Một buổi trưa hè chói lọi và nồng nực.
Sáu ngọn cau với những tàu lá mềm rũ, lóng lánh như thép, in lên da trời xanh thẳm. Không một vẩn mây. Những mái tranh khô đét, với những tia khói bốc ở dưới lên như sắp bật lửa.
Mẹ, mình trần, mặc mỗi cái yếm nâu, đầu xõa tóc, ngồi phệt xuống thềm nhà trên, tay cầm quạt mo phe phẩy từng hồi. Ánh sáng chói trên mặt sân phản chiếu làm cặp mắt bà nhíu lại.
Nàng dâu ngồi trên ngưỡng cửa cúi xuống đầu mẹ rẽ tóc bắt chấy, cả hai mẹ con, không một lời nói. Hình như khí nóng của trưa hè đã ru ngủ tâm hồn họ và làm cho họ lười nghĩ. Chốc một lại vẳng đưa những tiếng gà gáy xa xăm, và luôn luôn những tiếng ru trẻ và tiếng võng đưa kẽo kẹt bên hàng xóm.
Đàn sẻ ríu rít dưới mái tranh. Một vài con bay xuống sân. Cả đàn ùa theo, tiếng cánh vù vù, rồi nhảy nhót, mổ những hạt bụi. Con vện ở bếp thủng thỉnh đi lên. Đàn sẻ hoảng hốt bay tán loạn...
Mẹ chồng ngồi, mắt lim dim, ngủ gà ngủ gật. Nhưng mỗi bận nàng dâu tuốt sợi tóc, bà biết hiệu, tỉnh dậy, ngửa bàn tay ra đợi...
Bỗng tự nhiên, bà bật ra câu nói:
- Mày ạ. Tao không dáo vải được đâu. Mấy hôm nay, tao thấy cái chân nó lại rức (nhức).
Bà nói và đầu vẫn không động đậy, mắt vẫn lim dim nhìn ra sân.
Nàng dâu trả lời một cách thản nhiên:
- Vậy bu để con dáo cũng được.
- Ứ ừ, không được. Mày còn bận nhiều việc. Để tao thuê thím Tâm thím ấy dáo. Có năm xu một buổi với một bữa cơm thôi mà.
- Vâng, cũng được.
Hai mẹ con lại im lặng.
Bên hàng xóm, cái Gái hát ru em:
Cái ngủ mày ngủ a... cho lâu.
Mẹ mày đi cấy a... ruộng sâu chưa về...
Giọng nó trong, kéo dài, nhỏ dần như mỏi mệt, buồn ngủ, làm cho bà mẹ bên này cũng muốn ngủ lây.
Dưới tàu cau, dưới bóng cây, những con sẻ ríu rít se sẽ như thì thầm.
Một con gà sống ở chuồng lợn nhảy ra, đi dõng dạc đến đống bẩn ngay cửa bếp. Nó lấy chân vãi bẩn tung tóe ra chung quanh, rồi vừa mổ vừa cúc cúc một hồi. Ba con gà mái ở chuồng lợn cùng nhảy ra, chạy vội lại, tranh nhau mổ.
Nàng dâu giật mình ngửng lên nhìn rồi lại cúi xuống bắt chấy.
Anh đi, em chửa a... có chồng.
Anh về, em đã con dắt, con díu a... con bồng con mang.
Mấy câu hát ấy đưa sang như rót vào tai hai người làm cho họ lại nhớ đến nỗi quạnh hiu buồn tẻ.
Mẹ thở dài, nói:
- Mày ạ, mày gửi thế không ăn thua đâu.
- Bu bảo gửi gì cơ?
- Gửi lễ chứ gửi gì... Ý tao... tao muốn mày phải thân chinh đi đến nơi đến chốn mà cầu tự thì mới hiệu nghiệm. Hoặc chùa Hương hay đền Sòng, đền Kiếp hay là đền... đền gì ở gần Nam Định ấy nhỉ?
- Phủ Giầy.
- Ừ phải, đền Phủ Giầy. Tao thấy họ nói linh thiêng lắm.
- Đền ấy hội ngay từ tháng Ba rồi. Có đi thì lại phải chờ đến tháng Ba năm sau.
- Hay là tháng Tám này, mày đi trẩy hội đền Kiếp với bọn ông khóa Vịnh.
- Con nghe nói đền ấy chỉ để cho những người có ma hay hữu sinh vô dưỡng.
- Thế con ông hội Lĩnh? Cũng con cầu tự đền Kiếp đấy chứ đâu... Mà biết đâu, mày cũng có ma thì sao?
Nàng dâu gượng cười:
- Bu chỉ nói dại.
- Dại gì! Lắm người đi cầu tự mà rồi té ra có ma, như con gái bác Trương Bách đấy nhé. Được, tháng Tám này mày cứ đi đền Kiếp rồi tháng Ba năm sau lại đi Phủ Giầy.
- Vâng.
Nàng không muốn kéo dài câu chuyện ấy, vì mỗi lần nhắc đến là mỗi lần nàng đau khổ, tự cho mình như một người thừa. Nàng không muốn ai biết rằng nàng đương băn khoăn, khao khát về đường con cái, nàng đã hết sức giấu diếm, tưởng chỉ một mình nàng với những người mà nàng đã thổ lộ can tràng để nhờ cậy họ giúp là biết thôi. Lạ thật! Thế mà sao mẹ chồng nàng biết được. Bà đã biết một việc, tất những việc khác bà cũng biết. Nghĩ vậy nàng đâm ra bực tức với mình, với mẹ chồng, với hết thảy mọi người mọi vật chung quanh.
Con vện không để ý đến nỗi bực tức của nàng. Nó nằm, một chân sau co lên gãi tai, đập vào thành cửa thình thịch.
Nàng khó chịu cau mày, quay ra, quát: “Vện! Xuống!” Con vện nằm yên, vểnh tai nghe lấy làm ngạc nhiên. Nó còn ngờ, vì mọi khi nàng vẫn là một bà chủ hiền lành nhân hậu.
Thấy con vện không nhúc nhích nàng cáu tiết, quát to thêm: “Vện! Xuống! Xuống ngay!”
Không còn ngờ gì nữa. Bà chủ nó, hôm nay làm sao ấy. Biết rằng không nghe thì sẽ khó đến thân, nó đứng dậy, duỗi bốn chân, uốn mình, vươn vai ngáp. Đoạn nó uể oải bước xuống sàn và đi xuống bếp với con vàng. Những móng nó đặt trên đất rắn kêu tanh tách se sẽ và hàng vú chảy xệ đưa bên nọ sang bên kia. Sáu con nó đẻ lứa vừa rồi, bà chủ nhà nó đã đem cho và bán cả. Ngót tháng trời, nó buồn, nó nhớ lũ con, nhưng nay nỗi buồn nỗi nhớ đã khuây hết. Bây giờ nó lại sẵn sàng đẻ lứa khác.
Nhà trên trở lại yên lặng như tờ... Ngồi đã chồn chân và thấy nàng dâu không được vui, mẹ chồng cất tiếng: “Thôi, để lúc khác”, rồi đứng dậy ưỡn mình, vươn vai ngáp.
- Trưa nay oi quá, mày nhỉ. Tao đi ngủ tí, mệt nhoài cả người... Mày đánh nốt mấy ống hộ tao nhé. Đánh cho kịp để mai còn mắc vải mà dệt chứ. Dạo này nghe vải tấm lại cao rồi đấy.
- Vâng, mỗi tấm cao được năm xu. Nhưng rồi chẳng bao lâu họ lại bán cao vải sợi lên. Nghề đời vẫn thế. Họ chẳng chịu cho mình được chút lời.
- Ấy thế mới lại càng phải làm “vổ vất” lên. Thôi, tao đi nghỉ. Mày đánh xong rồi làm việc gì hãy làm.
- Vâng. - Nàng vừa đi vào trong nhà lấy mấy vòng sơi dáo rồi, mắc vào cái quang, còn mẹ chồng nàng thì đến ngả lưng trên chiếc giường quang dầu có lan can của vợ chồng nàng.
Một lát sau, tiếng vỏ ống, tiếng guồng quay sè sè, vang động cả buổi trưa.
Tuy hai tay nàng làm việc nhanh nhẹn như máy mà tâm trí nàng vẫn bám lấy nỗi bực rọc (bực dọc). Lúc này nàng muốn có công việc gì phải dùng đến trí nghĩ, nhưng giá có công việc ấy cho nàng thì nàng sẽ làm hỏng hết, vì nàng không thể tự chủ được, không thể đem trí nghĩ vào việc gì ngoài việc con cái.
Tiếng ống đập vào trục, tiếng guồng quay hình như cũng gay gắt, bực bội. Nàng chỉ muốn đứng phắt dậy đi sang hàng xóm nói chuyện cho khuây khỏa. Nhưng, biết làm thế nào? Nàng phải đánh cho xong năm cái ống còn lại. Nàng còn phải giã hết cối gạo bỏ dở ban sáng. Nàng còn phải thổi cơm, nấu nước, băm bèo, quấy cám cho hai con lợn. Cái gì cũng do tay nàng và nàng phải làm trong lúc bực tức.
Mọi lần, nỗi bực tức ấy chỉ thoáng qua óc nàng, nhưng lần này... lần này có lẽ vì mẹ chồng nàng đã biết việc thầm kín của nàng, vì nàng đã đoán chắc họ hàng, làng xóm đều biết như mẹ chồng nàng. Nàng đánh xong năm ống chỉ và một rổ suốt để tối nay dệt nốt tấm vải cuối cùng của lứa trước. Lúc quay ra thì đã xế chiều. Sáu cây cau, cây hương dãy nhà ngang đã ngả bóng cả về đằng đông. Gió nồm bắt đầu hây hây thổi. Những tàu cau cọ vào nhau sột soạt. Bên kia tường, vài chiếc diều con trắng sáng, nhẹ nhàng như cánh bướm, nghiêng ngả chao đi chao lại trên nền trời xanh biếc.
Nàng đứng dậy, giật mạnh cánh tay mấy cái và bẻ những ngón tay cho đỡ mỏi. Nàng yên lặng một lúc, lắng tai nghe những câu quát tháo của bà mẹ bên hàng xóm. Những câu chửi rủa con cái đưa sang rõ mồn một: “Sao chúng mày không chết quách đi. Rõ cái tội cái nợ. Lũ quỷ lũ quái, sống chỉ tổ ăn hại đái nát... Đẻ! Đẻ cho nhiều vào để mang công mắc nợ. Thật đấy cứ hiếm hoi như chị xã bên ấy còn sung sướng hơn gái sề này”.
Nàng tủm tỉm cười, đi thẳng xuống bếp lấy rổ và cái sào trên ngọn cài chiếc rế cũ ra ao vớt bèo; cái ao mà nàng đã thuê mỗi năm ba đồng của bà khán ở đằng sau. Cái ao ấy, nghe nói, ngày xưa là của cụ tổng Cống bán lại cho ông cụ sinh ra bố chồng bà khán.
Trên cầu ao bên kia, bà khán đang tắm cho thằng cu cháu, một đứa trẻ mũm mĩm như hạt mít. Con dâu cả bà đẻ đến đứa này là sáu, không kể hai đứa chết về sài và chết về cam sũng.
Nàng thở dài, lẩm bẩm nói một mình:
- Sao người ta thì dễ thế mà mình thì cầu hết đền này phủ nọ cũng chẳng đẻ!
Bên kia ao, bà khán nói sang:
- Này chị xã! Đã thấy gì chưa hay vẫn ỳ ra đấy?
Nàng vờ không nghe tiếng, cúi gò xuống vớt bèo.
Thằng cu cháu vừa khóc vừa giằng tay bà nó, hai chân đạp xuống cầu ao bành bạch. Bà khán đe dọa:
- Im ngay! Khóc thì bà vứt xuống ao cho con “nam” nó ẵn thịt bây giờ.
Thằng bé sợ, im bặt và chịu để bà nó kỳ cọ khắp mình. Bà khán lẩm bẩm trong mồm:
- Sao bố mẹ nó lười thế! Để thằng bé bẩn như ma như mãnh. Không có mình thì ghét ngập lên tận mũi.
Bà quay sang cười, nói tiếp:
- Này chị xã ạ. Chị cao số lắm đấy. Cứ lấy vợ lẽ cho anh ấy rồi tự khắc đẻ ngay.
Bà thực thà nói thế nhưng lại cho bà có ý khác. Nàng vội vã vớt cho chóng đầy rổ bèo.
Bên kia bà khán nói tiếp luôn, giọng vui vẻ:
- Này, có thì để tôi làm mối cho anh ấy một người hiền lành và ham việc. Thật đấy, chị ạ.
Nàng cười gượng:
- Vâng, bà làm mối cho. - Rồi cắp rổ quay lưng đi thẳng, tai còn vẳng nghe thấy bà khán phàn nàn một mình - Con bé mập mạp thế mà chẳng đẻ đái gì cả!
Nàng chép miệng nói thầm:
- Dào! Bà chánh hội mười năm mới đẻ thì đã sao?
Nhưng nàng cũng đã ngoài tám năm rồi mà vẫn chẳng thấy gì.
Nàng đến cổng thì một người đàn ông bằng trạc tuổi nàng cũng vừa đến. Hai con chó ở trong bếp sồ ra sủa. Thấy người quen chúng nó ve vẩy đuôi quấn quýt chung quanh nàng và người đàn ông.
Mẹ chồng nàng ở trong nhả bước ra hỏi:
- Ai thế mày?
- Anh Mịch đấy ạ.
Người đàn ông hớt hơ hớt hải, quên cả chào, vừa nói vừa thở:
- Cháu sang xin bà ít lông ở... ở... mông con chó vàng.
- Làm gì mà dùng đến của quỷ quái ấy?
- Bẩm cháu hòa vào thang thuốc cho thằng bé... Ông lang bảo thế thì biết thế chứ mình biết thuốc men ra sao mà...
Nàng đứng cạnh, không thể nhịn cười, ngắt lời:
- Ông lang nào mà lại dùng những thứ oái oăm thế, hở anh?
- Ông lang nào ở bên Hạc ấy. Thấy nói ông ta giỏi về môn cam sài... Sáu bảy ông lang rồi đấy, chị ạ... Tốn quá! Thằng bé cam đã hơn năm nay. Bu nó và tôi cũng chẳng để ý, tưởng nó lớn lên rồi tự khắc khỏi như mấy đứa trước. Ai ngờ bây giờ nó cam nặng quá, lở cả mồm cả miệng, chẳng ăn uống gì được nữa. Thằng bé không khéo đến chết mất, chị ạ.
Nàng thấy hắn nói nhiều quá, sốt ruột bỏ xuống bếp băm bèo. Hắn cũng theo xuống ngồi cạnh, nói cho hết câu chuyện:
- Chị xã ạ, cứ kể hiếm hoi như chị cũng khổ mà lắm con như tôi cũng là cái tội cái nợ. Đời thuở nhà ai, làm đã chẳng đủ ăn mà bu nó cứ năm một thì có chết người ta không! Bây giờ lại bụng to sắp đẻ rồi đấy.
- Cứu bệnh như cứu hỏa mà anh chùng chình thế à?
Ý nàng muốn giục hắn về ngay, vì nàng đã biết hắn hay nói dai.
- Thế chị lấy hộ tôi.
- Chịu thôi, anh đến mà lấy. Nó nằm kia kìa. Anh quen nó không cắn đâu. - Rồi chẳng biết nghĩ thế nào, nàng đứng dậy đi lại vặt dúm lông trắng ở mông con chó vàng. Con chó quay cổ chực cẳn. Thấy chủ nó sợ chạy trốn mất.
Nàng tủm tỉm cười, đưa nắm lông cho Mịch. Hắn còn nói nữa nhưng nàng vội ngắt lời:
- Anh đem về kẻo chị ấy nóng ruột.
Hắn đi ra đến cổng còn ngoái cổ lại nói cho đỡ thèm:
- Chị ạ, nó có chết là tại số nó chứ chúng tôi cũng đã mời hết ông lang ở vùng này rồi.
Nàng lại ngồi xuống, vừa băm bèo vừa nghĩ đến gia đình của Mịch, một gia đình hai vợ chồng, một mẹ già và một đàn con nheo nhóc như đàn lợn, đứa lớn nhất không đầy mười hai tuổi. Nàng nghĩ đến thằng bé út mà thương. Khốn nạn! Mới tháng trước nó còn theo lũ trẻ sang ăn giỗ nhà nàng: Thằng bé đầy đặn tuy mặt mũi nhem nhuốc và quần áo xốc xếch bẩn thỉu. Nàng đã để ý đến cái mũi đỏ hỏn, cái cằm dưới mụn mạy nhầy nhãi. Nàng đã nhắc mẹ nó mua thuốc cam cho nó uống, nhưng mẹ nó không lấy làm quan hệ và nói dãn ra: “À dào! Lớn lên rồi nó khỏi, việc gì phải vẽ thuốc men thêm tốn tiền”. Nay cứ nghe lời hắn vừa kể thì có lẽ sâu cam đã ăn vào trong mồm, trong lợi rồi. Thằng bé có chết là chết tại nuôi nấng cẩu thả chứ số với siếc gì. Chả bù cho nàng, mong có đứa con để nuôi nấng mà chẳng được.
Suốt cả ngày, nàng nghĩ quanh nghĩ quẩn về số phận hiếm hoi, động khuây khỏa được chốc lát thì lại có một việc hay một câu chuyện gì nhắc nàng nghĩ tới.
Mặt trời đỏ rực đã khuyết sau rặng tre. Cây cối nhuộm một màu úa. Một vài con chích chòe cất giọng hót lanh lảnh và chim chóc ríu rít dưới khóm cây, dưới mái tranh tìm chỗ trú. Xa xa vẳng tiếng hát mục đồng dong trâu về xóm. Trên không, những tiếng sáo diều âm u, buồn nản...
Chiều rồi mà nàng còn phải làm bao nhiêu công việc. Nàng vội vã đi chất bếp thổi cơm, nấu cám. Rơm rạ hết, nàng phải rút bó cói mà chồng nàng mới mua ban sớm, lúc đi làm. Nàng ngả mái đầu xuống mà thổi. Khói un lên mà chẳng thấy lửa bốc. Hai bỏ cói vừa ẩm vừa tươi. Nàng quên không đem rãi nắng.
Đương lúc bực mình, nàng nói gắt một mình:
- Người đâu có người vụng thế. Vụng khốn vụng nạn! Rồi về tôi bảo.
Cùng lúc ấy chồng nàng ở cổng đi vào, cánh tay quàng lấy cán cuốc vác trên vai, một tay cầm một gốc dành dành cỗi.
Cày bừa đã xong, không phải dùng đến trâu, hắn vác cuốc đi phá những luống thuốc hái cữ tháng năm mới rồi để ngả cấy nếp. Hôm nay còn có năm sáu luống nên hắn làm xong sớm. Trở về, qua xóm lũy, hắn gặp bố con ông chú đương hì hục đánh giậu tre để trồng nhích ra ngoài, vì chú hắn vừa mới tậu thêm được vài thước đất ở đằng trước.
Sẵn có cuốc, hắn rẽ vào làm giúp. Hắn cuốc được ba, bốn khóm. Đến khóm thứ năm hắn vớ được gốc dành dành. Thích chí, hắn bỏ mặc hai bố con nhà chú, đi về. Hắn vừa đi vừa ngắm nghía gốc dành dành. Lúc thì hắn nhìn nó ra con rồng, lúc hắn nhìn ra con long mã, con phượng, rồi sau chẳng nhìn ra gì cả, nhưng hắn thấy đẹp lắm. Hắn sung sướng như người vừa bắt được của. Vì hắn có cái bể đá của cụ tổng Cống để lại. Trước kia ông cụ vẫn thả sen, một thứ sen mà hắn quên mất tên. Hắn đã định kiếm thứ sen ấy về nhưng sau nghe chừng khó kiếm, hắn lại đổi ý, định chắp cái núi con thật xinh như cái núi của cụ cử Hạ. Hắn sẽ đi chợ Hội Am mua vài ông tiên, hoặc ngồi đánh cờ, hoặc ngổi gảy đàn thập lục, hoặc cầm bầu rượu, lom khom chống gậy, và một cái chùa, một anh tiều phu gánh củi, một cái cầu có con trâu với thằng bé chỉ đường ngồi trên. Hắn xếp đặt trong trí chỗ nào vào chỗ ấy như thể đã có rồi. Ngày đi tháng lại, ý định vẫn chưa thành rồi tự nhiên không nghĩ đến, hắn vớ ngay được gốc dành dành rất đẹp này để thế vào.
Hắn định khoe vợ và hỏi xem vợ nhìn nó ra hình cái gì. Hắn đi thẳng vào bếp, chưa kịp ngỏ ý định thì vợ hắn đã gắt ngay phủ đầu:
- Gớm! Sao mình vụng về quá thế? Rơm rạ thiếu gì chả mua, vớ ngay hai bó cói còn tươi nguyên. Nhìn đấy này. Có khổ người ta không?
Hắn đứng thuỗn người ra nhìn khói tỏa mù mịt cả mấy gian bếp rồi phát cáu, nói bướng:
- Tôi chỉ vụng về thế thôi. Mình khéo thì sao không đi mà mua lấy?
- Nếu biết mình vụng về thì đã chả đến nỗi chảy cả nước mắt nước mũi thế này... Cữ nọ có đống rạ thì nằng nặc đòi bán cho bằng được, tưởng để làm gì, chẳng hóa ra chỉ để mua sáo, mua tre làm diều. Mà đã cái diều to tướng rồi còn chưa hả hay sao?
- Người thế mà ngoa! Người ta tiêu cả một đống rạ à?
- Không cả thì cũng quá nửa... Thế mà ra dạo ấy rẻ thối ra, bốn năm xu một gánh. Bây giờ hào mốt, hào hai rồi đấy! Đã thấy tai hại chưa.
Hẳn đuối lý, phát khùng:
- Thôi thôi, thèm vào nói nữa - Rồi lảng ra sân đi đến cái bể đá bỏ quên ở xó bể, cạnh tường hoa. Hắn ngồi xổm cặm cụi đặt gốc dành dành theo hết chiều này đến chiều nọ mà chẳng chiều nào nó đứng vững. Hắn lấy những manh ngói kê rồi đổ nước vào, lau các thành bể. Đoạn, hắn khệ nệ bê đặt trên chiếc hòm gian. Hắn vắt tay ra sau lưng, nghiêng đầu, ngắm. Thấy chướng, hắn lại khệ nệ bê ra chỗ cũ. Hắn chống tay cạnh sườn đứng nhìn xuống hồi lâu, rồi nhếch mép cười, nói:
- Trông ngoài thì to mà để vào bể trông lọt thỏm ấy nhỉ! Thôi được để khi nào có núi ta sẽ thay.
Trên từng mây biếc, hết chiếc diều nọ đến chiếc diều kia hiện lên. Những tiếng sáo trầm bổng thi nhau đổ hồi, vang cả buổi chiều ban nãy còn tịch mịch.
Chợt nhớ đến cái diều sáu thước vừa phất cậy xong để thả lúc gió bé và bộ sáo ba mới mua của bác Oánh, hắn chạy vội vào nhà ngang đem ra thả trên dọc đường cái quan.
Một lát sau, hắn dong dây về buộc vào gốc cây. Hắn ngồi ngây ra hàng giờ ở thèm nhà trên ngắm diều và nghe sáo, tâm trí không còn vướng víu đến việc khác nữa.
0 comments: