Sunday, July 23, 2017

Tiểu thuyết Chồng con-Trần Tiêu: Chương 10

Chương 10:

Thầy nó lại đi đâu thế hử?
- Đi tuần chứ đi đâu, hỏi mới rõ lẩn thẩn. Tối nào người ta chẳng phải đi tuần. - Ông lý vừa nói vừa khoác chiếc “ba-đờ-suy” lên vai, chiếc áo mà năm ngoái, lúc mới ra làm việc, ông đã nhờ ông lý Thế buôn thuốc lào ở Phùng mua hộ.
Mồm ngậm thuốc lá tay cầm đèn “pin”, ông lý đi thủng thỉnh ra cửa.
Bà lý đương ngồi nói chuyện việc cửa việc nhà với Vót, đứng dậy chực nắm áo kéo lại rồi không biết nghĩ thế nào lại thôi, chỉ dậm dọa:
- Này tôi bảo trước... Liệu hồn! Tôi mà cáu tiết lên thì mất cả tử tế.
Vót cũng nói len:
- Anh lý ạ, tôi khuyên anh, đừng làm thế mà rồi người ta cười cho đấy. Bà cụ ốm đương nằm rên trong buồng kia nhé.
Ông lý vờ ngạc nhiên:
- Ơ hay! Tôi làm gì, ăn trộm ăn cắp gì mà người ta cười. - Vừa dứt lời ông đi biến vào trong tối để mặc vợ ngồi trơ với bạn.
Ra đến đường, ông bấm đèn “pin” sáng rực cả một khu. Bỗng có người ở đằng xa kêu lên:
- Ông lý đấy phỏng? Gớm! Chiếu ngay vào giữa mặt người ta quáng lòa, chẳng còn biết đằng nào mà rờ nữa.
Ông lý chiếu đèn ra chỗ khác và đi tiến lên.
- Ừ, đích mà, ông lý! Đi đâu đấy? Hay lại mò đến cái sở ấy chứ gì. - Người bắt gặp ấy là ông quản Giáp, đồng khóa nhưng còn kém chức lý thôn một bậc. Ông đi ra điếm để cùng với bọn dũng đi tuần. Ông tiếp luôn - Ông lý ạ, các cụ đương kêu ông đấy, trách độ rầy ông chẳng nhìn nhỏ gì đến việc tuần phòng.
- Tuần phòng đã có các ông. Công việc của chúng tôi là đi soát các điếm thì bây giờ tôi đi soát điếm đây, còn thế nào nữa.
Hai người đã cách xa nhau... Quản Giáp lẩm bẩm: “Cu cậu lại chết mệt về con đầu Ngoạt đấy thôi. Có ngày thì hết nghiệp vì nó như lão phó lý với con Trác ngày nào”.
Ông lý cũng lẩm bẩm: “Ai cũng như lão quản Giáp cả thì cô đầu đến chết đói nhăn răng. Cả đời chỉ biết cặm cụi làm việc, bo bo giữ của thì chán chết”.
Rồi ông vừa đi vừa nghĩ đến đầu Ngoạt, một ả đào tuy không đẹp nhưng có duyên, hát hay, vui chuyện. Ông rút ở túi áo “ba-đờ-suy” ra một chiếc mùi soa lụa ông giật được của nó trong lúc đùa bỡn. Ông để lên mũi ngửi. Một mùi nước hoa rẻ tiền xông lên, thơm hắc. Ông chẳng hiểu là thứ nước hoa gì và ông lấy làm quý lắm.
Ông nhớ lại cữ đình đám năm ngoái, ông khờ khạo, ngớ ngẩn, quê mùa quá đến nỗi không biết câu gì để nói chuyện với nó nữa, tuy rằng ông đã say mê nó, đã mơ tưởng, thờ thẫn về nó hàng tháng, khi nó rời khỏi làng đi hát nơi khác. Thì trước kia có bao giờ ông giáp mặt hay ngồi cạnh một cô đầu! Có bao giờ họ để ý cợt nhả đến ông! Cho hay cái chức vị nó cũng cho ta nếm được chút ít hương Vị mùi đời.
Bây giờ thì ông có thể gọi là thạo được. Này nhé: Ông biết đủ mọi lối hát, nào ngâm vọng, nào bắc phản, nào thiết nhạc, nào gửi thư, dịp ba cung bắc, tỳ bà, sa mạc... đủ, chẳng thiếu lối hát nào ông không biết. Ông lại biết nói chuyện, biết lả lơi, chòng ghẹo, biết cấu cấu, véo véo, biết nói xỏ nói xiên, biết câu tình tứ, biết cả một vài tiếng lóng nữa. Một ông lý mới ra đời như ông kể cũng thạo một cách hiếm có lắm đấy chứ.
Ông nghĩ liên miên riêng về con Ngoạt của ông. Còn con Sinh, con Tửu, con Luận đều bị người yêu của ông làm mờ đi cả. Vả lại, chúng nó mỗi đứa đã có một ông đương thứ hay một ông lý cựu đa tình để bắt tình nhân rồi. Ông không cần phải bàn đến chúng nó nữa.
Trí ông nghĩ, chân ông bước tràn, qua đình thôn Trung, qua ba bốn hiệu khách, qua xóm Cõi Ba, qua đình thôn Thượng, rẽ vào nhà bà Khoai - một bà trùm cô đầu quê - từ lúc nào không biết.
- Anh lý! Luồng gió may mắn nào đưa anh đến đây? Em mong anh mỏi cả mắt. Chỉ một chút nữa thì nổ con ngươi. Em lạnh quá, anh cho em mượn cái áo tơi xù của anh tí nào? - Đầu Ngoạt vừa nói vừa lột áo “ba-đờ-suy” của ông lý, khoác vào người - Trông em có giống bà đầm không, anh?
Có lẽ ông lý cũng chưa nhìn thấy “bà đầm” bao giờ nhưng ông nói tràn:
- Giống lắm. Các cô ấy có nhà hay đi hát cả rồi?
- Chị Luận, chị Tửu hát ở đằng cụ hội. Chị Sinh thì ông lý Hữu cuỗm đi cao lâu mất rồi (cao lâu là một túp lều tranh bán phở của bếp Ấp mở ra trong mấy tháng xuân). Chỉ còn em ở nhà đợi anh đây... Với hai bác kép đói thuốc nằm meo ở ổ rơm kia kìa. Anh có đồng nào mua thuốc cho họ hút chẳng tội nghiệp. - Nói rồi nó móc cái túi “ba-đờ-suy”. Đến túi trong nó rút cái ví, mở ra soát các ngăn - Ba đồng, bốn đồng, năm đồng. Á chà! Hôm nay anh lý em “rích” nhỉ. Cho em vay một đồng nhé. Nói thế chứ em đâu dám tự tiện nhỡ anh từ chối thì thẹn chết.
- Được, cô có cần thì cứ lấy mà tiêu. - Và ông mừng thầm, cám ơn con bé. Giá nó lấy ngay vài ba đồng, ông cũng không biết tính cách nào mà từ chối được. Ông vội cầm lấy ví, đưa một đồng cho nó rồi nói lảng sang chuyện khác, sợ nó đổi ý nài thêm chăng.
Ông đi lại ngồi xuống chiếc phản mục kê ở giữa nhà. Bên cạnh, ngay sát chiếc phản, một ổ rơm trải suốt một gian, từ trong đến ngoài, nghĩa là rộng độ bằng hai cái phản, vì cả ba gian nhà bà Khoai không được rộng bằng một cái buồng khác. Phía bên kia cách cái phản bằng một cái liếp, có cái gưrờng tre long mộng, trên phủ chiếc màn nâu hằng năm không giặt. Đấy là chỗ các cô đầu chen chúc nhau ngủ và đấy cũng là chỗ khách nằm tình tự suông với chị em.
Thấy ông lý bước vào, hai anh kép nghiện oặt đương nằm ngáp vặt với chiếc khay đèn không dầu, không thuốc, ngồi nhổm dậy chào. Một anh nói, giọng rè rè:
- Bẩm cụ, anh em chị em đến đông quá, tiền hát chả đủ ăn ngày hai bữa, còn tiền đâu mua thuốc. Túng quá, xin cụ dăm hào.
Ông lý móc ví đưa ra một đồng dặn mua cho ông chai rượu, hai bìa chả hay một gói giò lụa, còn bao nhiêu mua thuốc cả.
- Bác mua về cho tôi thưởng vài phát với nhé.
Đầu Ngoạt liếc mắt lườm rồi làm như một người vợ cấm đoán chồng:
- Em không muốn cho anh hút đâu. Hút nay một vài điếu, mai một vài điếu rồi quen hư thành nghiện đấy.
Ông lý sướng nở ruột, nở gan, quay lại tươi cười hỏi:
- Em không muốn chồng em nghiện à? - Ông cho câu nói của ông tình tứ mặn mà lắm.
Đầu Ngoạt ngước mắt nhìn ông lý một cách vừa âu yếm vừa lả lơi và cười nói:
- Hẳn chứ lỵ... À này, anh lý, em mới học được vài lối hát chèo. Em hát anh nghe nhé?
Ngoạt đằng hắng mấy cái dồn giọng rồi cất tiếng hát lanh lảnh.
Ông lý ngồi đờ ra nghe. Ngoạt liếc nhìn tủm tỉm cười đổi giọng ai oán sang giọng lả lơi, đầu ngả dựa vào vai ông lý. Thấy ông run run, nó nghĩ thầm: “Anh chàng say mất hồn mất vía rồi”.
Một lát anh kép đem rượu và đồ nhắm về. Còn thuốc phiện, anh ta mua vào trong cái cóng sừng đậy chặt bỏ túi. Một vài ông lý cựu có tiếng là chơi keo, nghe rõ tiếng hát, tạt vào tự tiện che tàn.
Ông lý chau mày nhưng bất đắc dĩ cũng phải đứng dậy chào mời niềm nở. Mấy ông khách quý nhận lời ngay, ngồi xuống nhắm rượu gạnh và chốc nữa nghe hát boóng. Các ông không mấy khi chịu bỏ tiền chi hát nhưng lại vào tay sành ăn, sành nói, sành hát nhất làng. Các ông lả lơi, ôm ấp phứa, mặc dầu Ngoạt nói bóng nói gió, nói xỏ nói xiên, mặc dầu Ngoạt vùng vằng giãy nảy và nói lắm câu quá thậm tệ. Ăn uống no say rồi, một ông gạ:
- Chị Ngoạt hát đi cho chúng tôi nghe nhờ tí. Chị ấy là đệ nhất danh ca ở vùng này đấy, các bác ạ. Chú, chú kép! Vứt cho tôi cái trống.
Anh kép nằm, điềm nhiên tiêm thuốc và nói liền:
- Thưa, trống vỡ tan rồi.
Đầu Ngoạt tiếp luôn:
- Với lại tôi cũng khàn giọng và mệt lắm không hát được. - Ngoạt vừa nói vừa liếc mắt cười tình với ông lý.
- Thì ban nãy chị vừa kể bồng mạc, sa mạc đấy nhé.
- Lúc nãy tôi hát được, bây giờ tôi lại không hát được thì các ông bảo sao?
Một ông xem chừng thấy cách cử chỉ khiếm nhã và lời nói dấm dẳn của đầu Ngoạt, hơi ngượng, bèn kéo chúng bạn ra về: “Chị ấy chẳng muốn hát cho cánh mình nghe thì thôi, cần đếch gì. Ta đến đằng cụ hội đi”.
Các ông vừa ra khỏi cửa, đầu Ngoạt liền đến ngồi cạnh, quàng vai ông lý, nói õng ẹo:
- Gớm! Sao mà em ghét họ thế!
- Các ông ấy suốt đời chỉ độc chơi bửa thế thôi. Cả làng, những tay chơi, có mấy người ưa.
- Thế thì nan du la... ắm... khó chơi la... ắm... - Tiếng “lắm” Ngoạt kéo đợt ra cả người Ngoạt ngả mãi vào lòng ông lý. Thế thì làm gì mà ông chẳng chết mê chết mệt!
Trong khi ba hồn bảy vía ông lý bị thu cả vào trong khóe mắt, trong miệng cười của đầu Ngoạt thì ở nhà bà lý uất lên vì ghen, uất đến ứa cả nước mắt. Bà thở ngắn thở dài, đi ra đi vào, nhắc đi nhắc lại:
- Con người thế mà tệ bạc!
Lửa ghen đã cháy bùng trong tim gan bà. Vót lại vô tình đổ dầu thêm:
- Chị lành quá, cứ để anh ấy lấn át mãi. Phải tay tôi xem, tôi thì lôi nó ra đường xé tan thây nó ra chứ lị.
Vót về rồi, bà vẫn còn hậm hực, tức tối, không sao ngồi yên được. Bà đã cố dệt vải để quên đi, nhưng cái ghen nó đã đánh át cả công việc, làm cho bà dệt vấp váp đứt luôn. Sau cùng máu ghen đưa lên mạnh quá, làm bà nghẹn ngào khó thở. Bà không chịu được, đứng dậy gọi con ở lên coi nhà. Bà xách chiếc đèn chai, nhất định đến tận nhà bà Khoai đánh xé cho nó một mẻ nhừ tử rồi muốn ra sao thì ra.
Chợt trông thấy cái tay thước mun khảm dựa ở vách, bà không nghĩ ngợi, cầm ngay lấy, hầm hổ bước chồm ra cổng như một con sư tử cái dữ tợn. Con ở ngồi ngây trên phản. Nó trông thấy chủ nó ghê gớm quá mà nó run lên cầm cập.
Đêm đã khuya. Sương xuống nhiều. Gió thổi lạnh thấu qua làn áo. Khí uất trong người bà nguội dần. Bốn bề yên lặng. Một vài con chim ríu rít rất sẽ trong bụi tre. Thỉnh thoảng tiếng chó từ xa vẳng tới và luôn luôn tiếng lúa cọ vào nhau sột soạt. Chung quanh mờ mờ, mịt mịt, với những tiếng thì thầm của đêm như ôm ấp, lấy cơn ghen của bà mà ru ngủ, như gợi lòng trắc ẩn của bà vốn sẵn có tự xưa.
Bà bước chậm lại, nhìn xuống cái tay thước rồi bất giác mỉm cười, nói sẽ một mình: “Rõ chán! Mình vác tay thước đi, định đánh vỡ đầu người ta chắc. Tội vạ ai chịu?”
Bà nghĩ đến thân bà tuy chưa già nhưng cũng đã gần bốn mươi. Đứng tuổi rồi, bà không còn xuân tình đâu nữa để được chồng bà săn sóc tới. Bà tưởng đến lũ ả đầu, phác họa hình dung chúng nó ra trước mắt. Bà thấy sắc đẹp bà, nếu bà còn sắc đẹp, chẳng thấm vào đâu với sắc đẹp chúng nó. Bà buồn nản, lui gót trở về và tự mai mỉa mình bằng một giọng chua chát thấm đến tâm can: “Già mà còn ghen, chẳng sợ người ta cười. Rõ dơ đời”. Bà nghĩ đến hành vi của bà lý Nhàn năm xưa. Bà ấy cũng đứng tuổi như bà, cũng ghen như bà, cũng giờ này đi đánh ghen như bà rồi rút cục bị ông chồng hành hạ ngay trước mặt bọn cô đầu. Bà ấy lại còn bị tai tiếng khắp làng về tội bêu xấu chồng, làm nhục chồng trước mặt công chúng. Kết quả rõ thiểu não! Rõ điêu đứng!
Bà vừa đi vừa lẩm bẩm: “Cái gương tày liếp sờ sờ ra đấy chứ còn đâu xa”.
Bà về đến nhà thì trời đã gần sáng. Bà nằm vật xuống giường, thổn thức, nghẹn ngào trong chăn. Cơn ghen của bà ở đâu lại nổi lên đùng đùng. Người bà tuy không còn trẻ nữa nhưng tâm hồn bà vẫn còn trẻ măng.



SHARE THIS

Author:

Tôi là một bloger, đây không phải là nghề của tôi mà nó xuất phát từ niềm đam mê mong muốn mang lại cho các bạn những thông tin chính xác nhất, một nơi tuyệt vời để t ạo ra cho riêng mình một thế giới mới...

0 comments: