Phần 2-chương 1:
Hĩm a!
Hĩm khi xưa vẫn gọi là cái đĩ nhớn, nay đã thành một cô gái mười sáu tuổi với cái khuôn hình nở nang, yểu điệu, nõn nà, một vẻ đẹp có thể làm say đắm nhiều cậu trai tơ trong làng.
Lúc bà lý gọi ở nhà trên thì Hĩm đương bận làm dáng ở nhà ngang.
Hĩm thích làm dáng. Sáng nào cũng vậy, vừa trỗi dậy, nó đã lẻn xuống chải đầu cho mượt, rẽ ngôi cho thẳng, vuốt dải yếm lụa bạch và dây lưng thiên lý cho phẳng phiu rồi mới đi làm các công việc.
- Hĩm a!
Hĩm đương mải ngắm vuốt, không nghe thấy tiếng mẹ gọi.
Sồi, cái đĩ con khi xưa, ở trong bếp đi ra. Nó đi chậm chạp, lạch bạch như con vịt.
Kém chị hai tuổi, nó trông mập mạp, tròn trĩnh như mẹ nó thời còn trẻ, hơi lùn hơn.
Khác hẳn chị, nó không biết hay không thiết làm dáng. Khăn đội không mấy khi được gọn gàng, ngay ngắn, tóc lúc nào cũng rối bù. Bà lý thường ví nó với cái tờ bô cáp. Người lùn sẵn, váy lại sắn lên gần đầu gối, trông người càng lùn thêm.
Ấy thế mà họ hàng, khu xóm đều cho cô em đẹp hơn cô chị. Họ cho khuôn mặt cô em phì mị (vì má cô phinh phình như má lợn), trông có vẻ phúc hậu. Họ khen cả dáng đi thong thả, đoán sau này tất cô sẽ được nhàn hạ. Nhưng bà lý lại khác, không ưa cái dáng đi quá thong thả ấy.
Vừa thấy Sồi, bà đã gắt:
- Sồi! Tao gọi nó, mày nghe thấy cũng phải thưa lên chứ! Con gái con giếc gì mà lỳ lỳ, cả ngày chẳng nói được một câu... Bảo chị mày mở cửa buồng lấy bốn bơ gạo thổi cho người làm. Hôm nay có hai người tát nước với hai người nhổ mạ. Gớm! Rảo bước lên một tí, cô. Chậm chạp như sên, ai mà chịu được.
Sồi điềm nhiên, thong thả bước một vào nhà ngang. Thấy chị đương soi gương ngắm vuốt, không gắt, không nói dài dòng, bảo chị lên mẹ gọi, rồi cầm cái thớt và con dao, lừ lừ trở xuống bếp băm bèo. Nó làm suốt ngày, nhưng mỗi việc nó làm, người ta có đủ thì giờ làm được vài việc. Vì thế nó vẫn bị mẹ mắng nhiều hơn chị.
Hĩm bỏ cái gương con vào túi áo cộc trắng mặc trong áo vài đông lầm, chạy lên nhà:
- Bu gọi gì con cơ?
Trông thấy con gái trang điểm gọn gàng, bà lý bằng lòng. Thời còn trẻ, bà cũng thích trang điểm, tuy không dám mặc quần cạp đỏ cánh sen để lộ ở hai bên nách áo, không dám mặc áo cổ thìa hồ lơ trắng bóng. Bà chỉ dám mặc đến cái váy chổi thâm, cái áo cộc nâu non là cùng. Nhưng bà không khen con gái ra miệng, sợ nó được thể sinh hư. Bà mắng qua loa lấy lệ:
- Lúc nào cũng thấy mày điểm trang. Giá mày san sẻ cho em mày một tí thì phải. Tao chẳng thấy mày rời cái dây lưng xanh lúc nào (Hĩm tủm tỉm cười). Con Sồi nó có bảo gì mày không?
- Không. Nó chỉ bảo con lên bu gọi.
- Biết mà! Lần nào chả vậy. Tao không thấy ai ít mồm ít miệng quá như nó. Thế mà họ ưa được. Mày mở cửa buồng lấy bốn bơ gạo thổi cho thợ làm.
- Bốn người bốn bơ thì làm sao đủ hở, bu? Nếu có chú Trạch thì riêng mình chú ấy đã hai bơ rồi.
Bà lý tủm tỉm cười:
- Chú ấy ăn khỏe thì lại làm khỏe, đi đâu mà thiệt. Nhưng mà hôm nay không có chú ấy. Chỉ có bác Sẹo, thằng Ngỗng với hai người đàn bà tát nước thôi.
- Thế thì bốn bơ cũng thiếu, bu ạ.
- Thiếu đã có cơm nguội tối hôm qua.
- Sồi nó trộn vào cám cho lợn ăn cả rồi còn đâu.
Bà lý hơi có giọng gắt:
- Mày tính nó ít lời thế đấy. Thế mà nó cũng chẳng buồn nói cho tao biết. Vậy mày lấy thêm bơ nữa là năm bơ. Năm nay theo đuổi cấy chiêm cánh ruộng đằng sau tốn quá. Trời cứ không mưa mãi thế này thì những công tát nước cũng đủ nhựợc.
Hĩm vừa đáp vừa đi lại mở khóa buồng thóc:
- Ông ấy nắng mãi rồi cũng phải mưa chứ. Ra Giêng con chắc mưa nhiều. - Hĩm mở cửa bước vao trong buồng tối. Bà lý nói theo:
- Mưa lắm thuốc men lại hỏng. Đằng nào cũng tội.
Hĩm ở trong buồng nói ra:
- Thế thì biết thế nào cho vừa lòng bu được.
Hĩm đặt rá gạo xuống thềm, khóa cửa lại, rồi cắp rá đi ra bể vo gạo.
Ông lý vừa dậy, chưa kịp súc miệng đã vớ lấy cái điếu hút một hơi dài. Ông say lử, ngồi gục đầu xuống thở, cặp mắt lim dim như đứa trẻ ngủ gà ngủ vịt. Một lát, bớt say, ông lầm bầm, nói một mình: “Ăn đi đẫy chùng”, thế mà họ dám đánh xuống “khuôn” thì lạ thực. Thuốc này chẳng “đâu thuận” thì ít ra cũng “giữa thuận” hay “cuối thuận” là cùng. Dẫu cái điếu của mình ăn có đổi thuốc đi nữa. Bà lý nhà mình, động ai nói cũng tin mình nói thì cấm tin bao giờ. Bụt nhà không thiêng có khác.
Bụt nhà thiêng hay không cũng tại ông.
Từ ngày mãn khóa, theo gót các cụ bước lên chiếu trên, ông đã nghiễm nhiên thành một ông cựu có vai vế, có quyền ăn nói hống hách trong thôn. Suốt tháng, suốt năm ngoái những việc ra đình mỗi khi có tuần tiết, ngoài những việc đi đám xá chè chén, ông chỉ việc ngồi nhà nếm thuốc; hoặc có bọn thuốc nào hỏi giá, ông mang chiếu về rồi đi mua giúp bà. Bà vẫn tin dùng ông, coi ông như quân sư của bà.
Nhưng, một lần ông thông đồng với nhà có thuốc đánh hàng “khuôn” lên “thuận”, ăn lấn của bà được mỗi trăm thuốc đồng bạc. Đến khi vỡ lở thì ông đã nướng sạch trong đám bạc rồi. Từ đấy bà không tin ông nữa, có mượn ông nếm rồi bà cũng tìm một vài người thân tín soát lại như món thuốc ông vừa mới nếm chiều xong.
Nói lảm nhảm hồi lâu, ông đứng dậy xách chiếc thau đồng con ra bể. Chiếc thau nhỏ xíu như chiếc thau “quán tẩy” ở đình, chỉ một gáo nước là đầy ngập. Ông ngồi xuống rửa mặt. Ông rửa đi rửa lại, bao giờ cho nước trong thau đục ngầu như nước đất, không nhìn thấy đáy nữa mới thôi.
Bà lý đã ra ruộng trông nhổ mạ. Cái Sồi băm bèo quất cám cho lợn xong cũng đi ra đồng tát nước thay một người đàn bà để họ cấy cho đỡ tốn thêm buổi làm. Cái Hĩm cắp rồ bát đĩa ở ao về xếp lên chạn, giặt giạ phơi phóng xong, liền ngồi vào khung cửi dệt.
Từ ngày nó biết dệt, bà lý thỉnh thoảng mới đỡ đần nó một vài lúc, tuy bà dệt vừa nhanh vừa mịn mặt vải. Bá muốn con bà dệt thạo hơn bà để kén chồng cho dễ vì các bà kén vợ cho con chỉ chăm chú vào cái khung cửi.
Thằng cu nhớn đã sang hàng xóm chơi đình với lũ trẻ bên ấy. Chính tên nó là Quy, vì nó sinh vào năm bà nó quy, hoặc vì bà nó quy nên mới có nó. Năm nay nó lên mười, người gầy xác như que trẽ, trán gồ, mắt ti hí, mồm rộng và cặp môi mỏng quèn. Nó hiền lành, nhút nhát, ra đường sợ trẻ bắt nạt, nhưng về nhà lại bắt nạt em. Nó có tính hay nói dối, hay thù vặt, hay ghen ghét, keo kiệt, bủn xỉn, nhưng lại có tính ham mê cờ bạc. Dành dụm được bao nhiêu, nó thường đem cúng vào đám lú hết. Rồi nó tiếc, đứng thừ một xó, mặt xì xì hằng giờ.
Thằng cu con đã ra sân đình nô đùa với lũ quỷ sứ. Tên nó là Chút, cái tên ngộ nghĩnh do một bà trong họ đặt, có ý chúc cho bá lý đẻ thêm thằng Chít nữa.
Thằng Chút ít khi đùa nghịch với anh. Nó ghét anh nó cũng có, nhưng thực ra nó không thích ngồi co ro một chỗ, cặm cụi xếp gạch làm đình, nhào đất nặn tượng. Nó thích chạy nhảy, làm ngựa, chơi ba ba, thuồng luồng, đánh nhau vỡ đầu sứt tai. Không mấy lúc nó chịu yên chân yên tay. Vì thế, tuy kém anh hai tuổi mà trông người nó vạm vỡ khỏe mạnh hơn nhiều. Có người thấy nó táo tợn, đã bảo mẹ nó sau này nên cho nó ra lính, tất sẽ chóng lên cai lên đội, như ông đội Thắng trong làng.
Bà lý xem chừng mến nó hơn thằng anh, tuy bà thường bị rầy rà mất công mất việc vì nó. Chẳng mấy chiều là không có bà mang con đến tận cổng réo: “Bà lý ơi! Bà ra xem con bà nó ném (hoặc nó đánh, nó vật) thằng bé nhà tôi đổ cả máu mồm, máu miệng ra đây này!” Bà lý phải ra xin lỗi và cầm roi quất lấy lòng vào mông con mấy cái. Trước kia, thằng bé gan lỳ, đau thì đau, chỉ đỏ mặt tức giận chứ nhất định không khóc. Sau nó thấy anh nó, mỗi lần cái roi động sẽ vào người là tru tréo ầm nhà làm cho mẹ nó không dám đánh nữa, nên nó cũng bắt chước, nhưng chỉ chốc lát nó lại tươi cười, nghịch ngợm như thường.
Ông lý rửa mặt xong, cầm thau tưới vào hai chậu đinh lăng trên hai cái đấu ở hai đầu bể. Đoạn, ông đem thau vào đặt trên phản để lát nữa bà lý về têm trầu bỏ vào đấy thay cho cái âu. Ông đứng thu tây vào bọc, ngắm nghía đôi lộc bình bày hai bên cỗ ỷ, ngay sát vách. Đôi lộc bình Thanh Trì, miệng loe như miệng ống nhổ, thân phình ra như cái chĩnh, vẽ cây chuối với con voi xanh lè trên thứ men trắng bệch, rõ như đồ mã rằm tháng Bảy. Ông mua ở chợ Nam cữ trong Tết, có hai đồng rưỡi
một đôi. Ông cho là rẻ lắm. Cứ cái xác to của nó cũng đáng hai đồng rưỡi rồi, không kể công trình và tài khéo léo của người nặn ra nó.
- Đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại. Mình phải để nó ra ngoài sáng cho mọi người biết chứ.
Ông bèn lấy mảnh vải cũ lau chùi sạch bụi rồi bê cẩn thận, đặt cạnh đôi đèn gỗ sơn son thếp vàng. Ông liên tưởng đến những đồ sứ, từ cái ống hoa nhỏ, cái điếu bịt bạc, cái nậm cho chí những bát kiểu con phượng bày la liệt trong chiếc tủ chè bằng gỗ tâm trai của quản Chu. Ông không dám ngỏ ý muốn với mẹ đĩ, sợ mẹ đĩ lại giở cái liều lĩnh của ông ra mai mỉa: “Ối chào! Ông mà cũng định sắm với siếc kia. Bao nhiêu của đổ cả vào cái bát thì sao không bớt lấy một ít mà sắm có được không”. Thôi đành để khi nào phất canh bạc to, ông sẽ bỏ tiền ra sắm lấy vậy.
Ngắm nghía đôi lộc bình chán rồi, nghĩ chẳng còn việc gì làm, ông đi ra đằng sau nhà cúi đầu xuống mái chuồng, thăm hai con lợn đương rúc mõm trong cái ang sành hết cám. Một con ngửng đầu, động đậy cái mõm hồng hồng, nõn như gan bàn chân đứa trẻ mới được vài ba tháng. Đôi mắt híp nhìn ông như muốn nói: “Cám hết rồi, trộn thêm vào cho chúng tôi ăn thêm chứ!” Ông lý đáp lại bằng câu mắng nhiếc: “Ăn đến xấu thói. Bao nhiêu cám ăn hết nhẵn cả, chỉ còn để độc bèo. Ông cho chốc nữa đói rồi cũng phải sực hết”. Ông khen bà lý: “Con mẹ thế mà mua khéo đấy! Mới độ nào còn ton hỏn mà bây giờ trông đã khá lắm nhỉ. Tháng Hai này bán cho thôn làm lễ an tạ được rồi đấy”. Giá lúc ấy có bà lý thì phải biết. Bà thì rủa cho hàng thôi và đốt vía ông như cữ nào có người khách đến quở, lúc khách ra bà bực tức, đốt vía vang, đốt những đứa quở quang, độc mồm độc miệng...
Ông đi ra sân, nhìn vẩn, nhìn vơ, nhìn mấy buồng cau chót vót trên ngọn, nhìn những bát hương lạnh ngắt trên cây hương. Rồi ông lần vào bếp, thấy trơ trọi lỏng chỏng có mỗi một ấm nước trên ba đầu rau. Ông ngồi xổm, dốc vòi xuống rót. Chẳng còn một giọt nào. Ông gắt: “Thế thì thôi. Rót nhẵn, chẳng để phần mình tí nào”. Ông đứng dậy, hai tay vắt sau lưng, đi sang hàng xóm. Mấy con chó đã quen hơi, ve vẩy đuôi, quấn quít chung quanh, mừng. Ông không để ý, đi thẳng vào trong nhà.
Xã Khoan ngồi xếp bằng trên phản, tay cầm xe điếu gõ vào điếu. Trí lơ đễnh nghĩ đâu đâu. Thằng cu cháu lên hai, ngồi trong lòng, ngả đầu ra, một tay chống, một tay đập xuống phản - chiếc vòng bạc có nhạc với quả bí đụng vào nhau sang sảng.
Thấy ông lý vào, xã Khoan ngồi thản nhiên mời (vì hai người đã thân nhau như anh em):
- Ông lý! Tôi có ấm chè nóng ngon lắm. Ông ngồi lại xơi nước. Chòm ạ! Bắc ấm nước lên cho thầy!
Chòm là thằng thứ ba. Hai thằng lớn, thằng Hương, thằng Quán, đã đi trông nom đồng áng thay bố. Tên nó là thằng Chòm vì ngày còn bé, tóc nó cứng quá, đâm tua tủa lên như cái chổi sề. Nó mới lên mười, còn ở nhà coi cháu cho anh cả và giúp việc lặt vặt cho bố mẹ.
Nghe thấy tiếng thầy gọi, nó nói vội lên:
- Có phải đun lại không, bố?
- Ấy chết chớ! Còn nóng đấy nhé! Đun lại nó đỏ ngòm ra thì hỏng bét.
Thằng bé có ý. Nó lấy mấy cọng rơm lót cho khỏi bòng tay và thổi bụi bám ngoài vành ấm, rồi bưng lên rót vào hai cái bát mẫu khê cáu vàng.
Ông lý uống vài ngụm, khen lấy lòng:
- Ôi chào! Bác mua được cái chè ngon quá nhỉ. Chè này chè đồi chứ không phải chè vườn, thơm thơm, chan chát như trồng cạnh khóm sắn ấy...
- Vâng, tôi cũng thấy thế.
- Bác gái đi chợ Ngảy phỏng? Chợ ấy xa, có lẽ chiều tối mới về đến nhà.
- Vâng, nhà tôi đi từ sớm. - Và trông mặt hắn tươi hẳn lên. Hắn tươi là phải, vì mấy người được đảm như vợ hắn để hắn được nhàn nhã ngồi bế cháu.
Vót đỏng đa đỏng đảnh, chua ngoa có tiếng nhưng lại là một người đàn bà đảm đang, chỉ có một cái đội đi chợ, bác đã làm giàu làm có cho chồng, lo được hương chánh cho con cả, được quản xã cho con thứ. Còn thằng thứ ba cũng tập tễnh sắp sửa ông nhiêu ông xã nay mai.
Có nhiều người đã khuyên bà xã lo nốt cho ông xã cái chức lý thôn như ông lý bên hàng xóm. Bà xã bĩu môi nói: “Các bà ạ, không phải tôi tiếc gì tiền mà không chịu lo cho ông ấy đâu. Nhưng các bà phải hiểu ông xã nhà tôi đã hơn năm mươi tuổi, gần lão đến nơi rồi. Không lẽ bây giờ ông ấy lại cầm roi đi mời từ ông lý cựu chẳng lớn gì hơn thằng Hương, thằng Quán nhà tôi. Các bà tính tội gì mất tiền mua chuốc lấy cái dại vào mình... Ừ, tôi chỉ là con mẹ xã nhép. Nhưng đố ai dám bắt nạt tôi, dám hạch sách tôi, dám động đến chân lông tôi”.
Mọi người cười xòa: “Ai dám động đến chân lông bà!”
Ông lý uống vài bát nước, nói dăm ba câu chuyện phiếm rồi đứng dậy đi lang thang ngoài đường. Ông quen chân bước đến nhà khán Để, làm việc trước ông một khóa. Chức khán thủ khi xưa tức là chức lý thôn bây giờ. Các cụ thấy chức khán đối với thiên hạ vẫn bị rẻ rúng, coi thường coi khinh mà công việc vất vả, chẳng kém gì công việc lý trưởng, nên các cụ đã họp việc làng bàn đổi sang tên lý thôn. Từ đấy có người gọi khán Để là lý, có người vẫn quen mồm gọi là khán.
Vợ khán Để vừa đóng oản với hai con xong đương rửa nồi chõ, đứng dậy chào:
- Ông lại chơi. Nhà tôi vừa mới ra miếu làm tuần.
- Chết chửa! Hôm nay tuần mà tôi quên bẵng đi mất. Thế mà đương thứ chẳng đến mời mình gì cả. Họ tệ thật. Để tôi ra đình tôi bảo.
- Có lẽ họ đến vào lúc ông đi vắng đấy. Nay đến lượt nhà tôi làm tuần nên mới đi từ sớm.
- Thôi thế kính bà nghỉ. Tôi cũng ra miếu đây.
Ông hấp tấp, vội vàng như có công việc gì quan hệ lắm. Đến miếu thì mấy ông hành lễ vừa tế xong. Các ông cựu theo thứ tự lễ hai người một. Sau cùng đến bọn đương thứ. Rồi các ông ngả xôi gà ra chén, còn oản chuối đem phân phát biếu những ông chức dịch, tức cũng là những ông cựu ở đây và những ông nằm nhà, mỗi ông một phẩm oản với một quả chuối.
Lộc thánh tất cả có ba con gà và một mâm xôi nhỏ. Thế mà hai mươi ông ăn cũng đủ, miễn là mỗi mâm có một chai rượu là được rồi, tuy không được túy lúy càn khôn như ngày đại tiết... Ăn uống xong, các ông tản mát mỗi người một ngả. Năm bảy ông ngồi lại họp tổ tôm. Ông không đánh ngồi chầu rìa, mách nước. Gần hết hội mà chưa ông nào chịu góp. Ông lý và một vài ông có tiền cũng không dám bỏ ra, sợ được thì được “tịch” mà thua thì mất “thiếc”. Hết hội, các ông tính toán tiền nong, ông thua nợ ông được, rối xòe. Các ông đã vậy, còn thằng mõ chia bài thì sao? Một ông thua nhiều nhất chịu đứng ra nhận vậy, ông khất nợ: “Này, cái số một hào chia bài, tao nhận, mai kia tao trả nhé”.
Ba bốn ông đòi đánh hội nữa. Ông lý đứng dậy cáo thoái: “Xin nhường các cụ đánh với nhau, tôi bận phải đi đằng này”. Ra đường ông lẩm bẩm: “Các cụ đánh cái lối biên sổ thế thì nhà cháu xin kiếu các cụ thôi”. Ông đi lang thang, tạt vào những nhà sẵn khách đánh sòng phẳng, nhưng đang mùa cày cấy, hiếm khách chơi gò gẫm mãi vẫn không sao đủ chân. Lúc trở về nhà thì vừa nhá nhem tối.
Thế là ông lý đã sống đầy đủ một ngày để rồi ngày mai ông lại sống tương tự như thế
0 comments: