Sunday, July 23, 2017

Tiểu thuyết Chồng con - Trần Tiêu, Chương 3

Chương 3

Mười sáu tháng Tám chị xã Bổng đã định đi cầu tự đền Kiếp với bọn ông khóa Vịnh. Nàng đã sắm được cái thúng con xinh xắn để đựng đồ lễ và nhuộm lại chiếc dây lưng thiên lý. Nàng đã sẵn sàng đủ cả, chỉ đợi ngày đi.
Nhưng ngày ấy càng gần, nàng càng thấy ngần ngại. Ý định nàng nhụt dần, rồi rút cục, nàng thoái thác bận, không đi nữa.
Đến khi chị em, bà con đi lễ về, kể chuyện lại. Nàng tiếc ngẩn tiếc ngơ, hối hận và tự an ủi: “Thôi được. Để đến hăm mốt tháng này ta trẩy hội Đồng Bằng”.
Năm hôm sau, chị em đến rủ, nàng lại thoái thác, lấy cớ rằng hội Đồng Bằng không phải hội để đi cầu tự, tuy mấy năm trước nàng vẫn gửi tiền ông khóa đi lễ ở đấy. Rồi nàng lại tiếc, lại hối hận như lần trước và tự hứa: nhất định tháng giêng sang năm đi trẩy hội chùa Hương.
Ngày tháng qua, hội chùa Hương đã đến. Bà con đi trẩy tấp nập. Bọn ông khóa còn đợi nàng. Nhưng nàng vẫn chùng chình, nấn ná hết ngày ấy sang ngày khác.
Tháng rộng ngày dài đi đâu mà vội! Hội chùa mai hết tháng hai mới vãn kia mà.
Rồi sau cùng, người ta không chờ nàng nữa, để nàng ở lại nhà mà tự trách:
“Chỉ có cắp thúng ra đi, cũng không sao đi được. Hay tại mình định trước mà ngài làm ngăn trở, không cho đi?”
Mẹ nàng không bằng lòng, mắng nàng không thiết gì đến việc sinh đẻ. Nàng chỉ cười, không đáp. Vì mẹ chồng đã mắng oan nàng. Nàng thiết lắm chứ. Mẹ chồng mong có cháu một phần thì nàng mong có con mười phần. Ấy cũng chỉ vì nàng mong ước quá mà đâm ra rụt rè để lỡ cơ hội. Nàng tưởng như ai cũng để ý đến việc nàng và cười thầm nên nàng tỏ ra vẻ sốt sắng.
Mùng hai tháng Ba, hội Phủ Giầy, nàng lại định thoái thác. Nhưng lần này mẹ chồng, mẹ đẻ và chú bác, cô dì giục giã, hết nói ngọt đến nói xẵng, nàng mới chịu cắp thúng ra đi, lòng không hết ngần ngại.
Nàng đi thẳng đến đằng ông khóa Vịnh. Các bà đi chợ thấy nàng ăn mặc như ngày Tết, liền hỏi: “Chị xã đi trẩy hội đấy à? Mang lộc thánh về cho chúng tôi với nhé!”
Nàng sượng sùng bẽn lẽn, trả lời nhu nhú trong mồm.
Đến cổng nhà ông khóa đã thấy vài chị em đứng đợi. Một chị kêu lên:
- Có thế chứ! Tưởng lại thoái thác lần nữa. Chúng tôi vừa đánh cuộc với nhau đấy. Đố biết ai được cuộc?... Ối chà! Thắt lưng mới nhuộm lại bao giờ mà như mới ấy nhì? Trông chị đẹp đẽ gọn gàng hơn tôi nhiều.
- Các chị cứ nói! Các chị son sẻ trông đẹp chứ tôi...
Một chị khác ngắt lời:
- Phải, son sẻ! Đẻ lắm nó thành ra sồ sề thì có.
Tuy nói thế mà trong lòng chị ta vẫn sung sướng, sung sướng vì đẻ nhiều. Chị ta đẻ từ mười sáu. Năm nay mới hăm bốn mà đã năm con rồi: bốn gái, một trai. Ý chừng chị ta đi cầu lấy một trai nữa. Vì nhiều gái mà mới có mỗi một trai cũng vẫn mang tiếng là hiếm hoi.
Chị em dắt díu nhau vào trong nhà, mỗi chị cắp một cái thúng con mới đẹp.
Các bà có tuổi ngồi cả trên phản kê ở gian cạnh. Bà cụ huyện cũng nhập bọn, ngồi ở phản bên kia. Cô cháu gái đứng cạnh bà vào chạc mười lăm, mười sáu, ăn vận lối tỉnh: khăn nhung, áo “sa tanh”, quần lĩnh “Sài Gòn”. Trong áo sa tanh lấp ló chiếc áo hàng “bom bay” màu hoa đào và chiếc ô cán sơn giả đồi mồi cầm nhăm nhăm trong tay. Trông cô có vẻ bẽn lẽn vì thấy mình khác hẳn bọn nhà quê tuy cô cũng quanh năm tháng ngày ở thôn quê.
Ông khóa Vịnh nằm bò trên chiếc phản ở gian giữa, ngay trước bàn thờ, đương cặm cụi viết cho xong mấy đạo sớ. Bên cạnh ông, một cái tráp sơn then ngỏ nắp, trong để bề bộn những lá sớ chưa kịp xếp gọn lại.
Thấy thêm chị xã, một bà làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ôi chào! Chị xã đấy à! Trốn tránh mãi, bấy giờ mới thấy mặt. Này, muốn có con mà không chịu đến cửa thánh thì đừng có hòng!
Các bà cười ồ làm nàng thẹn đỏ mặt. Một bà giục:
- Xong chưa, cụ khóa? Mau lên chứ, không có trưa mất rồi!
- Xong rồi đấy ạ. Gớm! Các cụ giục xồn xồn như giục đò thì còn ai biết đằng nào mà rờ.
Ông ngồi dậy, xếp các sớ vào đáy tráp, ngẩng lên thấy chị Bổng, ông nói trách:
- Sao không thoái thác ở nhà lần nữa! Mà chồng đâu? Người ta đã bảo: cầu tự thì phải có đôi kia mà!
- Thưa cụ, - Nàng vừa nói vừa cười gượng - nhà cháu còn phải ở nhà trông nhà vì nhà cháu vắng lắm, cụ ạ. Bu cháu thì già lão lẩm cẩm.
Nàng nói thế chứ nàng cũng không muốn rủ chồng cùng đi, hòng khi việc cầu tự của nàng không có kết quả, nàng còn níu lấy cớ ấy mà đi cầu tự với chồng lần nữa.
Một bà giục:
- Ta xuất hành thôi chứ!
Ông khóa đứng dậy gọi:
- Ký Phát đâu?
- Dạ! - Một anh xanh xao, ẻo lả như đàn bà ở nhà dưới đi lên để nhận việc cắp tráp theo hầu ông khóa.
Một bà hỏi:
- Ô hay! Ký Phát cũng đi à?
Ông khóa vội trả lời:
- Vâng, hắn có số thờ. Mình cao số nặng làm hắn ốm lủng củng ròng rã ba bốn tháng trời nay. Hẳn bóng cô đấy, các bà ạ!
Bà cụ huyện từ nãy vẫn ngồi yên với cô cháu gái, bắt đầu nói:
- Thảo nào mà trông anh ấy như con gái.
Mọi người cùng cười. Ký Phát bẽn lẽn, cắp tráp đứng dựa cột.
Ông khóa cất tiếng gọi:
- Cu ơi! Đi ra cổng đứng đợi sẵn đấy nhé! Có đàn bà con gái thì bảo họ đi ngay nhé!
Một anh cao lênh khênh chạy qua sân ra cổng. Bà cụ huyện trách:
- Chú ấy lớn rồi mà ông cứ gọi chú ấy thế. Sao không đặt tên cho chú ấy.
Ông khóa cười, đáp:
- Chính tên nó là Phùng kia đấy. Nhưng thời còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cứ gọi là thằng cu, thành ra tôi cũng gọi quen mồm không sao đổi được.
Các bà, các cô đến từ sớm mà chùng chình mãi khi mặt trời lên khỏi ngọn tre mới khởi hành. Bà huyện đi đâu, rồi đến thầy trò ông khóa, các bà già, các bà có tuổi, sau cùng đến bọn trẻ phất phới những dây lưng màu lòe loẹt. Cô cháu gái bà cụ huyện cũng đi trong bọn ấy. Cô, ngày thường mặc áo nâu, yếm trắng, vẫn vào hạng đẹp có tiếng trong làng, nay đổi lốt, ăn vận tỉnh trông cứng nhắc.
Cả bọn đi thành một dãy dài như đám cưới. Những tiếng “Nam vô a di đà Phật!” chào nhau làm náo động sự yên lặng ngày thường của thôn quê.
Một lát, ra khỏi làng, cả bọn rẽ xuống ruộng đi tắt đến đường đê cho gần.
Sáng hôm ấy, trời ấm và tạnh ráo. Chung quanh, đồng lúa bát ngát. Mùi lúa non phảng phất thơm như mùi cốm mới. Những con cò trắng muốt bay là là trên mặt lúa xanh.
Xa xa, dòng nước bạc. Rải rác vài cây đa cổ thụ trùm lên những miếu con, vài mô cỏ biếc với những con trâu, những trẻ mục đồng như để thay đổi cho phong cảnh đỡ bằng phẳng.
Chị xã trong lòng khoan khoái, và sự ngần ngại ban nãy đã đổi ra sự vui sướng bồng bột.
Cái quán nước ở trên đê trông mỗi lúc một gần và dần dần thấy lố nhố những xe tay đứng đón khách. Rồi những tiếng mặc cả, những tiếng cười đùa của những bọn trẻ khỏe mạnh.
Nàng đứng trên đê nhìn lại xem nhà nàng còn trông rõ không. Nàng chỉ thấy một dải xanh om, lũy tre làng, một dãy tường trắng vây bọc lấy mấy cái mái ngói cổ của Văn miếu. Một cây đa nhô lên khỏi những ngọn tre, cành lá rườm rà, đánh dấu nơi quán chợ. Nhà nàng ở gần đấy...
- Kìa! Chị xã, không lên xe, còn đứng thưỡn ra mãi. Hay lại nhớ chồng đấy?
Đó là câu nói của một chị ngồi đợi trên xe. Người phu xe còn ghé vào quán làm bát nước chè nóng.
Nàng vội cắp thúng bước lên ngồi cạnh. Anh xe nhấc đôi càng, thân xe trở nên bằng bặn; chứ không dốc như trước khiến người ngồi trên nệm phải víu chặt lấy thành xe cho khỏi tuột xuống.
Hai chị em thấy êm êm, dễ chịu.
- Mau lên! Gớm ghiếc! Các xe đã đi cả rồi kia kìa!
Nhất là chị xã, từ thuở bé mới đi xe lần này là lần đầu. Nàng khoan khoái, nhìn khắp chung quanh. Phong cảnh vẫn quen quen thân mật như phong cảnh quê hương, vẫn ruộng lúa xanh rì, bát ngát, vẫn những lũy tre làng, những miếu con ẩn dưới những cây đa cỗi, vẫn dòng nước bạc chảy ngoằn ngoèo, vẫn một mùi thơm như mùi cốm non.
Nhưng ngồi lâu thấy tê chân, mỏi lưng, mỏi gối, nàng phải đổi chiều luôn và chỉ muốn xuống xe đi bộ hay muốn chóng đến nơi để được ngồi hàng nước nghỉ ngơi.
Chốc chốc nàng lại hỏi: “Đến chưa chị?”
Một lần nàng hỏi, không thấy bạn trả lời. Quay lại, đã thấy bạn gục đầu vào mình. Nàng chép miệng lắc đầu, tủm tỉm cười, nói sẽ:
- Thế mà ngủ được!
Đến cầu Mục, các xe đỗ cả bên vệ đường. Xe nàng còn lẽo đẽo... Nàng vỗ vai bạn, đánh thức:
- Dậy! Đậy! Đến rồi!
Chị kia giật mình mờ choàng mắt đỏ ngầu.
- Đến rồi à? Chóng nhỉ!
- Ngồi ê cả người còn kêu chóng.
Nàng vừa bước xuống xe, chưa hết mỏi thì một chiếc “cam nhông” ở phía Hải Phòng đã đến đỗ ngay trước mặt. Mọi người xô đẩy, tranh nhau lên trước làm nàng cuống quýt đến nỗi ai giật mất thúng cũng không biết nữa. Nàng hốt hoảng kêu:
- Thúng của tôi, ai lấy rồi? Thúng của tôi...
Ông khóa Vịnh, một người đi nhiều lần đã quen, đứng sau nàng, vừa giục vừa gắt:
- Thì cứ bước lên! Thúng mủng người ta để cả trên mui kia rồi.
Lên xe ngồi đâu vào đấy, ông vẫn còn gắt:
- Gớm ghiếc! Ai cũng ngẩn ngơ như chị cả thì người ta khổ. Ở Hà Nội mà thế thì mất cả người nữa, chứ mất thế thôi à?
Hành khách trên xe nhìn chòng chọc vào nàng, nhiều người cười tủm tỉm. Nàng xấu hổ cúi gằm mặt xuống.
Từ đấy, nàng thấy khó chịu, phần vì nỗi ngớ ngẩn của mình, phần vì xe chật quá, phải ngồi ép vào nhau khiến nàng không sao cựa cậy, nhúc nhích được, phần vì mùi “ét xăng” mà nàng không quen, đánh thốc mãi vào mũi nàng, hăng sè sè, làm cho mắt nàng cay và môi nàng se lại.
Mấy hôm trước, một vài bà đã bàn đi thuyền từ bến Tiên vào Nam, vừa đỡ tiền, vừa rộng rãi, tuy chậm mất vài hôm. Bà cụ huyện không nghe, cho đi như thế có nhiều sự trở ngại và đêm hôm nguy hiểm, nhất là nguy hiểm cho cô cháu gái, cho đôi hoa tai, cho chuỗi hột vàng của cô. Nhiều người đồng ý. Và nếu Bổng có mặt ở đấy, nàng cũng về phe bà cụ huyện. Là vì nàng vẫn mong ước được đi “ô-tô”, tưởng cũng sung sướng, mát mẻ, dễ chịu như ông phủ, ông đoan ngồi trên xe của họ. Nay nàng đã biết mùi và nàng sẽ không bao giờ dám mong ước nữa...
Xe còn cách Thái Bình độ một cây số, bỗng đứng lại. Người soát vé kéo bốn năm hành khách thải xuống đi bộ, mặc dầu những người ấy kháng cự, kêu la rầm rĩ. Người “ét” ở trên mui vứt những tay nải, những hành lý của họ xuống đường trong khi xe từ từ chạy.
Chị xã sợ hãi và mừng thầm không phải nhập bọn khốn khổ ấy.
Xe đến tỉnh. Nàng trố mắt nhìn những tòa nhà mà nàng cho là đồ sộ, vì từ thuở nhỏ, nàng chỉ nhìn thấy toàn những nếp nhà ngói thấp lè tè như nhà tranh của chồng nàng. Nàng không dám kêu: “Ồ! Lạ nhỉ!” Sợ người ta lại cho nàng ngớ ngẩn, và nhìn nàng một cách tò mò như lần trước. Nhưng trong trí nàng, nàng cũng đã nhiều lần thầm kêu như thế mỗi khi nàng gặp một sự lạ.
Đến bến Tân Đệ, bao nhiêu hành khách đều phải xuống. Nàng nhớ đến cái thúng xinh xinh của nàng, dướn cổ mãi, cố nhìn xem có trên mui không. Nhưng mui cao quá, nàng không nhìn thấy. Nóng ruột, nàng hỏi chúng bạn:
- Thúng mủng các chị đâu?
- Cả trên mui chứ đâu! Ngớ ngẩn lắm.
Nàng không thích hai tiếng “ngớ ngẩn” thốt ở miệng các bạn, nhưng mà nàng bắt đầu yên tâm từ đấy.
Rồi xe đến Nam Định, chen lấn với các xe khác đỗ nhan nhản, chật cả một khoảng đất rộng. Vì là ngày hội nên khách thập phương tới tụ ở đấy đông nghịt. Những phu khuân đồ, phu xe xúm lại giằng co, tranh khách. Những tiếng roi mây của đội sếp vụt đôm đốp lên những nón sơn. Nàng bối rối, sợ hãi, bíu chặt lấy cánh tay bạn, quên cả nón lẫn thúng, cái thúng mà nàng vẫn nghĩ đến suốt dọc đường. May sao, một bà lão trong bọn đã nhờ cầm hộ. Nàng lúc ấy khác nào một đứa trẻ nhút nhát không bao giờ dám rời khỏi mẹ. Tâm trí nàng rối loạn, mắt nàng hoa lên đến nỗi từ bến “ô-tô” ra ga, từ ga lên xe hỏa, nàng không còn nhớ đã làm những việc gì và trông thấy những gì. Nàng quên cả nàng định đi đâu nữa. Mãi lúc ngồi yên một lúc trên xe, nàng mới định thần. Bất giác nàng hỏi ông khóa ngồi cạnh: “Có phải Hà Nội đây không cụ?”
- Nam Định chứ Hà Nội hà ngoại nào ở đây? Ngớ ngẩn như mán rừng! - Ông nói to quá khiến bao nhiêu con mắt tò mò đưa cả về nàng.
Một bà hành khách nói:
- Ý chừng chị này chưa ra tỉnh bao giờ.
Nàng xấu hổ, quay ra ngoài nhìn để giấu sắc mặt đỏ ửng vì nàng thấy mặt nàng đương nóng bừng. Nhưng không bao lâu xe chạy, nàng trở lại vui vẻ, hồn nhiên ngắm những cảnh lạ bày trước mắt. Nàng sung sướng nhất khi cùng chị em bắt đầu đi từ ga Gôi vào đền. Chỗ ấy tuy đông nhưng không gặp phải những xe cộ, không có những lũ quỷ sứ tranh cướp hành lý, không có những phố sá ngang dọc như mắc cửi. Chỉ có một con đường đi quen quen như đường làng và những khách thập phương đi lễ phần đông cũng na ná như nàng, từ nét mặt hiền hậu, cử chỉ hồn nhiên cho chí quần áo sơ sài mộc mạc. Nàng sung sướng nhẹ nhàng như vừa thoát khỏi một trận bão lớn hay vừa qua một nơi rừng rậm, đầy mãnh thú.
Nàng ung dung ngắm những đồi núi xanh mơn mởn vây bọc chung quanh, một cảnh lạ mắt, khác hẳn quê hương nàng ở vùng bể bằng phẳng như đời nàng và buồn tẻ như tâm hồn nàng trong lúc bình tĩnh.
Nàng ung dung ngắm những ông đồng, bà đồng, với những bộ khăn áo xanh đỏ lòe loẹt mà nàng ví với bộ xiêm cào cào. Những người ấy đi xa trông như một đám rước.
Thỉnh thoảng nàng lại gặp những người đàn ông xiên lình. Có người xiên hai đôi má đôi lình to bằng thanh đao mà nàng thường trông thấy ở các đình, miếu, và nặng quá, phải hai người nâng đỡ hai bên. Trông mắt họ dữ tợn như mắt ông ác ở chùa khiến nàng sợ tái xanh mặt, đi nép mãi vào vai bạn. Ở các điện trong làng, nàng cũng có được trông thấy “quan lớn” xiên lình để thị oai, nhưng chỉ những chiếc lình nhỏ bằng cái dùi quay suốt.
Nhưng rồi sau gặp họ đi lại luôn, nàng trông cũng quen. Nàng trở nên bạo dạn và nếu còn con gái, nàng dám nhí nhảnh, chòng ghẹo cả bọn đồng trẻ. Nàng cắp thúng cùng với chị em theo sau ông khóa đi lễ đền, thản nhiên như người đi xem hội. Nàng mải vui quên cả việc cầu tự.
Nhưng khi vào đền đức Thánh Mẫu thì tín ngưỡng của nàng chú trọng cả vào đấy. Nàng đứng cạnh ông khóa, cúi rạp người xuống, chắp tay cầu khấn. Nàng cầu khấn tha thiết, nồng nàn đến nỗi chị em khấn xong cả rồi, vẫn còn thấy nàng xuýt xoa mãi.

SHARE THIS

Author:

Tôi là một bloger, đây không phải là nghề của tôi mà nó xuất phát từ niềm đam mê mong muốn mang lại cho các bạn những thông tin chính xác nhất, một nơi tuyệt vời để t ạo ra cho riêng mình một thế giới mới...

0 comments: