Phần 2 Chương 2.
Bỗng có tiếng chó sủa. Thằng Quy chạy ra cổng. Bà chánh Bút đứng ngoài gọi: “Này em, coi chó cho bác tí”.
Bà lý đương têm trầu ở nhà trên, bước ra chào: “Lạy bà ạ. Rước bà vào chơi trong nhà”. Và bà lấy làm lạ, vì từ xưa có bao giờ bà chánh Bút đến chơi nhà bà. Họa hoằn có gặp đi chợ, bà ta cũng chỉ chào hỏi vài câu lấy lệ.
Bà chánh nhìn khắp mấy gian nhà và khen nịnh:
- Nhà bà rộng rãi mát mẻ quá nhỉ.
Bà lý đáp:
- Chật chội thế mà bà bảo rộng... Không bằng cái bếp nhà bà.
- Không, thật mà! Nhà tôi, nhà ngói, sân gạch, trưa đến nóng quá. Nhất về dạo tháng Sáu tháng Bảy, nóng như thiêu như đốt... À, vụ chiêm này bà lý cấy có được khá không?
- Thưa bà, nhà cháu làm gì có mà cấy nhiều. Có ba mẫu đồng cửa với một mẫu đồng sau. Năm nay cấy ruộng đồng sau vất vả quá, bà ạ.
- Vâng, năm nay ít mưa, công tát nước hết nhiều quá. Tôi cũng cấy ba mẫu đồng sau. Giá cứ nghe bà hậu bỏ goá lại hóa may... À này, tôi... tôi định hỏi lại quên. Cô Hĩm năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ? Đã có chỗ nào dạm chưa?
Bà lý tủm tỉm cười:
- Thưa bà, cháu năm nay mười bảy. Nhà nghèo nên chưa có ai hỏi cả. Đến ế mất, bà ạ. Bà có đám nào...
- Ấy, tôi đến cũng định làm mối cháu cho ông chánh Ích, ông chánh nghị giàu nhất nhì huyện ta đấy mà, chắc bà cũng biết.
- Thưa tôi biết tiếng thôi. Nhưng mà tôi nghe thấy nói người ta đã có vợ con rồi. Mà con gái tôi cũng chỉ bằng con người ta thôi. Ai lại gả bán thế.
Bà chánh vội chống chế:
- Người ta hiếm hoi, mới có hai cô con gái thôi, bà ạ. Cầu tự mãi chẳng được mụn trai nào. Bà cả nghe chừng khó đẻ lắm. Mà đi xem bói xem số, đâu cũng nói: “Phải lấy vợ lẽ cho chồng”. - Bà chánh đương nói thì ông lý ở đâu về. Bà quay ra, đổi sang câu khác. - Ông lý đã đến chơi nhà ông ta mấy lần đây. Ông chánh Ích, nghị Ích ấy mà.
Hình như hai người, ông lý và bà chánh đã bàn mảnh với nhau rồi, nên ông lý biết trước công việc của bà ta, nói đế vào:
- Thưa bà, ai chứ ông ấy thì khắp huyện đều biết: người rất nhã nhặn, tử tế.
Bà chánh nói chêm:
- Và giàu có lắm. Ông có biết ông ta có bao nhiêu ruộng không? - Bà quay sang phía bà lý - Ngót trăm mẫu, bà ạ, trăm mẫu với mười lăm mười sáu con trâu cày. Ông lý đã xuống chỗ làm ăn chưa nhỉ? Một rẫy (dãy) chuồng trâu, chuồng lợn dài như quán chợ. Sáu bảy cây thóc tướng. Nhà mình ăn tiêu một năm vị tất đã hết một cây của người ta... Dễ ông lý đã ngồi tiếp chuyện bà ta rồi đấy nhỉ?
Ông lý còn đương nghĩ xem ngồi chỗ nào cho tiện, bỗng bị hỏi, ông luống cuống:
- Vâng, bà ta, bà ta...
Bà chánh đỡ lời:
- Bà ta hiền từ, phúc hậu quá. Thế mà chỉ tội hiếm hoi. Hai cô gái thì nết na, hiền lành, dễ bảo. Con gái ông bà được vào chỗ ấy thật chúng tôi cũng mừng.
Bà lý không trả lời, vẻ mặt suy nghĩ. Ông lý hớn hở đáp lại liền:
- Nếu con gái tôi được vào nhà ấy còn đâu sung sướng bằng.
Bà chánh quay sang hỏi bà lý:
- Ông lý bằng lòng lắm rồi, còn bà nghĩ sao? Tôi thiết tưởng làm lẽ cũng năm bảy đường làm lẽ. Có chỗ khổ sở thật, nhưng chỗ này thì tôi dám quyết là sung sướng. Người ta vì hiếm hoi nên quý trọng người. Nếu nhờ trời, con gái bà lại đẻ được cậu con trai thì người ta quý như vàng như ngọc. Thật đấy, bà cứ bằng lòng đi.
Bà lý không nỡ chối từ, sợ mếch lòng bà chánh. Nhưng bà cũng không trả lời nhất quyết về mặt nào:
- Thưa bà, xin hãy thong thả. Để tôi còn hỏi ý cháu xem đã.
Bà chánh gạt đi:
- Trẻ nó biết gì mà hỏi nó. Mình là cha là mẹ, mình xem nơi nào con mình có thể nương nhờ được thì cứ việc ưng thuận. Chúng nó thì cứ nên cho đặt đâu ngồi đấy là phải. - Bà tìm hết những bà vợ lẽ được chồng yêu, vợ cả chiều, như bà vợ hai ông chánh Yên, bà vợ ba ông hội Long, bà cụ huyện hai, bà cụ phủ ba, nhưng còn không biết bao nhiêu bà vợ lẽ khốn khổ hơn tôi đòi thì hình như bà quên khuấy đi mất. Mỗi lần bà chánh kể một bà vợ lẽ thì ông lý lại chêm vào vài câu khen ngợi.
Bà lý yên lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng nhếch mép cười. Không biết nụ cười của bà có vẻ mỉa mai hai người hay đó là nụ cười tiếp khách.
Bà chánh ra rồi, ông lý đi lại ngồi chỗ bà lý gạn hỏi vợ:
- Bà ta nói thế, bà nó nghĩ thế nào? Tôi thì tôi cứ gả phăng, chắc là con mình được chỗ nương tựa, mà mình...
Bà lý phát cáu, ngắt lời:
- Thôi thỏi, việc gả bán ông cứ để kệ tôi, chẳng việc gì đến ông. Ông còn nhớ ông thông đồng với người ta, ăn lận...
Ông lý ngượng, đứng dậy nói lấp:
- Đương việc nọ thì sọ sang việc kia, chẳng đâu vào đâu. Đã thế thì mặc kệ bà, tôi chẳng rỗi hơi bàn bạc. - Nói rồi ông đi thẳng ra cổng, cút mất. Ông đến đằng xã Vị đánh tổ tôm cho qua thời cơ nhàn rỗi. Chiều, ông thủng thỉnh đến nhà bà chánh Bút để xoay kế khác.
Bà chánh chạy vội ra, hỏi:
- Thế nào ông lý. Việc xong chú?
Ông lý cười nhạt lắc đầu:
- Nhà tôi ương ngạnh, cáu kỉnh, có chịu nghe tôi bao giờ đâu.
Bà chánh thất vọng, đương vui đổi ra nét mặt buồn:
- Thế thì ông chịu mất món bở à? Tôi nói thực với ông, tôi cũng chỉ làm mối giúp người ta thôi. Xong thì người ta cho một cái quà nhỏ độ vài ba đồng, chứ có đâu được những năm chục bạc như ông.
Bà chánh quyệt lắm. Bà nhắc lại số tiền to ấy để đánh vào lòng tham của ông lý. Ông lý đi thẳng vào trong nhà:
- Chẳng xong rồi cũng phải xong. Tôi còn cách này chắc phải được mười mươi.
Bà chánh theo sau. Hai người cùng ngồi trên chiếc sập quang dầu kê ngay trước mặt chiếc buồng ăn chạm trổ, sơn son thếp vàng. Ông lý nói tiếp:
- Bà chánh ạ, tôi bảo bà nhé! Bà đến đằng cụ lý cả là ông bác tôi ấy mà. Tính ông cụ! Bà chưa biết chỉ thích danh giá, thích bè đảng mạnh, có quyền thế... Mà nhà tôi kính nể, sợ cụ lắm. Cụ bảo thế nào, hay dở, nhà tôi đố dám trái ý. Vậy bà cứ đến cụ lý cả là xong xuôi, nhưng phải nói khéo, phật ý cụ tôi một tí là hỏng bét. Chỗ ấy mà...
Bà chánh giở (trở) lại tươi tỉnh, ngắt lời:
- Việc gì chứ việc nói khéo thì chẳng phải bàn. Tôi chỉ sinh nhai về nghề làm mối, không nói khéo thì ai nghe. Thế ông lý đến với tôi nhé.
- Ấy chớ, tôi mà đến thì lại thêm khó ra. Cụ ghét tôi lắm. Được, để tôi nhờ vài ông chú họ, những người thường được cụ tôi gọi đến bàn việc hương đảng... Thôi thế chào bà. Bà ngồi đợi tí nữa tôi rủ họ đến. - Ông vừa nói vừa đứng dậy đi ra cổng.
Bà chánh đứng trên thềm nói với:
- Nhanh lên ông lý ạ. Tôi đợi đấy.
- Vâng.
Sâm sẩm tối, bà chánh cùng hai ngưòi chú ông lý đến nhà cụ lý cả. Dưới ánh đèn ba dây, cụ đương đứng nhìn cháu cụ gấp bộ xiêm áo và mũ tế vào trong hòm áo. Vì ban sáng có đại tiết cụ đứng chủ tế.
- Lạy cụ ạ. - Bà chánh chắp tay vái chào lễ phép lắm.
Cụ lý giương mục kỉnh nhìn. Cụ chưa kịp hỏi thì một ông chú liền nói:
- Bẩm cụ, bà chánh Bút ở xóm ngoài đó ạ.
- À, bà chánh con dâu cụ lý Trần phải không?
Bà chánh cười tít mắt, nói bằng một giọng niềm nở:
- Bẩm vâng, cháu đây ạ. Cụ nhớ quá nhỉ. Bẩm cháu đi chẩy (trẩy) hội về, có ít quà đem đến biếu cụ, gọi là lộc thánh. - Vừa nói, bà vừa lấy ở thúng ra hai phong bánh khảo và một buồng chuối ngự thơm phưng phức.
Cụ lý tươi tỉnh, giơ tay ra mời:
- Bà chánh ngồi ghế chơi. - Nói xong, cụ cũng vén áo ngồi trên chiếc sập gụ, đưa tay vào cái tráp sơn then. Bên cạnh cụ một cái điếu ống khảm, xe dài con vót. Rõ ra một cụ cựu có vai vế nhất trong thôn, không kể ông tiên chỉ đi làm việc quan vắng. Cụ nói tiếp:
- Thằng cháu cả đâu? Cháu bảo thằng nhỏ đun nước pha chè Chính Thái đấy nhé.
Bà chánh đứng dậy chối từ:
- Bẩm chỗ con cháu, xin cụ chước cho ạ.
- Được. Thì bà chánh hãy thưởng vài chén trà với lão tí nào.
Bả chánh ngồi xuống, tủm tỉm cười:
- Dạ.
Hai ông chú ngồi nghiêm chỉnh. Không ông nào dám ho he, vì cụ lý cả người vốn hách dịch, trọng lễ nghi, trật tự. Các ông đối với cụ chỉ là hạng đàn em, có hỏi đến mới được thưa.
Bà chánh uống nước, nói chuyện làm ăn rồi dần dà đi vào công việc của bà. Bà nói không có vẻ đột ngột tí nào:
- Bẩm cụ, rễ (dễ) cụ cũng biết ông chánh Ích ở xã Thịnh Cầu, đấy nhỉ?
- Có, tôi cũng biết tiếng thôi. Ông ta giàu có lắm thì phải.
- Bẩm, thôi còn phải nói. Từ ngày ông ta lo được cái nghị viên, ông ta lại có quyền thế lắm, cụ ạ. Ông ta đi lại trên cụ thượng luôn và thân với quan huyện lắm, xin gì được nấy... Bẩm cụ, ông ta mấy lần đến chơi nhà cháu, cứ định lại hầu chuyện cụ.
Cụ lý nhún nhường:
- Không dám, lão thì kể vào đâu mà được ông nghị đến chơi nhà. - Trong bụng cụ cũng tin như vậy.
Bà chánh cười nói:
- Bẩm cụ, cụ nghĩ thế chứ ông ta, xin lỗi cụ - Bà vừa cười vừa nói - còn muốn được làm cháu rể cụ đấy.
Cụ lý ngạc nhiên hỏi:
- Bà chánh nói thế nào lão không hiểu.
Bà chánh mỉm cười:
- Bẩm cụ, ông ta muốn hỏi cô Hĩm con ông lý Bổng là cháu cụ ấy.
- Có thật không, hay bà chánh nói đùa đấy?
- Bẩm chả thật mà lại vật nài cháu đến làm mối, cháu chỉ sợ ông lý bà lý không bằng lòng.
Cụ lý vui mừng lộ ra mặt:
- Nếu thế có phải thật thế thì còn đâu hơn nữa lại chả bằng lòng.
- Bẩm cụ, ông ta tuy đã có vợ rồi nhưng mà hiếm hoi lắm, chưa được cậu con trai nào cà. Bà nghị xem chừng không đẻ nữa vì đã bẵng đi hơn mười năm nay còn gì.
- Hay tại ông ta...
Bà chánh vội ngắt lời:
- Dạ không phải. Chính tại bà ta. Ông nghị cháu mới ngoài bốn mươi, trông người hồng hào, khỏe mạnh như con trai vậy.
Cụ lý kéo cái điếu ống vào gần và nói thong thả:
- Ngoài bốn mươi thì còn trẻ chán. Chỗ ấy mà chẳng thuận thì chẳng còn thuận đâu hơn nữa.
Một ông chú chạy vội lại, bật diêm châm điếu. Cụ hút có kiểu cách. Hút xong, cụ nhấp giọng bằng một chén trà. Cụ quay ra, nói tiếp:
- Bà chánh xơi nước, trà Chính Thái có khác, ngon thật.
- Không dám, cụ để mặc cháu - Thấy cụ lý đã bằng lòng, bà nói thật:
- Bẩm cụ, chẳng dám giấu gì cụ, cháu cũng đã nói chuyện với bà lý, nhưng xem chừng bà lý còn luỡng lự. Giá được cụ bảo giùm cho một tiếng thì thế nào cũng xong. Cháu nghe thấy cả họ cùng kính nể cụ lắm.
Cụ lý được bà chánh tâng bốc, hả dạ, nói bằng một giọng quả quyết:
- Được. Bà chánh cứ nói với ông nghị rằng: đã nhờ đến tôi thì thế nào cũng xong.
Bà chánh sung sướng cười đáp lại:
- Dạ, nếu cụ giúp hộ được thì ông nghị và chúng cháu không bao giờ dám quên ơn cụ.
- Không dám.
Bà chánh đứng dậy xoa hai bàn tay vào nhau:
- Bây giờ cháu xin lạy cụ. Mai kia cháu lại đến hầu cụ, nếu được thì cháu sẽ nói với ông nghị chọn ngày...
- Được, tôi đã giúp thì thế nào cũng xong.
- Thôi thì trăm sự nhờ cụ cả. Lạy cụ ạ.
- Không dám. Có đứa nào đấy không? Ra coi chó cho bà chánh, mày!... Dễ tối rồi đấy nhỉ. Đã lão bảo nó cầm đèn...
Bà chánh đã bước xuống sân, vội quay lại ngăn:
- Bẩm xin cụ chước cho ạ. Trời đầy sao, trông còn rõ đường lối ạ.
- Thôi thế bà chánh lại nhà nhé.
- Dạ, lạy cụ ạ.
- Không dám.
Hai ông chú ngồi lại hầu chuyện cụ một chốc rồi cũng về.
Bà chánh ra đến đường nghĩ bụng: “Ông lão dễ bảo quá. Cứ như ông thì muốn lấy cả cô chị lẫn cô em cũng được”. Bà sung sướng, chắc mẫm được vài chục bạc quà biếu của ông nghị.
Sáng hôm sau, cụ lý chống gậy trúc đến nhà bà lý. Cụ năm nay đã tám mươi nhưng còn khỏe mạnh, tinh tường lắm, giá không dùng gậy cũng được. Bốn năm ông chú họ đi theo hầu.
Bà lý sợ cuống cuồng, vội chạy vào trong nhà phủi chiếu, xếp dọn rối rít. Thằng Quy, thằng Chút lẻn xuống nhà ngang, chuồn mắt. Không biết cụ lý có cái gì mà chúng sợ thế? Ông lý biết sáng nay thế nào cụ cũng đến, đã lẻn đi chơi từ sớm. Ông không dám giáp mặt cụ bao giờ. Cụ sắp đưa gậy vào khe cửa. Một ông chú vội lại đỡ lấy. Cụ ngồi xếp bằng trên phản giữa, một tay đưa lên vuốt bộ râu bạc phơ. Mấy ông chú ngồi xếp hàng ở phản bên im phăng phắc.
Cụ đưa mắt nhìn khắp ba gian nhà rồi hỏi:
- Anh lý đâu?
- Bẩm bác, nhà cháu đi đâu từ sớm.
- Hừ, cái thằng... Giá nó ra người thì trong thôn ổ, quan huyện cao xa không kể, nhất bác rồi đến nó đấy... À này lý!
- Dạ.
- Bác nghe thấy có ông nghị nào ở Thịnh Cầu muốn hỏi con bé nhớn phỏng?
- Dạ, bẩm bác vâng... nhưng mà cháu hỏi nó cứ giãy nảy, nhất định không chịu làm lẽ. Bẩm...
Cụ lý ngắt lời, cất cao giọng như có ý gắt:
- Việc dựng vợ gả chồng là quyền ở bố mẹ chứ việc gì phải hỏi đến nó. Thế ngày xưa chị lấy chồng, bố mẹ chị có để quyền chị chọn lựa không?
- Bẩm bác nhưng mà lấy làm lẽ thì...
Cụ lý cướp lời, gắt:
- Thì sao? Làm lẽ! Làm lẽ cũng năm bảy đường làm lẽ. Làm lẽ ông nọ, ông kia dễ mà mấy người được... Thà rằng ăn nửa quả hồng, còn hơn ăn cả chùm sung chát sì. Hay là chị không muốn gả thì chị bảo?
Bà lý uất ức, ứa nước mắt:
- Bẩm bác, việc gả bán là quyền ở bác, ở nhà cháu, chứ cháu không bằng lòng cũng chẳng được.
Cụ lý thương hại, đổi giọng:
- Quyền cả cháu nữa chứ. Cháu có công đẻ ra nó kia mà. Nhưng này, bác bảo thật. Từ xưa bác có bảo dại các cháu đâu. Bác muốn cho trẻ nó được nương dựa vào nơi quyền quý để cả họ cũng được thơm lây, chứ bác ăn lễ, ăn nghĩa gì... Vậy cháu cứ thuận đi. Thằng chồng cháu, bác bảo là phải nghe. Sau này rồi cháu mới biết là bác nói phải.
Mấy ông chú ngồi như bụt mọc, thỉnh thoảng đã một vài câu vuốt đuôi để mong được hài lòng cụ.
Cụ hỏi qua loa công việc làm ăn rồi đứng dậy chống gậy về. Cố nhiên mấy ông chú lại theo sau hầu cụ. Cụ cho việc cụ giúp thế là xong. Chẳng xong cũng chẳng được với cụ.
Bà lý, cả ngày hôm ấy, đâm ra cáu kỉnh, gắt gỏng luôn. Không khí trong nhà trở nên nặng nề, khó chịu. Cái Hĩm sợ mẹ, cắm đầu dệt. Cái Sồi vẫn lì lì làm mọi việc, nét mặt chẳng đổi khác chút nào. Thằng Quy, thằng Chút lẻn ra đường chơi với lũ trẻ.
Tối mịt rồi, bà lý vẫn không thấy mặt chồng. Bà cũng chẳng mong đợi, chẳng buồn hỏi han đến. Lần này thì bà ghét chồng thậm tệ, coi như một thằng lừa đảo, vô lương tâm. Bà lủi thủi sang hàng xóm, họa may Vót, người thân tín của bà, có an ủi bà được chút nào chăng.
Vót đương mải gấp, vuốt những tấm lụa mốc xếp vào đẫy để mai đi chợ Hộ sớm. Chiếc đèn búp măng đặt trên bàn thờ chiếu ánh vàng xuống mặt phản. Xã Khoan, chồng Vót, bế cháu nằm võng, thiu thiu ngủ. Con cái ở cả nhà dưới. Trong nhà yên lặng.
- Chỉ bác là sướng thôi.
Vót ngửng lên thấy bà lý, nét mặt buồn thiu, nói khôi hài:
- Đã bị chồng đánh hay sao mà thiểu não thế kia. Có sao thì cũng cứ vui lên chứ. Hay lại con nào cuỗm mất chồng rồi. - Lúc trẻ, lúc già cũng vậy, Vót vẫn có tính bông đùa, cớt nhả như mẹ ranh.
Bà lý càng buồn, ngồi phịch xuống phản, vuốt mặt, thở dài.
Vót thấy vậy, nghiêm nét mặt, lại gần nói bằng một giọng thân mật:
- Này, bác lý ạ, tôi bảo thực, tội gì mà bà buồn mà khổ, chỉ khổ thiệt là mình. Tôi chắc lại chỉ vì bác trai thôi chứ gì. Tôi thì tôi kệ thây họ. Việc mình làm mình cứ làm.
Bà lý lại thở dài, hai bàn tay ôm lấy hai má và hai khuỷu tay chống xuống hai đùi:
- Nếu việc mình làm mình cứ làm được như bác thì tôi đã chả khổ, chả điêu đứng, sống dở chết dở như thế này.
Vót ngồi xuống bên cạnh, hai tay thu vào trong dải yếm, quay sang hỏi:
- Việc gì mà quá quắt lắm thế?
Bà lý buồn rầu thuật hết chuyện lại cho Vót nghe, rồi bà kết luận:
- Bác tính, chính con mình mà mình không có quyền gả bán thì có con làm gì cho thêm nhục.
Vót thấy có cụ lý dúng tay vào, biết rằng chẳng nghe cũng chẳng xong, bèn tìm lời an ủi vậy:
- Tôi tưởng việc gì chứ việc ấy thì bác cũng chẳng nên buồn. Người ta có số cả. Cháu Hĩm làm lẽ người cũng là số cháu. Biết đâu rằng cháu nó lại không sung sướng vì thế. Ông cụ nghĩ cũng phải đấy, bác ạ.
Bà lý rơm rớm nước mắt:
- Thôi thì cũng còn nhờ ở số phận nó, chứ bác tính còn sung sướng gì cái kiếp làm lẽ. Chao ôi! Có ai nhục nhã như tôi không.
0 comments: