PHAN ĐÌNH MINH
Chiếc mâm gỗ nhà tôi chẳng biết có từ bao giờ, ai cho, hay bà nội quẩy gánh rạ cồ như chái nhà lên chợ Giằng bán một đồng hai, mua nó. Ông nội tôi mất từ khi bà có mang cha tôi ba tháng. Bà gánh gồng quang thúng trật vai áo gụ nuôi bác Yến, bác Thanh lớn lên trên cái phố Vật Nại bốn mùa gió quẩn cùng bụi đỏ bờ đê ném xuống dăm thửa ruộng còm. Đường làng, gò bãi, tường nhà đâu đâu cũng au đất đá ong rời rạc quanh cái làng nghèo suốt năm vần vò bởi đủ thứ cỗ đồng hao, lên ông, lên lão khiến vài trăm hộ dân dặt dẹo, hèn kém không mở được mắt, bằng người. Bà gánh con lên xứ này tìm ông, rồi cắm lều ở lại. Vài năm sau, ông mất. Ông nội tôi mất là do ngã nước khi đi vào sâu các họ bản xa xôi vùng Trung Hà, có đận sang tận đất Phú Thọ tìm khách bưng trống. Khi thấy khó qua, ông sai bà xuống Tổng Sơn dưới Sơn Đông (Sơn Tây bây giờ) ăn mày nhà thờ để chết có suất quan tài và được chôn trong nghĩa trang Thiên chúa. Từ đó, mộ ông mang tên thánh và chính thức nhà tôi mất mộ. Gần tám mươi năm qua, cái nghĩa địa dày sít mồ mả, tôi chẳng biết được ông nội nằm chỗ nào. Khi có dịp qua đây, tôi thường vào nghĩa trang thắp hương khấn vọng... Mươi mùa mót sắn, mươi mùa soạn củi bán dọc quốc lộ, khi cuộc sống không nương néo được, bà lại cõng cha tôi về dưới Cẩm Giàng, gọi là cóc chết ba năm quay đầu về núi. Bà nội chẳng tái giá, gắn đời mình với quê chồng, với những cánh rộc quanh năm chiêm khê mùa thối cấy cày trằn lưng ba vụ chỉ được ăn một, làm dâu khắp cả họ, cả làng...
Bà tôi kể, ngày cha tôi cưới vợ, dù cưới vợ làng nhưng cha ngơ ngác như đi làm rể xa quê vì thống lĩnh Kinh Uyên chỉ có hai họ Trịnh và Nguyễn bao trùm. Cha tôi họ Phan, được làm rể họ Nguyễn quý hoá, đương nhiên cành thấp với cành cao, như thiên hạ bước chân vào đây xin gả bá... Đám cưới vét đến đồng tiền cuối cùng, túm trong cái ruột tượng của bà tích bởi mười năm gồng gánh xứ người. Cũng may, nhờ Kinh Uyên còn chi dưới cành họ Phan, nên bà vẫn có tiếng thơm khi cha lấy được con gái dòng Nguyễn Duy danh giá... Khổ tận cam lai, có lẽ, chỉ cái mâm gỗ mít là khắc là tạc như in cay đắng trải qua gần nửa thế kỉ. Tôi biết võng vãnh chuyện, rồi rõ rệt mọi thứ vào cái lúc rón được chuồn chuồn đậu bờ rào, thè lưỡi liếm mũi thò lò, khi ấy cái mâm gỗ đã có từ bao giờ. Có lẽ, nó có từ khi gia đình sống trên đất Vật Nại lúc ông còn. Chiếc mâm chứng kiến hết cả đời bà nội cằn cục gánh gồng, cả đời cha lận đận, đời mẹ thương khó kiệt tới giọt sữa cuối nuôi bẩy anh em tôi lớn khôn thành người. Chiếc mâm còn hằn trong lòng mồn một khi bà nội nặn từng cái bánh bột ngô, bột cám, dưới đôi mắt hau háu đói mềm của cha, của bác Thanh, bác Yến. Chiếc mâm gỗ bà dùng bưng buồng cau còi quả, cái thủ lợn và đĩa xôi to làm cơi trầu đội qua hòn đá chênh vênh bắc thông ngòi từ xóm Ngoài vào xóm Giữa hỏi mẹ cho cha. Chiếc mâm bày không biết bao nhiêu bữa cơm đạm bạc những tháng ngày khốn khó sau cải cách ruộng đất, những đêm lang bạt lên Phú Thọ làm nghề phu xe ba gác. Tôi vẫn nhớ như in chiếc mâm gỗ thường bày bát muối mỡ, con cá khô mặn đắng cúng bà nội khi bà mất, bởi trước khi nhắm mắt, bà dặn, giỗ, chỉ cần cúng thế...
Năm 1971 vỡ đê Văn Thai, nước trôi trắng xóa băng sạch ruộng vườn, kéo nhà tôi như kéo cái mê lên mênh mông nước. Cha cho tôi ngồi lên cái mâm gỗ rồi đội trên đầu bơi sang đống Ngặt Kéo nơi cả làng tránh lụt. Chiếc mâm gỗ bao lần để tôi làm nón nghịch che đầu khi nắng ngộp sân, cha sai quàng con trâu, thu đàn ngỗng. Từng đứa, từng đứa anh em tôi đã lớn dần dưới mái rạ nghèo của cha của mẹ và chiếc mâm này, chứng kiến suýt vài bận cha định cho bớt chúng tôi vì khốn khó, nhưng lại nghĩ con mình sẽ như mèo hoang chó dại mà gạt nước mắt cõng từng đứa từ nhà người về, cố rau cháo qua ngày... Giờ chúng tôi đã lớn, biết lo, biết cái lẽ đúng sai và đứa nào cũng gắng thuộc lời cha, hãy cố là người tử tế mà sao tôi thấy mãi vẫn chưa đặng... Cha bệnh sáu năm nay rồi, cái mâm gỗ vẫn ngày ngày đựng bát cơm, bát canh nấu rau tập tàng mẹ chăm cha lên giường, ra võng, đút cho cha ăn. Chiếc mâm thương khó phải chăng là báu vật nén bao kí ức đến giờ nên dầu chúng tôi muốn sắm cho cha chiếc mâm đồng hay mâm nhôm dày dặn cha vẫn chẳng bằng lòng. Mùa đông rét mướt về, mùa xuân tới, mùa hè qua, tôi biết cha sẽ không cho ai cất chiếc mâm, giờ nhìn kĩ mới ra “lòng” nó vậy. Tôi chắc xa chiếc mâm cha sẽ buồn nhớ. Và tôi cũng vậy, chiếc mâm là kí ức, là kỉ vật của bà, là thương khó gần trăm năm cả nhà lúc tôi đi vắng tận nước bạn xa. Chiếc mâm gỗ còn là nếp nguồn gắn cuộc đời chúng tôi thành hành trang không thể nào khác được. Rồi có lúc tôi nghĩ dại, mai này, cha mẹ mất, và tôi nữa, liệu con tôi có giữ được nó khi cuộc sống mỗi lúc cứ ngợp, cứ chồng đống, bất ổn, văn minh chóng mặt nhiều đến thế này.
Năm 1971 vỡ đê Văn Thai, nước trôi trắng xóa băng sạch ruộng vườn, kéo nhà tôi như kéo cái mê lên mênh mông nước. Cha cho tôi ngồi lên cái mâm gỗ rồi đội trên đầu bơi sang đống Ngặt Kéo nơi cả làng tránh lụt. Chiếc mâm gỗ bao lần để tôi làm nón nghịch che đầu khi nắng ngộp sân, cha sai quàng con trâu, thu đàn ngỗng. Từng đứa, từng đứa anh em tôi đã lớn dần dưới mái rạ nghèo của cha của mẹ và chiếc mâm này, chứng kiến suýt vài bận cha định cho bớt chúng tôi vì khốn khó, nhưng lại nghĩ con mình sẽ như mèo hoang chó dại mà gạt nước mắt cõng từng đứa từ nhà người về, cố rau cháo qua ngày... Giờ chúng tôi đã lớn, biết lo, biết cái lẽ đúng sai và đứa nào cũng gắng thuộc lời cha, hãy cố là người tử tế mà sao tôi thấy mãi vẫn chưa đặng... Cha bệnh sáu năm nay rồi, cái mâm gỗ vẫn ngày ngày đựng bát cơm, bát canh nấu rau tập tàng mẹ chăm cha lên giường, ra võng, đút cho cha ăn. Chiếc mâm thương khó phải chăng là báu vật nén bao kí ức đến giờ nên dầu chúng tôi muốn sắm cho cha chiếc mâm đồng hay mâm nhôm dày dặn cha vẫn chẳng bằng lòng. Mùa đông rét mướt về, mùa xuân tới, mùa hè qua, tôi biết cha sẽ không cho ai cất chiếc mâm, giờ nhìn kĩ mới ra “lòng” nó vậy. Tôi chắc xa chiếc mâm cha sẽ buồn nhớ. Và tôi cũng vậy, chiếc mâm là kí ức, là kỉ vật của bà, là thương khó gần trăm năm cả nhà lúc tôi đi vắng tận nước bạn xa. Chiếc mâm gỗ còn là nếp nguồn gắn cuộc đời chúng tôi thành hành trang không thể nào khác được. Rồi có lúc tôi nghĩ dại, mai này, cha mẹ mất, và tôi nữa, liệu con tôi có giữ được nó khi cuộc sống mỗi lúc cứ ngợp, cứ chồng đống, bất ổn, văn minh chóng mặt nhiều đến thế này.
P.Đ.M
Theo VNQD
0 comments: