho chính mình nghe. Ngày ấy bố và mẹ con phải lòng nhau, nhưng không được ông ngoại con đồng ý. Vì bố là người xa lạ, tứ cố vô thân, hơn nữa lại là người lính, rày đây mai đó, sống chết khôn lường. Nhưng tình yêu đã làm hai người mù quáng, mẹ con đã mang hình hài của con trong bụng. Gần đến ngày sinh con, mẹ con đã tìm bố. Rồi chúng ta đưa nhau vào một cánh rừng, bố dựng lên một cái lán nhỏ. Ở nơi ấy con đã cất tiếng khóc chào đời. Hai mươi ba ngày sau, khi bố đi vắng, lúc trở về, thấy mẹ con đã nằm bên vũng máu còn con thì giãy đạp bên cạnh, người cũng đỏ lòe máu tươi. Lúc ấy mẹ con chỉ còn thều thào:
-Hãy đưa con đi khỏi nơi này! Đừng oán giận cha em, ông đã tuyệt vọng vì đứa con duy nhất!
Sau khi chôn mẹ con, bố nghe tin ông ngoại cũng đã tự tử. Bố bồng con đến trước mộ ông ngoại, nói lời vĩnh biệt rồi ôm con ra đi.
Hai bố con chị Nga cùng ngồi bất động hồi lâu. Nắng đã lùi xa khỏi thềm nhà, mùi ngải cứu trên đầu giường thầy Hoan tỏa ra hăng hăng. cho đến lúc chị Nga lay bố:
-Bố ơi! sao bố không xử con như ông ngoại đã xử với mẹ?
-Không! Không bao giờ rồ dại lặp lại những điều bi đát!
-Nhưng lại có những bi đát khác?
Thầy Hoan xoa đầu con gái:
-Đúng là có những cái bi kịch khác nhau mà chúng ta khó tránh khỏi. Nhưng bố tin rằng rồi thế nào cũng phải có một lối thoát. Thôi trưa rồi, con có ở lại ăn cơm với bố không?
-Con phải đi thôi bố ạ!
Khi chị Nga sắp nón dẫn xe ra cổng, thầy Hoan đưa cho chị cái gói nhỏ, buộc lỏng lẻo:
-Bố có cân đường, tiêu chuẩn hưu, con cầm lấy mà uống nước...
-Con xin bố! Con thương bố quá! Thôi, con đi đây!
Chị Nga dựa xe đạp, khẽ đẩy dịch bức liếp, lách người vào nhà. Từ ngoài nắng vào trong mát, mắt chị hoa lên, chưa nhìn rõ mọi vật trong nhàvừa trống trải vừa ẩm thấp. Chợt chị nghe có tiếng động mạnh như người giãy đạp và tiếng người nghẹt thở. Thoạt đầu chị tưởng tiếng con lợn đánh hơi thấy chị về, nhưng không phải. Chị hốt hoảng nhận thấy cả mấy cái duổi nhà cùng rung lên. Có chuyện không lành rồi! Chị Nga lao vào buồng, nơi vẫn để thóc, sắn khô, nồi thau đồng, và một cảnh tượng kinh hoàng đã hiện ra trước mắt chị: một thây người gầy rạc đang treo lủng lẳng trên quá giang nhà. Chị Nga vội quay ra giật phắt cái liềm cắt lúa vẫn gài trên mái gianh từ sau vụ gặt, nhảy vào trèo lên bồ thóc, một tay đu người trên mái nhà, tay kia chị ngoặc cái liềm vào sợi dây ra sức cứa. Sợi dây đứt, cái thân người đổ uỵch xuống nền buồng. Đó là ông lão Tuân! Chị Nga cởi mạnh cái nút dây thừng rồi bế thốc ông lão đặt lên giường. Toàn thân ông lão hãy còn nóng, chị Nga nghiêng người ghé tai lên ngực nạn nhân. Chị im lặng đứng dậy: tim hãy còn đập! Chị Nga tìm cái quạt nan quạt mạnh lên mặt ông lão Tuân, rồi chị lấy hai đầu ngón tay cái day mạnh hai bên thái dương. Được một lúc, có tiếng thở khò khè của ông. Như sực nhớ ra, chị đứng dậy lấy trong cái túi của mình ra gói đường bọc trong giấy báo mà ông bố mới cho, tìm cái cốc thủy tinh sứt sẹo, pha một cốc nước đường, nâng đầu bố chồng dậy, kề cốc nước vào miệng. Tất cả những động tác, những việc làm của chị Nga chính xác, khéo léo diễn ra dưới vẻ mặt lạnh lùng, bình thản, tựa như một bác sĩ đang làm chức trách của mình. Và khi thấy sức lực ông lão Tuân dần dần lấy lại, chị ánh lên một nét cười trên vành môi của người vừa hoàn thành một công trình sáng tạo.
Ông lão Tuân mấp máy môi, uống từng ngụm nhỏ. Bỗng, lão nấc một tiếng dựng người lên, rồi nôn thốc tháo ra tay chị Nga. Một dòng nước đỏ lòm trào ra miệng lão, nghiêng xuống cái ngấn cổ nhăn nheo đang bắt đầu sưng vù lên.
Nghe tin ông lão Tuân ốm, bà con đến thăm chật nhà, không kém gì cái ngày báo tử anh Kỳ. Ông Tuân ngồi dựa vào thành giường, chùm chăn kín đôi chân đến ngang bụng, cổ quấn cái khăn phu-la màu gụ, thở khò khè, không nói được hỉ gật đầu đáp lễ những người đến thăm. Chị Nga tất tưởi chạy lên nhà trên xuống nhà ngang, nơi hai ông bà bố mẹ chồng đang cùng nằm liệt chiếu. Đun nước, chào đón khách, một tiếng rên nho nhỏ ở phía nào chị cũng phải có mặt.
-Chị Kỳ này, chết thật, làm sao mà để cụ đêm hôm một mình không trông nom, đến nỗi này? Một bà thím họ xa, ăn trầu cắn chỉ, trề đôi môi mỏng ra chành chẻ.
Chị Nga cúi nhìn vạt áo, rơm rớm nước mắt:
-Thưa thím, tại cháu sơ ý!
-Ừ, lần sau nhớ cẩn thận đấy, các cụ già yếu, lại cô đơn một mình một bóng, con cái đứa lấy chồng thiên hạ, đứa hy sinh ngoài mặt trận. Tất cả đều trông vào chị thôi đấy!
-Vâng ạ!
Rồi chị tất bật đi ra, từ non trưa đến chiều tối, mãi đến quá khuya, chị mới được ngả lưng. Đặt mình nằm xuống cái giường chị lại giật thót người, chỉ muốn vùng dậy phóng ra ngoài. Có đêm, chị như người lẩn thẩn, vùng dậy chạy vào bếp vục cám cho lợn ăn. Con lợn bị đánh thức ngái ngủ dụi dụi cái mõm vào tay chị, rồi uể oải xốc cám. Nó hình như cũng muốn chiều chị mà ăn, còn chị, hàng giờ liền ngồi vừa vun cám cho nó ăn, vừa gãi gãi trên cái bờm có những sợi lông thưa và cứng của nó. Hai hôm sau ngày ông lão Tuân ốm, một vị đại diện thường trực uỷ ban xã đến thăm. Tiếng ông ta oang oang, rõ ra là tiếng cười nói của người đắc chí từ ngoài đầu ngõ:
-Thế nào? Cô giáo Nga đâu? Cụ nhà mỏi thế nào?
Chị Nga lật đật chạy ra, tay cầm cành rong đuổi chó:
-Bác lại chơi!Ấy chết bác đừng gọi em là "cô giáo" nữa. Em có còn dạy dỗ gì nữa đâu ạ...
-Ừ hừ! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, cô là cô giáo thì chúng tôi mới dám gọi. Như ông Bếp Hồng ở ta đấy, cô có biết không? Ông ấy đi lính cho Pháp làm đến chức "bếp", về làng đã lâu, mà ai cũng gọi là ông Bếp Hồng đấy thây!
-Người ta khác, em khác. Xin bác cứ gọi em là Nga thôi ạ!
-Ừ, thế cũng được. Cụ nhà nằm đâu?
-Mời bác vào, ông cụ nhà em ở trên nhà trên.
Ông thường trực uỷ ban gạt cái chân trống xe đạp phượng hoàng đứng giữa sân, úp cái mũ cối bộ đội lên ghi- đông rồi vào nhà:
-Chào cụ! Nghe tin cụ mỏi, anh em trên uỷ ban cử tôi đến thăm cụ đây!
Ông lão dọ dạy ngồi nhớm lên, hướng đôi mắt lo âu về phía khách, môi mấp máy không thành tiếng.
-Cụ cứ nằm nghỉ, không sao! Ông khách ghé ngồi vào một bên thành giường. Chết thật, bệnh tình thế này mà không chạy chữa là khốn. Hay để tôi bảo cô Sáu trên trạm xá xuống khám cho cụ nhá?
Ông Tuân bất ngờ rút tay ra gỏi chăn, huơ huơ ra chiều không đồng ý. Thình lình cái khăn phu-la trên cổ tụt xuống, làm lão hoảng hốt, kéo vội nó lên. Vừa lúc ấy chị Nga cũng từ nhà ngang đi lên:
-Thày! Thày làm sao thế?
-Cổ cụ làm sao mà tím bầm lên thế, hả cô giáo?
Ông lão Tuân cố hết sức bình sinh:
-Đá...nh gio... ó...!
-Gió à? Ông khách cười. Ừ, dạo này gió lạnh về đêm, đi ra ngoài lại có tuổi như cụ, hay bị cảm lắm đấy. Phải không cô giáo?
-Dạ, bác nói phải ạ!
-Thôi thế này, uỷ ban có cân đường gọi là chút quà thăm nom, gửi cụ uống nước. Ông lục túi áo đại cán lấy ra cái gói nhỏ. Còn đây là của tôi, lạng mỹ chính Việt Trì hôm đi tập huấn nông nghiệp ngoài huyện được mua. Cô giáo cầm lấy, thỉnh thoảng cho vào cháo cho cụ ăn...
-Vâng, em xin bác, cám ơn bác và các bác"ngoài" uỷ ban!
-Cụ nằm nghỉ, chịu khó ăn vào cho khoẻ. Tôi phải đi sang Thống Hạ xem mạ mon thế nào đây. Đấy, lại còn phải liên hệ cho nhà trường Đại học gì ấy, ở Hà Nội về sơ tán. Gớm, sau cái thằng Giôn-xơn, đến cái thằng Ních-sơn này nó còn ác liệt lắm đây! Mẹ cha chúng nó! Nhà ta còn hầm chứ?
-Dạ còn ạ!
-Ừ. Thôi chào cụ, chào cô giáo, à tôi cứ hay quen mồm, chào chị Kỳ!
-Vâng, bác lại nhà!
Rồi khách khứa cũng thưa dần, nhưng cái dấu dây thừng trên cổ ông lão vẫn còn bầm tím khá lâu. Cho đến khi ông lão Tuân đã đứng dậy đi lại được trong nhà, trên cổ ông vẫn xù xù cái khăn phu-la. May mắn cho ông lão Tuân, cho cả mình nữa, chị Nga thầm nhủ, nó là cái sợi chạc trâu bằng dây nâu đã ải lại cứng chứ mềm như sợi vải thì chắc chả kịp. Phải tay mình, chị Nga cười, mình sẽ tìm một sợi lụa trắng, phải rồi, sợi lụa bạch để ra đi cho thanh sạch!
Khi ông lão khỏi hẳn, trong lúc chỉ còn hai người cần phải nói với nhau điều gì, chỉ có chị Nga lên tiếng trước.
Cánh đồng lưu lạc-Hoàng Đình Quang phần 3

Cánh đồng lưu lạc-Hoàng Đình Quang phần 3

Trở lại phần đầu câu chuyện, tôi có kể là lúc tôi ở chiến trường ra, thăm thầy Hoan thầy ở một mình.
-Tôi mới nhận sổ hưu được mấy tháng nay. Định cải tạo cái vườn trồng ít quất hồng bì và hồng xiêm. Cô Nga cô ấy xin đâu được hai cây giống, tôi mới trồng góc kia...
-Thế còn cây si, cây si to thế bây giờ đâu rồi ạ?
-Cây si ấy đáng lẽ là của tôi, nó mọc trên đất tôi. Nhưng người ta bảo của xã. Thế rối tự dưng nó héo cành, úa lá, rụng xuống đen thâm cả nước ao. Họ chặt năm ngoái rồi!
Tôi nao nao nuối tiếc về những kỷ niệm tuổi ấu thơ cuả mình. Cái gốc si già tua tủa những chùm rễ, như một bộ râu con quái vật. Khi tôi còn bé độ sáu bẩy tuổi, mẹ tôi thường "quẳng" tôi sang nhà chị Nga để mẹ đi làm đồng. Những lúc ấy, khi tôi khóc đòi mẹ thì chị Nga trèo lên cây si, vạch một chùm rễ, ngó xuống ao.Ở đấy hiện ra cái gì?
-Có nàng tiên con gái vua Thủy Tề, em biết không?
-Có giống Nàng Tiên trong câu chuyện bác Hoan kể không hả chị?
-Giống! Nhưng cơ mà đẹp hơn nhiều.
-Cho em xem với! Tôi nhõng nhẽo.
-Lên đây! Chị gọi tôi và đưa bàn tay ra vẫy vẫy.
Tôi trèo lên nhìn theo chị. Nhưng tôi đâu có thấy Nàng Tiên:
-Tiên đâu chị Nga?
-Kia kìa!
Tôi chỉ thấy bóng chị Nga, một cô bé mười ba tuổi, gầy và xanh. Một trái si rụng xuống làm lan những vòng sóng. Bóng chị Nga lung linh, lung linh... tỏa sáng dưới ánh nắng trưa lọt qua vòm lá si xanh ngắt. Và tôi òa khóc!
Câu chuyện về một người con gái đẹp vì thất tình nên phải tự tử dưới gốc si già này. Cái chết oan khiên và tức tưởi của cô làm cô không nguôi nhớ trần gian. Thỉnh thoảng cô vẫn hiện về với khuôn mặt sưng vù, đỏ rực hận tình. Cũng có khi cô hiện ra an ủi những nỗi buồn, những ước mơ bị tan vỡ của ai đó. Câu chuyện do nhiều thế hệ thêu dệt đã làm cho trái tim non nớt của tôi hốt hoảng. Nhiều năm sau này, khi lớn lên, tôi vẫn còn nhớ mãi khuôn mặt chị Nga hôm ấy... xanh xao, yếu ớt và thật bí hiểm. Và nếu quả là tương truyền có thật, vong hồn người thiếu nữ chết yểu kia bây giờ trú ngụ nơi đâu?
Chị Nga lấy chồng rồi vẫn vừa đi dạy học, vừa làm dâu. Nửa năm sau anh Kỳ cũng nhập ngũ. Thế là gia đình nhà ông lão Tuân bắt chị phải nghỉ dạy để ở nhà làm ruộng, trông nom bố mẹ chồng. Chị Nga im lặng, không cãi lại, hoặc phân bua nửa lời, âm thầm về làm người nông dân. Công việc đồng áng đã làm chị sụm xuống, đôi mắt lúc nào cũng nhìn xuống bàn chân, hoặc có khi ngó mã đâu đâu, xa xôi, hy vọng và cả tuyệt vọng. Ai cũng bảo chi đang thương nhớ chồng.
Tuy là người cùng làng nhưng khi còn ở nhà tôi không biết nhiều về gia đình anh Kỳ. Chỉ biết nhà anh có ba chị em, hai chị gái lấy chồng thiên hạ. Anh Kỳ là con trai một nhưng không phải duy nhất, nên tuy không thuộc diện miễn bộ đội nhưng mấy năm qua anh cũng thuộc diện tạm hoãn. Thời loạn ly, trai tráng ra trận hết, những người còn lại trong thôn chỉ toàn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con... anh Kỳ nổi lên như một nhân vật quan trọng của địa phương chúng tôi. Anh là phó chủ nhiệm hợp tác xã, là bí thư chi bộ. Lần này, sau khi cưới vợ, anh xung phong một cách quyết liệt vào bộ đội. Oái oăm thay, và cũng tủi phận thay, anh Kỳ hy sinh ở chiến trường Tây Ninh sau một năm thì có giấy báo tử về làng. Đáng lẽ như bao nhiêu người phụ nữ làng tôi, nước tôi, chị Nga đã lặng lẽ sống một cuộc đời chinh phụ góa bụa, an phận thủ tiết. Trong đời người, giông gió như thế là quá đủ lắm rồi, nhưng... vào một đêm thu, trăng già, gió nhẹ thôi nhưng rất lạnh, heo may lãng đãng, số phận lại khoác vào chị một lần cay nghiệt nữa...
Tôi tiếc là không biết chuyện tình yêu giữa chị Nga và Anh Kỳ ra sao. Có nhiều lúc tôi cứ tự hỏi hai người này có yêu nhau không nhỉ? Hai con người xa lạ thế, khác nhau là thế làm sao mà đồng điệu, mà hòa hợp được? Hay là có ai bắt, ai ép? Tôi thì nghĩ rằng thầy Hoan chẳng bao giờ ép con gái trong chuyện chồng con. Sau lần chia tay với chị Nga hôm đám cưới chị, tôi đi một mạch thẳng vào chiến trường, chị em không còn lúc nào để nói chuyện với nhau.
Sau khi có tin chồng hy sinh, chị Nga cũng không buồn hơn. Người ta chỉ thấy chị im lặng hơn và lơ đãng hơn. Chị đem tất cả những vật kỷ niệm của anh Kỳ gói vào một cái bọc nhỏ kê dưới đầu giường. Giấc ngủ mong manh của chị luôn bị đánh thức bởi những nỗi niềm. Có nhiều đêm chị thức trắng nghĩ ngợi về số phận của mình. Vào một đêm như thế, trăng già méo mó và lơ lửng trên cành xoan trước cửa buồng chị. Xa vắng đâu đó ngoài đồng bãi tiếng chó cắn ma từng chặp, từng chặp rộ lên. Chị Nga nằm quay mặt vào vách và từ từ chợp mắt. Bỗng chị cảm thấy có hơi thở lạ trong buồng. Chị rùng mình, co cứng người không dám ngoảnh lại. Hương hồn anh Kỳ, chồng chị trở về! Chị tin là thế. Chị tin là người ta có những ràng buộc với nhau, không chỉ một cõi nhân gian chật hẹp trong cái làng Sơn Cốt của chị, mà cả cõi đời này, đã nợ nần nhau dù một ngày cũng thành tình, thành nghĩa. Miệng chị khô đắng và cái nóng âm ỉ từ đâu chảy về. Nó bắt đầu từ trong sâu thẳm của ruột gan, rồi lan tỏa ra khắp cơ thể. Đây không phải là lần đầu tiên chị có cái cảm giác ấy. Càng về sau, nhất là từ khi anh Kỳ có giấy báo tử, chị Nga càng có những giây phút lạ lùng như thế này. Chị cố nằm im, nhắm chặt hai mắt, mà để cho lòng dạ trôi nổi về mãi tận những miền ký ức xa xăm. Nhưng hôm nay, hơi thở lạ càng như có thật chứ không phải mơ hồ do chị tưởng ra. Chị từ từ mở mắt và trong ánh trăng héo hắt chiếu lên vách đất, một cái bóng to lớn, chập chờn, và im lặng như đang nhìn xoáy vào cơ thể chị. Chị vùng dậy và hét lên một tiếng kinh sợ. Cái bóng giật mình lùi lại, thều thào:
-Thầy đây mà... vợ Kỳ! Thầy đơ..ây!... Đó là cái bóng của ông lão Tuân, bố chồng chị.
Thoát khỏi cái cảm giác hãi hùng, chị Nga rơi nhanh chóng vào tâm trạng thất vọng. Chị lần tay lên đầu giường lần tìm bao diêm. Không biết có phải do vội vã cuống quýt hay không mà chị không thấy cái bao diêm đâu, chị đụng phải cái gói chất đầy kỷ niệm của chồng. Tiếng động loạt xoạt làm ông lão Tuân lo lắng.:
- Con ơi!... Con làm gì thế?...
Tìm thấy cái hộp vuông vuông hăng hắc mùi lưu huỳnh, chị Nga như muốn hụt hơi:
-Con tìm bao diêm để thắp đèn.
-Đừng! Con ơi, thầy muốn nói chuyện với con trong ánh trăng như thế này!
Tự dưng cái cảm giác ghê rợn tràn đến, ào ào, lũ lượt, như một đàn lươn, đàn trạch, nhớt nhát, tanh tưởi. Ngày thường chị Nga một mực tỏ ra cung kính, không bao giờ trò chuyện tay đôi với bố chồng. Chỉ một lần duy nhất, là sau hôm báo tử anh Kỳ một vài ngày, chị xin phép được nói với ông:
-Từ ngày con về làm đau thày u, xin thày cho con biết con có điều gì không phải với thày u, với các anh các chị, bên nội, bên ngoại nhà chồng con không?
Ông Tuân kinh ngạc nhìn con dâu:
-Chết! Sao con lại hỏi thày câu ấy? Hay là...
Ông lão bỏ lửng câu nói. Chị Nga ngước cặp mắt buồn bã trống rỗng lên nhìn ông lão:
-Không! Con mất chồng, con đau một, thầy u mất con thày u đau mười. Nay con đã thành người góa bụa, con không dám trách ai. Con muốn hỏi thày câu ấy, để thày chỉ bảo cho con sống nốt những ngày làm dâu con trong nhà.
Ông lão Tuân thẫn thờ:
-Thôi thì cái số thằng Kỳ nó mỏng. Khổ thân con, khổ thân thày. Người ta có năm có mười thì lành, thày chỉ có một, lại vỡ...
Ông lão Tuân khóc nấc lên thành tiếng, tiếng khóc của một người đàn ông, lại đã có tuổi, từng trải, nghe nó não lòng hơn nhiều lần những tiếng khóc khác. Hai người, ông lão Tuân và chị Nga, hai bố con hai thế hệ, nhưng có cùng nỗi đau mất người thân. Chính chị Nga, cũng cảm thấy bấy lâu nay mình chỉ cung cúc tận tụy làm người phục dịch trong nhà. Chị chưa hề cởi mở tấm lòng mình. Sau nỗi mất mát này, chị thấy mình cần phải làm cho mọi thành viên nhích lại gần nhau, kết nối với nhau thành một cái mảng, phập phù trong những tháng ngày giông bão. Chính vì thế, mới có cuộc trò chuyện, và tiếng hờ thảm thiết của ông lão Tuân. Chị Nga ngồi hai tay đặt trong lòng đầy an phận im lặng chờ cho bố chồng bớt tiếng khóc. Mà sao chị không khóc nhỉ? Chị đã khóc một mình, đã cạn nước mắt. Chị không chỉ khóc về phận mất chồng, mà chị còn khóc cho những cái khác, mờ mịt hơn ở mãi tận đâu đâu mà chính chị cũng không tể nào biết được. Mãi lúc sau chị lên tiếng:
-Thôi, thày ạ. Khóc cũng chả làm cho anh ấy trở về được nữa. Con chỉ nghĩ thương u...
-Thày hỏi con câu này, là hỏi vậy thôi, chứ thày không có ý gì đâu. Với lại chỉ nghe thiên hạ họ giăng ca...
Chị Nga cúi xuống nhìn vạt áo:
-Người ta đồn sao ạ, xin thày cứ nói?
-Người ta bảo, có lẽ con... đi bước nữa?
-Ai mà ác mồm thế?
Ông lão Tuân gần như reo lên:
-Thế không phải hả con?
-Lạy thày, con không phải là người ăn ở hai lòng. Tuy con không có mẹ, bố con một mình gà trống nuôi con, nhưng là nuôi dạy của người có chút ít chữ nghĩa. Con về làm dâu thày mẹ, sống là người trong nhà, chết làm ma trong họ, nếu thày u còn thương, còn coi con là con.
Ông lão Tuân lại quay đi ngậm ngùi:
-Thôi người ta nói mất con, còn rể, nhưng thày còn có phúc, mất con trai, còn con dâu.
Ông lão Tuân là người từng trải, con người quắc thước. Ở vào tuổi ngoài ngũ tuần, sự tráng kiện đã phôi phai, có phần tàn lụi, nhưng sức vóc vẫn còn mạnh mẽ. Bà mẹ chồng, sau cái tin con trai hy sinh bà nằm liệt giường ngay. Mọi sự ăn uống, vệ sinh, tắm giặt... đều tại một chỗ, đến nỗi, ông Tuân phải thu xếp một góc nhỏ dưới nhà ngang, cho bà nằm. Công việc đồng áng của chị Nga vốn đã chất ngất, giờ lại thêm bà mẹ chồng, làm cho chị phải luôn chân tay, đầu tắt mặt tối.
-Con xin thày, có chuyện gì để mai hãy nói.
-Con ạ, thầy nghĩ mãi rồi, thày phải nói với con ngay bây giờ! Con ơi! Vợ Kỳ ơi, thương thày với...
Tiếng ông lão Tuân chìm hẳn xuống, lạc đi mãi đâu đâu. Nhưng nghe ra, có một cái gì nữa, như thể tiếng rạ rơm quẹt vào vách nứa. Nói xong câu này, lão Tuân ghé ngồi vào giường con dâu. Chị Nga thừa thông minh để đoán biết, nếu như trong tình huống khác. Đằng này ông lão cứ lào phào, rõ ràng ông kiệt sức lắm rồi. Tuy thế, chị cũng ngồi lui vào tận góc giường. Cảm giác lạnh buốt đâu đó trong người chạy ra bủa lấy hai bàn tay chị:
-Thày ơi, đêm hôm khuya khoắt này, thày làm thế này, con thấy...
-Con ngồi lại đây, ngồi lên cho thày lạy, rồi thày mới dám xin con...
-Đừng! Con van thày!
Trong bóng tối lờ mờ, ông lão Tuân quỳ sụp xuống vái liền mấy cái. Chị Nga cắn chặt hai hàm răng lạnh vào nhau, run bần bật. Chị muốn đứng dậy nhưng không nổi. Chị muốn òa khóc, nhưng không mở miệng ra được. Ông lão lạy con dâu xong thì chồm tới phía trước, hai tay ông quờ quạng và túm được một bên ống quần chị Nga:
-Thương thày với, con ơi!
Chị Nga run rẩy cố đẩy ông bố chồng ra, nhưng ông lão Tuân đã úp mặt vào chân chị:
-Thày xin con, Nga ơi! Thằng Kỳ chết đi, giòng họ Trần nhà thày thế là tuyệt tự. Phải chi, trước lúc nó ra trận, con giữ lại cho nó, cho thày, cho giòng họ này một hòn máu. Hu... hu...!
Chị Nga đau đớn lắc đầu trong bóng sáng từ cửa sổ hắt vào của quầng thái âm nhợt nhạt:
-Con không biết làm thế nào. Không biết có phải lỗi tại con không?
-Không! Con không có lỗi. Con thương ta, cho ta một đứa cháu, một đứa con nối dõi...
Chị Nga càng lắc đầu tuyệt vọng:
-Nhưng con đã không làm được như thế. Thày bảo phải làm sao?
Ông lão ngẩng lên, một khuôn mặt đẫm nước mắt hòa trộn vào ánh trăng đã vào hồi thiếu sáng:
-Được chứ! Con bằng lòng cho thày nhá, cho thày một đứa con. Một đứa con thay vào chỗ thằng Kỳ, vào chỗ con thằng Kỳ!
-Không! Không! Khô... ông...
Chị Nga thét lên bằng những cung bậc khác nhau, nghe như tiếng rít lên phẫn uất của cây đàn mà người nhạc công tạo hóa vuốt ngược sợi dây định mệnh. Hai chân chị co lại, giãy giụa như đứa trẻ hờn dỗi. Ông lão Tuân chồm tới, bằng một sức mạnh cuối cùng của lòng quyết tâm cao độ và của sự khát thèm thôi thúc. Tự dưng chị Nga im lặng, thở dốc, những giọt nước mắt đắng cay tứa ra. Ông bố chồng cảm thấy một sự thỏa hiệp ở phía người đàn bà đang vào độ mặn mà phì nhiêu mà phải héo hon dần theo thời gian cay nghiệt. Ông van vỉ con dâu:
-Nhá! Nga ơi, con hãy thương thày với... Không ai biết chuyện này đâu!
Bất thần, chị Nga vùng dậy xô ông lão ngã lăn ra giữa nền buồng. Rồi như không nhìn thấy gì, chị nhắm mắt lao ra phía cửa và cứ thế, nhằm hướng cánh đồng Lưu Lạc mà chạy. Dưới chân chị, đất đợi ải vỡ ra lạo xạo. Những con nhái ăn đêm bị đánh động chạy tán loạn. Tiếng gió lùa ào ạt trong tai chị, hòa lẫn với tiếng chó sủa nhấm nhẳng trong làng, làm chị Nga càng chạy khỏe. Dưới lớp sương mờ và ánh trăng già càng về khuya càng sáng, người đàn bà đầu tóc xổ tung rũ rượi, trong bộ quần áo trắng ướt đẫm mồ hôi và sương sa, chị như lướt đi vào cõi hoang mang. Chị Nga chạy mãi mà không biết đến đâu rồi, cho đến khi một búi dây bìm bìm giằng xấp mình xuống đất, chị mới nằm vật ra. Có tiếng ong ong trong lòng đất, như những tiếng ru ai oán khiến chị dần tĩnh lại. Xa xa trong làng có tiếng gà gáy gọi nhau. Nước mắt chị Nga chan hòa cho thân phận chị, cho hương hồn anh Kỳ chồng chị, cho cả sự trớ trêu của người chinh phụ. Chị kêu lên một tiếng thảng thốt, ngậm ngùi:
-Mẹ ơi!
Đến đây xin bạn đọc vui lòng cho tôi rẽ ngang câu chuyện một chút, để tôi được kể về tôi. Kể về tôi sau khi nhập ngũ, trải qua ba tháng huấn luyện ngắn ngủi và chỉ kịp bắn bia số bốn, bài một rồi vào một đêm trăng sáng lạnh ngăn ngắt, chúng tôi lên tàu ở ga Sen Hồ vào Nam. Không phải không còn lãng mạn, nhưng đói và cực, mệt mỏi đã làm tôi nhiều lúc ngồi một mình ứa nước mắt. Chết ư? Dễ thôi. Chỉ cần một quả bom rơi, một viên pháo lạc, một cái sảy chân bên bờ dốc thẳm, một cơn co giật của bệnh sốt rét ác tính... cũng là chết rồi. Thực ra lúc ấy, nghĩ đến cái chết nó nhẹ lắm cơ. Có thể bây giờ có người không tin, nhưng cứ thử hình dung mà xem, một thân một mình, chẳng nợ ai, ai nợ... thì có gì mà vương vấn. Với cha mẹ đẻ ra mình thì cầm bằng hòn máu đánh rơi. Cầm tấm vải liệm quân nhu phát cho nhét vào đáy ba lô đề phòng mọi tình huống, tình huống xấu nhất, tình huống cuối cùng, mà không thấy sợ, không thấy rủi ro, sui sẻo, thế là được rồi. Anh đã hoàn toàn là anh lính chiến. Bom đạn rồi cũng quen đi. Chỉ có gian khổ, đói và nỗi cực nhọc hành hạ thân xác từng phút, từng giờ là giày vò con người. Nỗi nao lòng, nhẹ dạ rất thường khi ở chỗ này... Bây giờ, khi chúng ta đã có một gia đình, một đàn con, một trách nhiệm không thể trút bỏ được, nên nghĩ đến một khi chúng ta không còn trên cõi đời này nữa, để cùng chia sẻ, cùng gánh vác mọi nỗi niềm, mà chủ yếu vẫn là những nỗi oan nghiệt trái ngang, thì vợ con ta, cha già, mẹ héo của ta sẽ đau khổ biết nhường nào? Ấy, cứ nghĩ thế mà lăn lưng ra mà cày, mà cuốc, mà kiềm tiền, mà sống.
Mấy năm đánh nhau có lúc được, lúc thua, có khi thừa thắng xông lên, có khi cắm cổ chạy dài... Chiến tranh, đó cũng là cái thường tình. Cố mà đi đến chỗ cấp trên bảo, cố mà lao vào chỗ cấp trên ra lệnh, cố mà sống đến ngày mai. Rồi ngày mai nữa, được ngày nào hay ngày ấy... Đấy, đại khái là như thế. Nhưng mỗi đứa lính chúng tôi không chỉ có những lúc đánh đấm, bắn giết và cắm đầu chạy. Phút giây im lặng trong chiến tranh nhiều lắm, rất nhiều, đó mới lại là lúc gậm nhấm tâm hồn mỗi thằng lính chúng tôi. Trong cả một khoảng dài máu me, khét lẹt ấy, không mấy lần tôi không nhớ về chị Nga của tôi. Cuốn sổ tay mà Thu, người yêu tôi tặng tôi khi chia tay, ghi nhằng nhịt những giòng lưu niệm của bạn bè, nhưng vẫn còn một khoảng trống khá dày trang. Tôi ghi nhật ký, không ghi dài được.
30.4- Mệt. Hình như sốt. Uống liền bốn viên nivaquin.
1.5- Thằng Mão tụt lại. Thấy trên cây săng lẻ Binh trạm 32 có khắc cơ man những dòng chữ nguệch ngoạc, tên họ quê quán của những người lính đã đi qua đây. Có dòng Hà Đức Mẫn, Phổ Yên, Bắc Thái.
10.5- Gửi thư cho Thu và chị Nga. Sao chị Nga lấy chồng vội quá nhỉ? Nhanh thế! Chị bảo chị không lấy chồng kia mà? Giá chị ít tuổi nhỉ! Ít đi vài ba tuổi thôi. Thu trắng hơn chị Nga, và có vẻ yếu ớt hơn. Giá được vùi mặt vào lòng Thu, trong lúc này như chị Nga nhỉ! Chiều nay gặp một đoàn người đi ra, toàn là trẻ con và phụ nữ. Có mùi gì lạ lắm...
2-6. Cả một đoàn quân dài dặc chuyền tay nhau từ dưới lên trên cái xu-chiêng!
8-8. Khương Đức Duy chết rồi. Một quả đạn AT do chính tay nó gài chống ăn cắp kho quân lương.
Vân vân...
Những dòng nhật ký đại loại như thế mà rồi cũng kín hết chỗ giấy còn lại của quyển sổ. Tôi lại ghi tiếp vào cuốn khác. Những mẩu chi tiết, sự kiên, cảm nghĩ như thế cứ nối nhau, nhưng không phải lúc nào, chuyện gì, hay ý nghĩ ra sao tôi cũng ghi được. Rồi cuốn sổ cũng chẳng còn, một cuốn bị cháy mất, một cuốn phải nộp cho chính trị viên đại đội. Cuốn sau cùng những thằng bạn tranh nhau xé làm giấy cuốn thuốc lá Tà Ôi.
Cho đến một ngày cuối tháng mười năm bảy hai, khi trên đài phát thanh chúng tôi nghe được lời tuyên bố của chính phủ ta phản đối Mỹ lật lọng không chịu ký một hiệp định hòa bình. Tiếc ngẩn ngơ, một cơ hội hòa bình bị mất đi, chiến tranh sẽ còn kéo dài... dài đến bao giờ? Lại âm thầm làm phận sự người lính của mình và chờ đợi. Thế rồi cái ông Richard Nixon trúng cử tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ nữa, nghĩa là bom, đạn, lính Mỹ tiếp tục cày phá đất nước này.
Chiều hôm ấy, ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo 20-11, một buổi chiều khá thanh thản. Tôi một anh giáo nửa mùa, nhưng sao cứ âm ỉ nhớ về cái ngày ấy. Và rồi bâng khuâng tơ tưởng về quê nhà, nơi ấy có cha mẹ, có các em tôi. Nơi ấy còn có Thu của tôi, có thầy Hoan và chị Nga! Tôi lặng lẽ ra bờ suối ngồi một mình để một mình kỷ niệm về cái ngày của mình. Liệu tôi có còn kịp trở về để được làm một thày giáo làng gõ đầu trẻ nữa không? Không còn nhật ký, không còn cả bút mực mà viết một cái gì đó, một dòng chữ gì đó cũng được. Tôi thả ý nghĩ lang bang trong buổi hoàng hôn rừng rú, tiếng ì ầm của máy bay C.130, tiếng nổ cuối tầm của đạn pháo xen lẫn tiếng rì rầm của thác suối. Và ve, tiếng ve đầu mùa khô trong rừng khộp nghe như có cả tiếng kim khí của một loại khí nhạc đơn điệu độc một giai điệu trung tính, không ra trầm, không ra bổng, chẳng rõ vui hay buồn. Có tiếng chân người đạp trên lá khộp lạo xạo sau lưng. Tôi ngoảnh lại, thằng Tiến hào hứng:
-Này nhà thơ! Mày có người tìm!
-Ai tìm? Anh Ngữ à?
-Không phải. Một người lạ, nhưng biết mày, từ Binh trạm xuống...
Tôi ngạc nhiên hỏi Tiến:
-Có phải cán bộ quân lực không?
-Cứ về xem nào. Lúc nào cũng chỉ tưởng quân lực!
Tôi hỏi thế là vì, đã hơn một lần tôi được cán bộ quân lực xuống hỏi thăm, rồi sau đó là quyết định điều động. Từ công binh, sang thông tin, rồi bây giờ là pháo cao xạ. Ai mà biết được, trong chiến tranh nhiều cái bất ngờ lắm, và cũng nhiều cái bất trắc lắm. Người đàn ông từ lán anh Ngữ đứng dậy nhìn tôi chằm chằm:
-Cậu không nhận ra anh à?
-Dạ... em không biết anh...
Anh Ngữ, trung đội trưởng đế vào:
-Người làng mà không nhận ra nhau à?
-Kỳ đây! Ở nhà đã biết nhau rồi mà.
Dưới bóng loạng nhoạng của hoàng hôn trong rừng thẫm, tôi vẫn còn đang nghĩ ngợi, không dám nói, thì anh tiếp:
-Kỳ chồng Nga, con rể thầy giáo Hoan đây!
-Trời ơi, anh Kỳ!
Tôi ôm choàng lấy anh mà lắc. Anh Kỳ đây ư? Tôi thật vô tâm. Mà đâu phải tôi chỉ vô tâm khi đứng trước mặt anh. Suốt từng ấy năm, trong ý nghĩ của tôi không hề có một tí tẹo nào dành về anh Kỳ. Chồng chị Nga là một người không có thực trong tôi, nó giống như một cái tên gọi, được gán kèm vào đấy, ví dụ " Thúy Nga" chẳng hạn, mà tôi thì lại chỉ biết và chỉ chấp nhận ở chị mỗi hai chữ "chị Nga"mà thôi.
Tôi ôm anh Kỳ khá lâu, lúc rời anh, tôi mới nhìn kỹ thấy một người đàn ông vêu vao, đầu trọc lốc như người trong tranh hý họa. Tóc rụng đã đành, cả lông mày cũng không còn, nhìn anh thật sợ. Tôi xin phép anh Ngữ đưa anh Kỳ về lán tôi. Anh Kỳ lấy võng của mình từ trong cái túi mìn clâymo ra mắc vào hai khúc cây gác ngang hai bên mái lán, nhún thử rồi ngồi xuống:
-Tôi ở ban quân giới, lúc sang làm việc với quân lực, nhìn ké danh sách tiểu đoàn 68, tình cờ thấy tên cậu. Hôm nay, nhân xuống làm việc với quân khí tiểu đoàn mới có dịp tìm cậu. Khỏe chứ?
-Vâng, em bình thường. Tôi vừa hí húi đun nước pha trà, vừa đáp. Sao anh gầy thế? Trông phát hãi lên ấy!
Anh móc ra một bao thuốc lá RUBI quân tiếp vụ:
-Hút đi cậu!
Tôi thích thú ngắm nghía bao thuốc loại của quân đội Sài Gòn, có vẽ một người lính rằn ri đang xung trận với vẻ mặt đằng đằng sát khí trong tư thế một chân co, một chân duỗi trên lá cờ vàng ba sọc đỏ:
-Anh sang thế? Loại "chân co, chân duỗi" này chúng em có mà mơ!
-À, gặp cánh bộ binh đi ra, họ cho đấy mà.
Tôi cho trà "Thái Nguyên" - một loại trà làm ở Chợ Lớn được quản lý cấp - cho vào cái ca bằng i-nốc, dốc ngược cái bi-đông Mỹ đựng đầy nước sôi úp vào, rồi nhớm lên môt tý cho nước ra ngấm trà. Tôi rót ra cái bát "B52" mời anh. Anh Kỳ bưng bát nước trà kề lên miệng rồi lại đặt xuống:
-Các cụ ở nhà nói thế mà thiêng thật. Cái hôm tôi lên đường, bà cụ nhà cậu dặn tôi là vào cố tìm em nó. Cả cô Nga cũng bảo thế. Không ngờ lại hóa thật. Tôi cứ nghĩ chiến trường thì mênh mông, biết đâu mà tìm nhau. Thanh bình còn khó huống chi là bom đạn như trấu vãi, lính tráng đâu có được tự do đi lại. Phải không cậu?
-Ừ mà anh cũng giỏi thật đấy. Anh đi năm nào?
Anh Kỳ uống cạn bát nước, châm một điếu thuốc nhả khói:
-Tôi nhập ngũ sau cậu một năm. À, tôi đã báo cáo với đại đội rồi, đêm nay anh em mình nằm với nhau một đêm. Sáng mai, các cậu đi nhận nhiệm vụ mới rồi.
Tôi leo lên võng nằm, mà bụng dạ nghĩ vẩn vơ. Không ngờ có lúc tôi với anh Kỳ lại nằm bên nhau trong khu rừng nguyên sơ này. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình cũng yêu yêu anh, yêu yêu một phần đời của chị Nga mà tôi không nguôi thương nhớ.