Sunday, July 23, 2017

Tiểu thuyết Chồng Con - Trần Tiêu: chương 9

Chương 9:

Sáng hôm sau, nàng dậy sớm để dệt bù vào đêm vừa qua. Hôm nào vì bận việc hay vì tiếp chuyện ai mà nàng dệt chậm mất một vài vuông, nàng vẫn thấy tiếng tiếc.
Nàng dệt cho đến khi ánh vàng xuyên vào tận trong nhà ngang mới đứng dậy đi làm công việc khác. Nàng gọi con ở lên, dặn nó đi tìm chồng về:
- Mày đến đằng bác Chung. Nếu không có đấy thì đến đằng ông khán Để. Không có thì hỏi ông ấy xem bác mày ở đâu nhé! - Con ở đi được vài bước, nàng gọi giựt lại, nói thầm - Nếu bác mày không chịu về thì mày bảo bác mày cứ về, bà không mắng đâu mà đứng đợi về cùng với bác mày nhé... Này, này, tao bảo đã: hễ bác mày có hỏi chuyện nhà thì mày cứ nói không biết nhé!
Đắn đo xong, nàng xuống bếp rửa bát đĩa thay cho con ở. Rồi nàng nấu cám băm bèo cho lợn.
Con ở tinh quái. Nó đã hỏi dò từ trước nên biết đích hơn nàng. Nó đi thẳng đến đằng xã Vị, chú lý mới, một nhà quanh năm chứa tổ tôm, xóc đĩa. Nó xồng xộc vào trong nhà, thấy chủ nó ngồi bơ phờ chầu rìa tổ tôm bên cạnh khán Để.
Từ ngày thua canh bạc ở đằng lý mới, hắn đã cầm hai sào vườn lấy năm chục để trả trưởng bạ và trang trải những nợ vặt. Còn thừa vài chục hắn đem đi đánh gỡ mấy tối liền ở làng Đoài vì làng ấy vừa xin được phép mở hội khánh thành đình mới.
Cờ bạc lúc đen thì hết cả nói thánh. Hắn tính sai bét, đặt đâu thua đấy. Trở về, hắn còn giữ được vài đồng trong túi để nằm khàn nhà xã Vị đánh tổ tôm còm. Nhưng mấy đồng bạc khổ ấy rồi sau cũng mất hết. Hắn đang ngồi chầu rìa để đòi chén “gạch” anh em vậy.
Vì thế, con ở đến gọi về hắn nghe ngay, trong bụng còn mừng thầm vớ được dịp tốt. Hắn đội khăn, khoác áo, theo con ở ra sân.
Xã Vị đương nói lảm nhảm trong bếp, chạy ra giữ lấy lệ, chứ hắn còn “cóc khô” gì nữa mà hòng. Hắn thoái thác nhà có việc cần. Ra đến đường hắn hỏi gạn con ở:
- Này mày, bà có chửi rủa tao lắm không, mày?
Con ở đi sau, tủm tỉm cười:
- Mấy hôm đầu, cụ con chửi dinh nhà, nào những thằng trời đánh thánh vật, thằng chết băm chết vằm, thằng phải gió, chết đồng lăn, đồng...
Hắn cũng tủm tỉm cười, quay lại:
- Mày chửi tao đấy à?
Con bé sợ, vội cãi:
- Không, con đâu dám chửi bác. Là cụ con chửi thế chứ.
- Thế còn bác gái... có nói gì tao không?
- Bác con cứ lì lì suốt ngày. Con trông bác con buồn thiu buồn chảy. - Con bé đã quên lời chủ dặn, kể vanh vách cả sự thể trong nhà. Nó còn bịa đặt thêm để ông chủ nó hối hận.
Hắn bước những bước mạnh bạo, trong lòng hơi vui vui, nhưng khi về đến cổng, hắn đâm ngượng, bẽn lẽn như gái về nhà chồng. Nhất lúc giáp mặt vợ, hắn không còn biết nói năng ra sao, cứ đành cắm mặt xuống nhìn mấy đầu ngón chân như người chờ chịu tội.
Mẹ hắn không chửi mắng như hắn tưởng, nhưng nói mỉa:
- Ông đã vác mặt về đấy à? Úi chào! Trông rõ thiểu não chưa. Còn vài mẫu ruộng nữa sao không bán nốt đi mà cúng ông thần đổ bác.
Vợ hắn biết hắn đã hối hận, thương hại, tuy trong lòng chưa hết giận. Nàng ngồi thản nhiên dệt để anh chồng đứng sau lưng mãi rồi nàng mới ngừng tay nói buông thõng: “Năm nay mãn khóa khuyết lý thôn. Có định làm thì đến nói với cụ hội để người ta còn liệu”. Nói rồi không đợi chồng trả lời, nàng lại bắt tay dệt.
Mẹ hắn ngồi bế cháu trên phản nói thêm: “Có thì đi đến cụ hội ngay bây giờ, nếu không thôn sẽ chọn người khác rồi lại trơ mắt ếch ra đấy”. Bà có ý sợ con chùng chình lỡ việc, và nếu hắn tỏ ra vẻ không cần, chắc bà sẽ bắt ép. Bà cho cái việc may mắn này là một hạnh phúc lớn. Bà còn mong hậu vận con bà mỗi ngày một hơn, bắt đầu từ lý thôn rồi lý trưởng, rồi chánh tổng, lừng lẫy một thời. Bà thường nói ra miệng:
“Con hơn cha là nhà có phúc”. Ngày đêm bà ước ao con bà hơn cả các cụ khi xưa nên bà càng uất ức thấy con mình chỉ ham chơi bời lêu lổng.
Theo lời mẹ, hắn đi vội đến đằng ông hội. Lúc trở về, hắn đã hết ngượng, nói năng, cử chỉ tự nhiên. Hắn đi lại chỗ mẹ, ẵm lấy đứa bé hôn hít. Con bé lớn bíu lấy vạt áo bố vòi quà. Con ở đi lên thấy thế trở xuống bếp, lẩm bẩm: “Thế là ông bà lại làm lành nhau rồi. Ừ, có thế nhà mới vui vẻ chứ không thì buồn chết”.
Cách năm hôm, sau buổi tiệc làng, nhà hắn bỗng trở nên tấp nập. Kẻ ra người vào không lúc nào ngớt. Tiếng giã giò, tiếng băm chả, tiếng những người làm giúp ồn ào như phiên chợ. Cái sân đã biến thành cái rạp trên lợp bằng những sảo thuốc. Hai bên che liếp. Trước mặt treo mành mành. Những bàn ghế mượn các nơi bày thành ba dãy. Trên mỗi cái bàn để sẵn một tích nước, nhiều cái sứt vòi, mẻ nắp, bốn cái chén cáu vàng, một cái điếu, một chiếc đèn Hoa Kỳ và một đĩa trầu. Khách ngồi rải rác nói ba hoa, cười vô tư lự.
Người chồng chạy đi chạy lại, hớn hở trong bộ quần áo mới. Thỉnh thoảng một con bạc quen hỏi:
- Thế nào, ông lý mới? Chén xong, ta ra cái xó kia sát phạt nhau một mẻ chứ?
- Chết! Chớ! Nhà tôi làm địa lên cho.
Rồi hẳn vội lảng đi chỗ khác tiếp khách.
Tuy vậy, sau bữa chén say khướt, các ông cũng giở giói đánh chác một lúc và hắn cũng lảng vảng đến làm một vài tiếng cho bõ thèm.
Vợ ngồi têm trầu với mẹ chồng và các bà, các cô trong họ. Mỗi khi họ gọi đùa “bà lý”, nàng lại đỏ mặt, xấu hổ, nhưng trong lòng nàng hớn hở, sung sướng. Trước kia nàng muốn lo cho chồng cái lý thôn cốt để chồng bận việc thôn mà thôi chơi bời lêu lổng. Nay nàng cảm thấy cái chức nhỏ ấy nó còn đem lại cho nàng thêm ít hạnh phúc. Từ nay chồng nàng đã lên chức ông lý và nàng đã lên chức bà lý, không còn là anh xã chị xã tầm thường rẻ rúng như hôm qua nữa. Kể cũng sung sướng thật!
Hôm sau, nhà ông lý bà lý trở lại yên lặng như thường. Bà lý trở lại công việc hàng ngày, hoặc quanh quẩn ngoài vườn thuốc bắt sâu, bẻ ngạch, rửa nhờn, hoặc dệt cửi, làm cơm làm nước; hoặc đi chợ mua bán, chẳng khác ngày còn là chị xã chút nào.
Ông lý thì xem chừng đổi cả tâm tính lẫn hình thức.
Đêm đêm cầm tay thước, cái tay thước mun khảm xà cừ bốn mặt của ông lý Khang vừa mãn khóa để lại cùng với chiếc tù và bằng con ốc, ông lý đi một cách dõng dạc đến cái điếm ở đầu chợ, đánh một hồi trống gọi tuần.
Ngày ngày ông lý ra đình hầu việc các cụ. Hầu việc các cụ kể cũng chẳng khó. Hôm nào việc làng, việc giáp, ông lý cầm roi đi mời các ông, các cụ cựu. (Cầm roi đe chó chứ ai dám cầm roi đe các cụ). Bọn đương thứ khóa trước đã được lên chức “ông cựu” cũng được ông lý mới đến mời.
Những tiết rằm mồng một hay những ngày giỗ hậu, ông lý phải “xắn” xôi, gà, rước ra miếu ra đình để các cụ tế tuần rồi ngả ra mời các cụ chén; cuối năm các cụ cũng lấy tiền thôn trả cho chút đỉnh.
Bận nhất là những ngày đại tiết như tiết tháng Năm, tháng Bảy, tiết trùng cửu, trùng thập. Ông lý phải thân hành đi mua lợn. Rẻ thì được các cụ khen: “Nhà lý khéo mua đấy”. Đắt thì bị các cụ mắng mất mặt: “Tiền thôn không phải tiền của anh có khác, cứ nhắm mắt mua liều!” Các cụ mắng chán rồi các cụ nhất định chỉ trả một giá rất rẻ, còn thiếu bao nhiêu, mặc ông lý xoay xở.
Việc dầu đèn, hương nến, việc quét dọn lau chùi, bày biện đều là ở việc của ông lý. Các cụ chỉ việc ngồi trỏ tay năm ngón và bắt bẻ mỗi khi có chếch lệch.
Nhưng, cho hay trời chẳng phụ ai, có những ngày vất vả khó nhọc, có những ngày nhục nhã, khổ sở thì cũng có những ngày sung sướng để bù vào. Những ngày sung sướng ấy là những ngày đình đám hội hè. Ông lý cùng các ông lý, ông quản đồng khóa đi lại chào mời vui như tết.
Các đầu kép phải kiêng nể một vành. Vì đi gọi, chọn lọc đầu kép là ở các ông. Cơm nước sang trọng hay tồi tĩnh cũng quyền ở các ông. Các cụ chẳng biết đấy là đâu. Vả các cụ có muốn cũng chẳng được, cái chức đạo mạo của các cụ đã ngăn cấm, đã bắt buộc các cụ phải nhường lại quyền ấy cho đương thứ.
Vì thế mà làm đương thứ có tình nhân cô đầu. Ông lý tôi tuy sành sỏi nghề đổ bác, nhưng đối với cô đầu xem chừng còn ngượng nghịu vụng về lắm. Vụng về không phải là không mê, cố nhiên. Liệu hồn cho ông lý! Cặp mắt lóng la lóng lánh, liếc đi liếc lại, đưa tình kia, cái miệng cười nhí nhảnh để lộ đôi hàm răng đen nhánh hạt huyền với cặp môi cắn chỉ kia có ngày sẽ làm ông lý chết mệt.
Mà hầu như ông lý tôi đã gần chết mệt với đầu Ngoạt rồi thì phải. Vì cớ rằng: mỗi lần đầu Ngoạt gọi ông bằng một giọng lả lơi, lả lơi cả từng con mắt cho chí miệng cười: “Anh lý ơi! Anh lý! Anh cho em xin miếng trầu. Em nhạt mồm lắm, anh lý ạ”. Hay: “Anh lý ơi, anh đấm hộ em cái lưng tí nào. Chết chửa. Chưa già mà đã như già rồi. Em có già không, anh lý?” Hay: “Anh lý cho em năm xu ăn phở. Em đói quá anh lý ạ, đói cào cấu cả ruột gan”. Những lúc ấy ông lý tôi như ngây như dại và ngoan ngoãn bảo sao nghe vậy.
Ông mê, nên sau việc đình đám vừa rồi, các bạn đương thứ rủ vào hội hát, mỗi xuất đóng bốn đồng, ông vui lòng vào ngay.
Hội, cả thảy mười xuất, một ông cựu đánh chầu lỗi lạc đứng chủ, ông phải góp tiền để dạy các đàn em. Hội chọn một vài nhà làm chi điếm, những nhà mà ông chủ bắt nạt vợ hay được vợ quá nể. Mỗi tối, hội chi một đồng hát, một đồng chén. Ở nhà quê, một đồng một tối hát đã là phong thể lắm rồi. Hỏi kinh tế có ông chỉ ba hào cũng nên. Còn một đồng chén thì khí chặt chẽ, eo hẹp một chút. Nhưng mà các quan viên cần uống chứ cần gì nhắm. Nhắm môi món độ vài ba đĩa, hoặc đĩa giò đĩa chả, hoặc đĩa đậu phụ luộc, đĩa cá rán là đủ lắm rồi, miễn là nhiều, thật nhiều rượu để các quan viên say bí tỉ. Có say các ngài mới dám giở ngón kề cả gàn nhà ra với cô đầu, còn lúc tỉnh thì nặn mãi mới được một vài câu ngớ ngẩn hay ngu ngốc.
Ông lý tôi được cái việc gì đã mê thì rất chăm, rất chịu khó. Ông chịu khó biên chép những bài hát vào mảnh giấy, khuyên những chỗ nào có trống, gạch những chỗ nào cắc. Ông học thuộc lòng những khổ xếp, khổ xuyên, ông học cả gối hạc.
Một lần, ở ngay nhà, uống rượu say, ông cao hứng, quên cả bà lý ngồi đấy, lấy chiếc gối mây làm trống, lấy chiếc đũa làm dùi. Ông ngồi xếp bành tròn bệ vệ như một ông đại, vừa ngửng mặt lên xà nhà hát: “Hường hường tuyết tuyết” vừa nện trên mặt gối hay gõ vào đầu chiếc gối gỗ.
Bà lý khó chịu gắt:
- Muốn hát thì ra đình ra miếu mà hát chứ nhà tôi không chứa cô đầu.
- Thích chí thì hát chơi chứ cô đầu cô đít nào ở đây. Mình rõ hay chưa, có thế mà cũng gắt.
Bà lý giận, đi lại khung cửi dệt để át tiếng hát, tiếng chầu của ông lý.
Thấy mình quá bạo, sợ bà lý làm rầy rà sau này, ông lý lấy cái gối ra đầu giường nằm gối lên ngủ.
Hơi rượu nhạt dần, ông lý bắt đầu tỉnh và hối hận nghĩ thầm: “Không khéo vì thế mà việc thầm kín của mình bị vỡ lở mất”. Có lẽ rồi vợ ông đâm ngờ, không tin là tối nào ông cũng chăm chỉ vác tay thước đi tuần. Ông có biết đâu: bà lý nhà ông cũng đã biết “tỏng tòng tong” rằng: ông vào hội hát mà không mấy tối là ông không đi hát với các quan viên hội. Bà lý biết, nhưng thực bà không ghen, bà cũng phải biết cầm cái roi chầu cho khỏi ngượng nghịu để những khi đình đám, hội hè, đám xá, khao vọng, khỏi mang tiếng với anh em là người không biết ăn chơi. Bà có biết đâu rằng chồng đã mê mệt đầu Ngoạt, đã mất cho nó mỗi bận vài đồng, tính đổ dồn có tới vài chục bạc.
Số tiền ấy, ông đã làm văn tự vay lãi mười phân của can Thận, một tay giàu xụ trong xóm.

SHARE THIS

Author:

Tôi là một bloger, đây không phải là nghề của tôi mà nó xuất phát từ niềm đam mê mong muốn mang lại cho các bạn những thông tin chính xác nhất, một nơi tuyệt vời để t ạo ra cho riêng mình một thế giới mới...

0 comments: